BẢN KIỂM ĐIỂM CỦA “CHỦ NHÂN” GỞI CÁC BẬC “ĐẦY TỚ”
Thực tế, tiết kiệm là việc ta phải làm mỗi ngày, không phải đợi đến nhà hết gạo mới tiết kiệm. Cháu tôi ngày nào lên ăn cơm cũng càu nhàu sao ba mẹ bắt con ăn nhiều quá, chê món này không ngon, món kia không ngon, ăn xong lúc nào cũng bỏ lại thừa mứa mấy muỗng cơm và thức ăn trong chén, bật đồ điện lên xài xong thì cứ bỏ đó đi chơi, vào nhà vệ sinh xong không khóa vòi nước, quần áo mặc chưa cũ đã đòi sắm quần áo mới cho hợp thời trang, dụng cụ học tập (thước kẻ, gôm, bút chì...) năm nào cũng phải mua bộ mới vì bộ cũ “biến mất”. Tôi không hiểu sao GDCD không dạy trẻ ăn uống không nên bỏ thừa mứa mà nên tiết kiệm để giúp đỡ các bạn nghèo thiếu gạo ăn, tiết kiệm điện, nước bằng hành động đơn giản là tắt đồ điện, khóa vòi nước khi sử dụng xong, giữ gìn đồ dùng học tập và tiếp tục dùng nếu nó còn sử dụng được?
Kính gởi: Các bậc “Đầy tớ chi dân”!
Sự kiện sau một cơn mưa Hà Nội biến thành cái hồ to nhất nước, người dân Thủ đô trở thành “ngư dân bất đắc dĩ”, làm cho 17 người chết vì lụt lội và số người mất tích còn tăng lên nữa, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, v.v… Ngài “đầy tớ” Phạm Quang Nghị -Bí thư Thành ủy Hà Nội đã la mắng “chủ nhân” chúng con rằng: “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm”, “Thiên tai thì không tính trước được”…, nói chung là nguyên nhân không tránh được hậu quả của nước ngập để xảy ra thiệt hại về người và tài sản là lỗi của “loanh quanh đâu đó”, của các bên A, Bờ, Cờ, Dờ…, của dân chúng, mà không thấy bậc “đầy tớ chi dân” nào nhận lỗi về mình cả.
Nghe câu “giáo huấn” này, đa số cư dân mạng khắp mọi miền đất nước, kể cả các “khúc ruột dư ngàn dặm” cũng hùa nhau đồng loạt lên tiếng chửi mắng lại Ngài Phạm Quang Nghị rất thậm tệ bằng đủ thứ ngôn từ có lẫn chưa có trong Từ điển Tiếng Việt. Nào là “mặt người dạ thú”, “độc ác”, “biết ăn tiền thuế của dân mà không biết làm”, “sâu dân mọt nước”, “làm quan để làm gì”, “trách nhiệm ở đâu”, v.v… và v.v…
Cá nhân “chủ nhân” con thì con phản đối cách chửi bới “hồ đồ”, “quy chụp”, “thiển cận” đó, vì chửi như thế là “mắng oan” cho các bậc “đầy tớ chi dân” quá, “chủ nhân” con nhận thấy quả là chúng con có lỗi thật, Ngài Phạm Quang Nghị mắng thế là đúng. Nếu bọn “chủ nhân” “to mồm rộng họng” kia không biết lỗi và các “đầy tớ” cũng không ai chịu nhận lỗi, thôi thì để con làm kiểm điểm tự nhận lỗi vậy.
Kính thưa các bậc “Đầy tớ chi dân”!
“Chủ nhân”con xin lần lượt thành khẩn thiết tha tự kiểm điểm các lỗi lầm của mình như sau:
1- Ông bà ta có câu “Quan nhất thời, dân vạn đại”, tức là “dân” thì sống lâu truyền kiếp từ đời này sang đời khác với “chức vụ” không bao giờ suy suyển, “dân”đáng tuổi cha chú ông bà tổ tiên nội ngoại của “Đầy tớ chi dân”, nhưng vẫn “già đầu còn dại”, vì vậy mà không biết thiên tai là “sự phức tạp, khó lường”, “35 năm mới có một lần” mà hổng biết tự mình dự đoán, tính toán trước, người lớn mà không biết “làm thay” cho ngành Khí tượng Thủy văn “trẻ người non dạ”, để xảy ra lụt lội rồi mới la làng ầm ĩ; đây là lỗi thứ 1 (Đáng chết!).
2- Mưa to, nước lên, phố xá thành sông mà “chủ nhân” không biết tự thân chống chọi với nước ngập, nâng cao tinh thần “tự lực tự cường”, mà còn đòi hỏi các ban ngành của Thành phố cảnh báo, hướng dẫn tránh ngập, điều hành giao thông… là một biểu hiện của sự ỷ lại, chây lười; đây là lỗi thứ 2 (Đáng chết!).
3- Thành phố đã dùng rất nhiều tiền đóng thuế của dân đầu tư nhiều camera lắp đặt ở các tuyến phố nhưng trong mấy ngày mưa lụt chẳng tên “chủ nhân” nào chịu sử dụng để tự mình điều hành giao thông giúp lẫn nhau mà chờ đợi cán bộ sử dụng, điều hành, lại một biểu hiện của sự ỷ lại vào Nhà nước; đây là lỗi thứ 3 (Đáng chết!).
4- Hệ thống loa đài phường (ngày thường chỏ mồm vào khu vực Giáo xứ Thái Hà hay Tòa Khâm sứ mà oang oang tuyên truyền đường lối chính sách sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta với dân chúng), trong lúc mưa ngập lớn, đường tắc, có vẻ như là phương tiện hữu hiệu để các ban ngành thành phố liên lạc với dân thì không thấy Nhà nước huy động. Lẽ ra khi thấy các ban ngành Thành phố không hề huy động hệ thống loa đài này để liên lạc với dân thì các “chủ nhân” Hà Nội phải chủ động “đánh chiếm” để giành quyền điều khiển hệ thống ấy nhằm mục đích liên lạc với các ban ngành Thành phố, đàng này họ đã cùng nhau im thin thít, “ỷ lại” chờ Nhà nước liên lạc với dân; đây là lỗi thứ 4 (Đáng chết!).
5- Chiều ngày 01/11/2008, Sở GD-ĐT Hà Nội “ra thông báo muộn mằn về chuyện nghỉ học hết ngày 3.11, sau khi có 3 học sinh chết đuối vì mưa ngay giữa thủ đô (!)”. Lẽ ra các cháu học sinh này dù nhà trường không hề có chương trình dạy bơi cũng phải chủ động tự mình đi học bơi cho giỏi thì đâu đến nỗi chết đuối trên đường phố Thủ đô. Các cháu lại siêng năng, chăm chỉ đi học, có tinh thần tôn trọng kỷ luật quá đáng, nước ngập như thế mà vẫn không chịu tự động nghỉ học; hoặc các cháu hãy chờ Sở GD-ĐT Hà Nội ra thông báo xong rồi hãy chết đuối thì hôm nay đâu có gieo tiếng ác và vô trách nhiệm cho Quý “Đầy tớ chi dân” Sở GD-ĐT. “Mũi dại lái chịu đòn”, các cháu nhỏ có lỗi là do “chủ nhân” người lớn không biết dạy dỗ; đây là lỗi thứ 5 (Đáng chết!).
6- Có kẻ còn to mồm bảo rằng: “Sau khi Hà Nội có tới cả chục người chết vì mưa và thiệt hại cả ngàn tỉ đồng, giá cả tăng vọt mà chẳng có cấp nào can thiệp, thì Phó Chủ tịch Thành phố phụ trách khối mới đến trạm bơm Yên Sở để động viên và chỉ đạo bơm nước. Đó là sự vô cảm khó có thể chấp nhận!”.
Ô hô, rõ ràng là quy trách nhiệm một cách lãng xẹt và rất mâu thuẫn. Người chết vì mưa, giá cả tăng vọt là do mấy bà bán rau quả, thực phẩm tự ý tăng giá chớ có phải Ngài Phó Chủ tịch tự mình đầu cơ nâng giá để thu lợi cho riêng Ngài đâu, còn cái Trạm bơm Yên Sở gì đấy nếu không có Ngài đến “chỉ đạo bơm nước” thì có lẽ bọn công nhân ở Trạm bơm không biết sử dụng máy mà bơm như thế nào. Nguyên nhân đã rõ ràng rồi, tự mình nói tự mình trả lời luôn, sao còn “già mồm” đổ thừa cho Ngài Phó Chủ tịch, thiệt quá đáng! Nghe đồn sau khi đến Trạm bơm về thì Ngài Phó có bị cảm sốt (cảm sốt nặng hay nhẹ, đã uống thuốc chưa, nguyên nhân cảm sốt là do nhiễm phong hàn, nhiễm khuẩn, viêm họng hạt, viêm xoang, đau dạ dày, bệnh gút hay nhiễm HIV… thì chưa biết). Vậy mà dám hàm hồ bảo rằng “Đó là sự vô cảm khó có thể chấp nhận”, Ngài đã “cảm” rồi, ai bảo là Ngài “vô cảm”, có “chấp nhận” hay không thì cũng là “cảm”; nói như thế là chửi mắng vô căn cứ, ăn nói quàng xiên quá sức; đây là lỗi thứ 6 (Đáng chết!).
7- Mặc dù lúc bổ nhiệm chưa bao giờ thấy có vị “Đầy tớ chi dân” nào từ chối chức vụ, trả lại quyết định bổ nhiệm với lý do “năng lực hạn chế”, nhưng sau khi hậu quả xảy ra chè è (ra Tòa chẳng hạn) thì “chủ nhân” luôn luôn được nghe Quý Ngài “đầy tớ” lặp đi lặp lại câu “trình độ hạn chế”, “năng lực hạn chế” để bào chữa cho cái sự “làm bậy” của mình. Nay các Ngài quy hoạch Hà Nội dự báo thoát nước theo mức chỉ mưa 100ml, đến lúc mưa to quá, nước không thoát được, vì mưa to là “bất thường”, đó là do tầm nhìn của các Ngài có hơi bị “hạn chế” không thấy trước được cái “bất thường” nhưng có thể xảy ra, thì cũng là lẽ thường của các “đầy tớ”. Có gì đâu mà phải làm toáng lên như thế?
Chẳng phải ngay từ năm lớp Một đứa trẻ nào cũng được dạy rằng nước ta nắng lắm, mưa nhiều? Đã biết rồi thì phải tự thân vận động chớ, sao còn ỷ lại vào người khác. “Chủ nhân” mà tầm nhìn và tư duy dự báo theo kiểu cò con, chắp vá, cùng nạn phá rừng, phá hoại tài nguyên chính là đầu mối của rất nhiều tai hoạ do... “chủ nhân” gây nên, còn trách ai được; đây là lỗi thứ 7 (Đáng chết!).
8- Lại có kẻ nói rằng “Bất thường ấy, người ta nói đến từ hàng trăm năm nay rồi. Có hay không những công trình thoát nước không đúng chất lượng vì bị bớt xén?”. Đợi đến sau khi có “Hàng chục người chết và mất tích, thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng chỉ vì một cơn mưa” mới ngồi đó mà đặt câu hỏi thì có muộn lắm không? Nói “công trình thoát nước không đúng chất lượng vì bị bớt xén” thì chứng cứ đâu? Sao trước kia không biết phát huy cái quyền “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” bằng cách canh me suốt 24/24 giờ các công trình thoát nước đang thi công, hễ thấy có biểu hiện bớt xén vật tư thì hè nhau xông vào đập chết bọn độc ác ấy đi, hoặc lấy chính số vật tư chúng bớt xén ấy mà tọng ngay vào mồm chúng nó có phải hơn không, cần gì phải thưa kiện rồi ngồi chờ Thanh tra, Cảnh sát, lực lượng này lực lượng kia làm việc! Ai biểu nộp thuế trả lương cho các lực lượng không hoàn thành nhiệm vụ đó làm chi rồi bi giờ tiếc tiền, thiệt vô trách nhiệm với đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình quá xá!; đây là lỗi thứ 8 (Đáng chết!).
9- Lại có kẻ cho rằng ở Hà Nội bọn bất lương cấu kết với bọn “vô cảm” (lại ‘vô cảm) đua nhau “tận diệt ao hồ”, nên bây giờ mưa trút xuống nước không có chổ chứa thành thử mới chảy ngập tràn lan như vậy. Nguyên nhân trực tiếp thế là rõ rồi, còn nguyên nhân sâu xa là “chủ nhân” đã “lực bất tòng tâm” không thể ngăn cản được hành vi phá hoại đất nước của bọn bất lương, bọn “vô cảm” kia, là biểu hiện cho thấy chủ nhân “sức phẻ” yếu, bị “bệnh bất lực”; đây là lỗi thứ 9 (Đáng chết!).
10- Thời mồ ma thực dân Pháp ở nước ta, kẻ ăn người ở để sai bảo trong nhà gọi là “con sen” (nữ), “thằng nhỏ” (nam). Sau đó tiến lên một chút thì gọi là “đầy tớ” và phát kiến thêm cụm từ mới là “công bộc”, “đầy tớ của dân”. Thời nay học đòi “Nhật hóa” nên gọi chung là “Ô-sin”.
Phàm ở đời hễ cha mẹ thì có bổn phận, trách nhiệm lo lắng, bảo bọc từ đầu đến chân cho con cái, chịu trách nhiệm “Mũi dại lái chịu đòn”. Chủ nhân thì phải lo tiền công xá, lo cái ăn, cái mặc cho đầy tớ. Còn đầy tớ chỉ có mỗi việc sai đâu làm đấy, chỉ đâu đánh đó, tới tháng ngữa tay nhận tiền lương, cá biệt còn có một số đầy tớ rất xấu tính luôn lợi dụng cơ hội chủ nhân sơ hở để “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Thời bây giờ là thời của “Ô sin” và “niềm đau chôn giấu” của thân phận ông bà chủ. Cho nên, “chủ nhân” phải có trách nhiệm lo cho “đầy tớ” mọi mặt, suốt ngày cứ nghĩ quan chức là “phụ mẫu chi dân” rồi “ỷ lại vào Nhà nước” là thứ tư tưởng ấu trĩ, phong kiến, cần phải đánh đổ, đập tan. Túm lại, hậu quả của trận mưa to mấy ngày qua gây thiệt hại nặng nề đó có nguyên nhân chính rất quan trọng đại là “chủ nhân” đã quá “ỷ lại” vào tinh thần trách nhiệm của “đầy tớ”, là biểu hiện của sự hoang tưởng, lạc hậu; đây lỗi thứ 10 (Đáng chết!).
Kính thưa các bậc “Đầy tớ chi dân”!
Trong khi chờ đợi “chủ nhân” con đóng cửa “diện bích sám hối” để nghĩ ra lỗi mới thì xin các bậc “Đầy tớ chi dân” hãy nhận trước lời thú nhận 10 tội lỗi to lớn này của con.
“Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi bề!”. Khi nào con vắt óc nghĩ ra được lỗi mới thì con sẽ viết tiếp!
Muôn ngàn lần “bái phục” sự vô cảm của các Quý Ngài “Đầy tớ chi dân”!
BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Đức Dục là giáo dục trẻ con những bài học đạo đức để biết sống và trở thành những công dân tốt, con người tốt có ích cho xã hội. Môn Đức Dục tương đương với chương trình Giáo Dục Công Dân trong các trường phổ thông cơ sở ở Việt Nam ngày nay. Tôi không được may mắn học một bài Đức Dục nào dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, nhưng tôi được may mắn học những bài học này từ đống sách cũ của ông ngoại tôi để lại.
Ngoại tôi vốn là một nhà giáo trường làng, dạy học con nít từ thời Pháp thuộc đến cuối thập niên 60, cho tới ngày cuối cùng “theo ông theo bà”, ngoại tôi mới nghỉ dạy.
Hồi tôi mười một mười hai tuổi, ngoài những trò chơi chạy rông ngoài ruộng, dưới sông thì thú giải trí duy nhất của tôi là đọc sách. Những quyển sách này ngoài phần chữ đều có hình vẽ rất đẹp minh họa kèm theo mỗi bài, làm cho tôi rất thích thú khi đọc.
Sách Đức Dục dạy một đứa trẻ ngoan phải biết kính trọng, vâng lời, trung thực đối với cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo và người lớn tuổi; nhường nhịn trẻ nhỏ, siêng năng, chăm học, ăn ở sạch sẽ vệ sinh, biết giúp đỡ người tàn tật, người già, trẻ em, yêu thương loài vật, thân ái với bạn bè; ra đường nghe tiếng hát Quốc ca phải đứng lại bỏ mũ cúi đầu, hết bài Quốc ca mới đi tiếp, v.v...
Lúc đó, tôi thích nhất là chuyện cô Ếch. Chuyện kể ở một đám ruộng tại làng nọ có cô Ếch xinh đẹp rất thích làm dáng. Cô Ếch nhìn thấy người ta che dù, đi giày trông đẹp quá nên cũng nghĩ cách làm cho mình thêm xinh xắn. Một ngày nọ, cô Ếch lấy cái nấm rơm làm dù che, lấy lá tía tô làm khăn quàng, lấy hai quả ớt đỏ khoét lỗ xỏ chân vào làm đôi hài. Cô Ếch đóng bộ vào rồi ưỡn ẹo đi dạo quanh bờ ruộng để khoe với bọn ếch nhái hàng xóm. Chưa đi được bao xa, cô Ếch chợt đụng đầu với một anh nông dân. Anh này thấy ếch thì rượt theo bắt. Cô Ếch bị vướng víu trong đôi hài và mớ khăn, dù, nên không chạy nhanh được, bị anh nông dân túm lấy. Anh nông dân mừng rỡ: Bắt được con ếch to quá, lại có sẵn gia vị kèm theo, ta đem về làm một bữa thịt ếch nấu nấm với tía tô, ớt đỏ thì ngon phải biết. Cuối bài học có câu kết luận: Cái gì phù hợp với người khác chưa chắc phù hợp với ta, không nên bắt chước rập khuôn kẻo mang họa vào thân như cô Ếch.
Thời những người lớp tuổi anh chị, cha mẹ, cô chú tôi trở lên, tôi không bao giờ nghe nói xảy ra trường hợp nào trò đánh thầy, nam sinh đánh lẫn nhau đến nỗi nhà chức trách phải nhảy vào cuộc điều tra, càng không bao giờ có chuyện nữ sinh đánh người náo động, ầm ĩ như bây giờ.
Chuyện lùm xùm cả tuần trên các báo “lề phải” về việc nữ sinh lớp 10 đánh hội đồng bạn, quay video rồi tung lên mạng internet khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh, giáo viên, cán bộ bự... nói rằng họ xem xong... bị “sốc” (từ của báo chí nhà nước). Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội- GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Tôi thực sự bị sốc”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: “Trẻ con hư là lỗi ở người lớn”.
Nữ sinh đánh nhau rồi quay video tung lên mạng có thể “lạ” và “mới” với những người- lớn- có- trách- nhiệm- nhưng- thờ- ơ- với- trách- nhiệm, còn với cư dân mạng không hề lạ, video được báo chí nhắc đi nhắc lại như một “hiện tượng” đó không hề mới, thậm chí rất nhàm chán, đã có hơn chục video như thế ở trên mạng từ năm 2007, bất cứ ai cũng có thể vào Google search cụm từ “nữ sinh đánh nhau”+ “video” là sẽ có hàng đống đống kết quả ngay lập tức.
Đánh bạn, túm tóc, chửi bới, lột quần áo, quay video rồi tung lên mạng để câu khách trên các blog, website cá nhân, diễn đàn tuổi mới lớn trở nên “chuyện thường ngày ở huyện” khi hành vi đáng lên án, đáng bị xử lý nghiêm nhưng cả một thời gian dài không bị lên án, không bị xử lý thì tội gì mà không làm để lấy oai, để nổi tiếng, để chứng tỏ mình.
Vì sao học sinh ngày nay trí thì tăng mà đức thì sút giảm tệ hại? Gia đình nào có con chịu đi học đàng hoàng, không đánh nhau, không đua đòi vũ trường, hút xách, đàn đúm bạn bè đi chơi “xuyên quốc gia”... thì đã hãnh diện tự khen lấy khen để con mình là “ngoan”, còn việc trẻ có lối sống lười nhác, tham lam, ích kỷ, vô lễ, lì lợm... phụ huynh coi như chuyện hiển nhiên.
Không ít “nhân vật chính” trong các video nữ sinh đánh nhau xuất thân từ các gia đình được coi là nề nếp, có văn hóa. Tại sao nữ sinh thời nay không biết trao dồi “công ngôn dung hạnh”, siêng năng, thùy mị, nết na, dịu dàng, vị tha, nhân ái? Để đi tìm câu trả lời, tôi đã đọc hết 75 bài học Giáo Dục Công Dân (GDCD) ngày nay từ lớp 6 đến lớp 9 và thấy rằng tất cả những bài học trong chương trình đều xa rời thực tế, nội dung đi ngược lại yêu cầu chủ đề của bài, dạy trẻ lối sống ích kỷ, thản nhiên hưởng thụ mà không biết chia sẻ, thậm chí dối trá. Chương trình GDCD từ lớp 10 đến lớp 11 bài nào bài nấy như học Triết. Ví dụ: Nguyên 1 học kỳ của chương trình lớp 10, học sinh phải học nội dung chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyên chương trình lớp 11 thì không hề có một bài đạo đức nào.
Ông bà ta có câu: “Tre non dễ uốn”, “Dạy con từ thuở còn thơ”. Kinh nghiệm từ chính bản thân tôi, nhờ từ năm 7 tuổi đến năm 15 tuổi tôi được may mắn đọc rất nhiều sách “tàn dư của Mỹ - Ngụy để lại” nên năm 16 tuổi trở lên tôi đã biết nhận thức đúng sai, việc nào nên làm, việc nào không nên làm theo chuẩn mực đạo đức xã hội (hơi phong kiến chút đỉnh nhưng không “thủ cựu bài tân”). Vì vậy, chương trình GDCD ở bậc cơ sở (lớp 6 đến lớp 9) là quan trọng nhất và quyết định sự hình thành nhân cách học sinh.
Thật ngạc nhiên khi bài học đầu tiên của chương trình GDCD lớp 6 với chủ đề “Tự chăm sóc, rèn luyện thân thể” câu chuyện minh họa lại là thầy giáo bảo trò Minh đi học bơi để người cao lên, bố Minh dẫn Minh đi học bơi suốt mùa hè. Từ đầu đến cuối đều do người lớn tác động và chủ động, vậy Minh “tự” ở chỗ nào? Học sinh có thể hiểu chỉ cần chơi thể thao trong mùa hè là đủ, ngày thường cứ ăn ở bừa bãi thoải mái? Nếu nhà nghèo không có tiền đến hồ bơi, không có người lớn đưa rước hàng ngày thì tự rèn luyện cách nào?
Bài thứ ba chủ đề “Tiết kiệm” thì chuyện kể minh họa kèm theo là trò Hà và trò Thảo cùng nhận được giấy báo đỗ vào lớp 10, Hà vội vàng vòi tiền mẹ để khao bạn ăn mừng. Mẹ Hà và mẹ Thảo đều cho tiền con ngay, nhưng Thảo từ chối vì nhà mình hết gạo. Câu chuyện hết sức vô lý và đề cao sự tôn thờ hình thức. Học là việc luôn luôn phải làm cả đời người, huống hồ so với chương trình bắt buộc mỗi học sinh phải trải qua, thì đỗ vào lớp 10 đã là cái gì đâu, còn thi cử dài dài nhiều lần khác cho đến khi hoàn thành Đại học mới tạm gọi là được, không cần thiết phải “ăn mừng” phô trương, nhưng hai người mẹ trong truyện lại chiều ý con một cách vô lý trong khi nhà hết gạo, đến nỗi trò Thảo phải “dạy” lại mẹ mình phải tiết kiệm tiền để mua gạo.
Thực tế, tiết kiệm là việc ta phải làm mỗi ngày, không phải đợi đến nhà hết gạo mới tiết kiệm. Cháu tôi ngày nào lên ăn cơm cũng càu nhàu sao ba mẹ bắt con ăn nhiều quá, chê món này không ngon, món kia không ngon, ăn xong lúc nào cũng bỏ lại thừa mứa mấy muỗng cơm và thức ăn trong chén, bật đồ điện lên xài xong thì cứ bỏ đó đi chơi, vào nhà vệ sinh xong không khóa vòi nước, quần áo mặc chưa cũ đã đòi sắm quần áo mới cho hợp thời trang, dụng cụ học tập (thước kẻ, gôm, bút chì...) năm nào cũng phải mua bộ mới vì bộ cũ “biến mất”. Tôi không hiểu sao GDCD không dạy trẻ ăn uống không nên bỏ thừa mứa mà nên tiết kiệm để giúp đỡ các bạn nghèo thiếu gạo ăn, tiết kiệm điện, nước bằng hành động đơn giản là tắt đồ điện, khóa vòi nước khi sử dụng xong, giữ gìn đồ dùng học tập và tiếp tục dùng nếu nó còn sử dụng được?
Bài thứ 6 chủ đề “Lòng biết ơn” với truyện minh họa là thư cám ơn của một cô Đào Thị Hồng viết gởi cho thầy giáo lớp 1. Sau 20 năm, cô Hồng đã trưởng thành mới tỏ lòng biết ơn, vậy việc “biết ơn” của cô Hồng liên quan gì đến trẻ mà bắt chúng phải học? Trẻ học được gì, bắt chước được gì từ cô Hồng? Sao GDCD không dạy trẻ cách thể hiện lòng biết ơn ngay khi còn nhỏ để trẻ có thể áp dụng được vào đời sống hàng ngày?
Hoặc chủ đề “yêu thiên nhiên” thì bài minh họa là du lịch danh lam thắng cảnh nổi tiếng; chủ đề “chan hòa với mọi người” bài minh họa là có ông nông dân đi bộ mấy chục cây số đến phủ Chủ tịch, được ông Hồ Chí Minh tiếp chuyện; chủ đề “yêu thương con người” bài minh họa là ông Hồ đến thăm người nghèo; chủ đề “Khoan dung” bài minh họa là trò Khôi có lỗi và hối lỗi, cô giáo tha thứ cho Khôi, v. v... Hóa ra, không có tiền đi tham quan du lịch thì không phải là yêu thiên nhiên, không phải là nguyên thủ quốc gia thì không cần làm gì hết, và người lớn thì có nghĩa vụ khoan dung, tha thứ cho trẻ còn trẻ nghiễm nhiên hưởng thụ sự khoan dung đó mà không cần khoan dung cho người khác, tha hồ giành ăn, giành chơi, đánh bạn thoải mái nhỉ?
Chủ đề “sống và làm việc có kế hoạch” thì minh họa một lịch làm việc được coi là “chuẩn” của trò Vân Anh, trong đó Vân Anh học và chơi là chánh, làm việc nhà loáng thoáng lúc 5 giờ rưỡi sáng. Trẻ có thể hiểu rằng, chúng chỉ cần học và chơi thôi, thờ ơ với trách nhiệm, bổn phận của con cái đối với cha mẹ và anh chị em trong gia đình. Đó là chưa nói đến lịch này bất hợp lý ở chỗ một đứa trẻ 13 tuổi ở thành thị thì không tài thánh nào mỗi ngày đều thức dậy được lúc 4 giờ rưỡi sáng vệ sinh thân thể để đúng 5 giờ tập thể dục và đi ngủ lúc 11 giờ đêm.
Trình độ ngoại ngữ học sinh bây giờ giỏi hơn các thế hệ trước rất nhiều, mặt khác, không cần phải giỏi ngoại ngữ người đọc cũng có thể dùng internet để đọc được nhiều thứ tiếng khác nhau. Vậy mà cho đến nay, sách GDCD lớp 8 (bài 8) chủ đề “Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác” vẫn viết “Năm 1990, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) đã ra Nghị Quyết công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới. Nghị quyết có đoạn viết: “... Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hiện tượng kiệt xuất về quyết tâm của ca một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ”. Đoạn văn trên ngoài dụng ý “tâng bốc” thì không tìm thấy “Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác” ở chỗ nào hết.
Không cần khó khăn lắm cũng có thể tìm thấy trên trang của UNESCO việc nhà cầm quyền Việt Nam vận động để UNESCO ban hành Nghị quyết và kết quả cuối cùng: “Có văn bản lưu trữ về nghị quyết, nhưng không có văn bản lưu trữ nào nói về sự thực hiện, vì UNESCO đã bất động, không làm gì cả, trên thực tế là coi như không có nghị quyết, do hoàn cảnh đặc biệt xảy ra sau đó”(*). Qua bài GDCD này, phải chăng học sinh chỉ học được bài học về sự dối trá của những “người lớn đáng kính”?
Toàn bộ 75 bài GDCD thì không có bài nào dạy trẻ phải tôn trọng quốc ca quốc kỳ, tôn kính các vị anh hùng dân tộc (như Hưng Đạo Vương, Lý Thường Kiệt, Quang Trung...), dạy trẻ những việc làm thiết thực hàng ngày như: yêu thương, nhường nhịn anh chị em trong nhà, kính trọng, lễ độ với người lớn tuổi (bất kể người đó là quen hay lạ); yêu thương, giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn trong học tập, trong cuộc sống; siêng năng làm việc phụ giúp cha mẹ, sống ngăn nắp, sạch sẽ, trật tự; ăn cắp đồ dùng của bạn, cưỡng đoạt tài sản của bạn, đánh bạn, lười biếng, nói dối là xấu, v.v...
Tương tự, còn rất nhiều điều ngô nghê, xa rời thực tế, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong các bài học môn GDCD, nếu phải liệt kê ra thì e phải viết đến cả trăm trang giấy cũng chưa hết.
Quản Trọng - nhà chính trị xuất sắc thời Xuân Thu viết: “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; chung thân chi kế, mạc như thụ nhân” (Kế hoạch 1 năm không gì bằng trồng lúa; Kế hoạch 10 năm không gì bằng trồng cây; Kế hoạch một đời không gì bằng trồng người).
Cô Huỳnh Thị Minh Lý (Tổ trưởng tổ GDCD Trường Lê Hồng Phong -SG) nói: “Học sinh đang sống buông thả, đang tiếp thu những văn hoá không phải của Á Đông. Môn đạo đức phải giúp học sinh hiểu được cần phải giữ lại những nét văn hoá truyền thống của Việt Nam. Học sinh cần được học để biết ứng xử những tình huống trong cuộc sống đời thường. Học sinh cần phải biết sống thế nào để dung hòa được với cộng đồng, không quá ích kỷ”. Với chương trình GDCD hiện nay thì cô Lý nhận xét: “Giáo viên không biết dạy để làm gì!”. Ông Nguyễn Minh Thuyết nhận xét thêm: “Chương trình giáo dục đạo đức trong nhà trường thực chất khá nặng, khá dày, chứ không phải nhẹ. Nhưng phải xem chương trình ấy được thực thi thế nào, có tính thực tế, thực hành không hay nặng về giáo lý khô khan”.
Môn GDCD hiện nay quá nặng, bài học quá nhiều, nhưng lại xa rời thực tế, nặng về nhồi sọ chủ nghĩa Mác-Lê, ca ngợi lãnh đạo... mà không dạy cho học sinh cách ứng xử khi vào đời. Nghe nói trong vụ nữ sinh đánh bạn vừa rồi, cả hung thủ lẫn nạn nhân đều bị kỷ luật, trong đó nạn nhân bị kỷ luật vì lỗi “không thành khẩn”(?!), nhiều người cho rằng đó là cách hành xử hết sức bất công của phía nhà trường. Giáo dục nào thì cho ra con người đó. Giáo dục công dân như thế này, chúng ta sẽ còn được xem video học sinh đánh nhau dài dài nữa.
“BỆNH” XEM THƯỜNG DÂN
Từ 6 giờ 30 phút sáng ngày 27/4/2010, các con đường đi vào trung tâm khu vực quận 1, 3, 10, Bình Thạnh rối loạn bởi kẹt xe trầm trọng, kéo dài. Đây là thời gian để cán bộ công chức và người dân trên đường đi làm việc buổi sáng, các loại xe đổ về công sở, cơ quan ở trung tâm Sài Gòn. Ô tô xếp hàng dài cả kilomet chen lẫn với xe máy đông nghịt như ém mắm.
Nguyên nhân của vụ kẹt xe hỗn loạn này là khu vực giới hạn bởi vành đai gồm các tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh - Lê Thánh Tôn - Phạm Hồng Thái - Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt cũ) -Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự cũ) - Nguyễn Bỉnh Khiêm bị cấm đường, chặn lại để diễn tập duyệt binh cho ngày 30-4 được tổ chức trước dinh Độc Lập. Sở Giao thông vận tải cũng cấm tất cả các phương tiện dừng đậu trên tuyến vành đai khu vực chuẩn bị tổ chức lễ.
Theo Thanh Niên, “Sở GTVT TP.HCM trước đó lại không có thông báo rộng rãi về việc giới hạn giao thông trên một số tuyến đường sáng nay, thế nên hầu hết người dân "không biết đâu mà lần" để định hướng lưu thông.”
Cụ thể, từ đường Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ), các phương tiện không được lưu thông tiếp vào đường Lê Duẩn (Thống Nhất cũ) nên kẹt cứng sau phía Nhà thờ Đức Bà.
Ngã tư Trương Định (Đoàn Thị Điểm cũ) - Nguyễn Thị Minh Khai bị cấm rẽ trái và không được đi thẳng. Đoạn đường Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ) ở gần dinh Độc Lập bị quá tải vì mọi phương tiện giao thông đều đổ dồn vào tuyến này để tìm hướng di chuyển ra khỏi khu vực ùn tắc.
Từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ), xe ôtô không được tiếp tục đi thẳng mà phải rẽ phải sang Võ Văn Tần; xe máy thì bị chặn lại tại giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai, gây ùn ứ giao thông.
Tại ngã ba Lê Quý Đôn - Nguyễn Thị Minh Khai, người dân phải chạy xe máy lên phần lề đường để đi. Giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai, ngã sáu Phù Đổng cũng rơi vào cảnh tương tự cho đến gần 10 giờ mới giảm ùn tắc.
Ùn ứ giao thông mở rộng ra đến đường Mạc Đỉnh Chi - Nguyễn Du (ngay trước Bệnh viện Nhi Đồng 2) do xe cộ không vào được đường Hai Bà Trưng, Phạm Ngọc Thạch đổ vào.
Nhiều con đường vào quận 1, quận 3 bị chắn đã khiến hàng ngàn người muốn lưu thông về quận này phải quay trở lại, khiến những tuyến đường cách xa khu vực diễn tập cũng bị tắc dây chuyền.
Tại góc đường Cao Thắng - Võ Văn Tần, cách khu vực diễn tập gần 2 km, từng hàng xe nối tiếp nhau để đi về hướng Nguyễn Thị Minh Khai cũng trong tình trạng ùn ứ. Trên góc đường Tú Xương và Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giản cũ) hướng về Ngã tư Hàng Xanh, các xe phải di chuyển chậm nối đuôi nhau.
Đến hơn 10 giờ cùng ngày, lượng xe bị kẹt ở khu vực trung tâm mới dần dần giảm bớt.
Đường Phạm Ngọc Thạch
Các báo nhà nước chỉ tường thuật sự việc, còn cư dân mạng thì “trèo” lên mạng xả bực tức. Bạn Trần Phước Trung bức xúc: “Hàng trăm nghìn con người phải chịu đựng tình trạng kẹt xe tồi tệ kéo dài mấy giờ liền vào sáng nay. Chịu trận giữa đường dưới cái nắng hầm hập, bụi, khói, trễ giờ làm, trễ giờ học, bức xúc, gắt gỏng, mệt mỏi… Nguyên nhân không phải là mưa lớn hay triều cường gây ngập úng mà là do cấm đường để diễn tập mitting”.
Một bạn khác nick Akiko gay gắt: “Tôi không đồng ý. Tại sao không báo trước. Làm như vậy tốn bao nhiêu tiền xăng, trễ bao nhiêu công việc”. Bạn Thanh Trúc cũng gay gắt: “Là công dân Sài Gòn, tôi thật không lạ gì với tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên với tình hình kẹt xe vào sáng nay là không thể chấp nhận được. Không chỉ mình tôi mà nhiều người cũng sẽ bức xúc giống tôi về việc không hề biết trước thông tin của buổi tổng duyệt diễu hành này mà đáng lẽ nó phải được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng”.
Một bạn tên Long đặt câu hỏi: “Không hiểu ban tổ chức có lường trước được việc này không. Hôm nay khu vực trung tâm thành phố thực sự náo loạn. Tại sao ban tổ chức không tổ chức diễn tập vào ngày chủ nhật trước đó có lẽ không gây khó khăn cho tất cả mọi người tham gia lưu thông và cả lực lượng điều tiết giao thông. Thiệt hại không thể tính được bằng tiền.”.
Bạn Nguyễn Hoàng Kiên trầm tĩnh hơn, nhưng vẫn nêu lên thực trạng là việc diễn tập lợi ở đâu thì chưa thấy nhưng trước mắt là gây thiệt hại cho người dân: “Tôi thấy rằng việc tổ chức diễu binh này cần tính toán kỹ về kế hoạch thực hiện vì nó gây ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề giao thông, cũng như tổn thất về kinh tế. Kính đề nghị đơn vị liên quan xem xét để có giải pháp thực hiện hợp lý hơn”.
Buổi chiều, tình trạng kẹt xe vẫn không cải thiện nhiều hơn buổi sáng. Một người quen của tôi đi từ quận 3 (đường Hai Bà Trưng) về nhà ở quận Bình Thạnh (gần chợ Bà Chiểu) phải mất hơn một giờ đồng hồ.
Được biết, hàng ngàn ngọn đèn màu đã được UBND TP.HCM chỉ đạo cho trang trí trên ba con đường trung tâm Sài Gòn là Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Lê Lợi trong thời gian một tháng (từ ngày 23/4 đến 23/5) nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày 30/4. Công trình trang trí đường đèn được thi công từ 5-4 và thắp đèn phục vụ công chúng từ ngày 23-4.
Đường Đồng Khởi (Tự Do cũ) được bố trí khung treo dây đèn led tạo thành chuỗi chữ V hai bên hàng cây dọc tuyến đường. Giữa các chữ V là ngôi sao vàng. Phía trên (phần giữa dọc tuyến đường) là hình ảnh từng đôi chim bồ câu đang bay.
Còn đường Lê Lợi được trang trí chuỗi hoa hướng dương bằng đèn. Bên cạnh đó là các vòng tròn kết hình những đôi chim bồ câu, cũng là hình ảnh những bàn tay sẵn sàng bắt vào nhau, được treo phía trên (phần giữa dọc tuyến đường).
Đường Nguyễn Huệ trang trí ngôi sao vàng lớn cùng với nhiều ngôi sao sáng kết bằng đèn led được bố trí phần trên của tuyến đường. Các bức vách tạo bằng đèn led được bố trí dọc 2 bên đường là hình ảnh cách điệu của dãy các tòa nhà cao tầng, kết hợp với những chú chim câu bay trên các tòa nhà.
Chi phí cho công trình trang trí đèn và điện phục vụ chiếu sáng cho hệ thống đèn này chắc chắn ngốn không ít tiền ngân sách.
Theo báo chí đưa tin thì Ban tổ chức buổi lễ cho biết khu vực diễn tập duyệt binh ngày hôm nay sẽ là khu vực cấm hạn chế lưu thông trong ngày 30/4/2010. Trong thời gian hạn chế lưu thông nói trên, chỉ những người có thẻ do ban tổ chức cấp mới được vào khu vực lễ. Nghĩa là, tôi và các bạn, những thường dân không được cấp thẻ, sẽ không được đến gần để ghé mắt vào nhìn trực tiếp xem người ta xài tiền đóng thuế của mình như thế nào.
Tổ chức diễn tập trước khi công diễn thật, đó là một việc nên làm, để cho công việc được tiến hành suông sẻ, thuận lợi, sớm điều chỉnh được các tình huống phát sinh khi va chạm thực tế. Nhưng đối với một quyết định “ngăn đường chận ngõ” ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của người dân như thế, lẽ ra phía tổ chức phải sớm có kế hoạch chuẩn bị trước, dự định các tuyến đường thay đổi luồng xe và phân công lực lượng điều tiết giao thông sao cho hợp lý. Đồng thời, thông báo rộng rãi sớm cho người dân biết mà sắp xếp công việc đi lại sao cho hạn chế tình trạng phải đi vào trung tâm trong thời gian đó. Chọn ngày chủ nhật ngăn đường để giảm bớt lượng xe công chức nhà nước đi làm ở trung tâm. Nếu làm được như thế, thì tình trạng ùn tắc, hỗn loạn giao thông ngày hôm nay đã không xảy ra.
Đằng này, người ta chỉ muốn được việc của mình, mà không nghĩ đến lợi ích của người dân, nên cả nhà nước và dân đều rơi vào tình thế bị động, tắc ngẽn. Phải chăng chỉ vì mắc bệnh coi lệnh của mình là uy lực cao nhất buộc mọi người phải răm rắp thực hiện mà không buồn “nói một tiếng” với dân, cũng tức là xem thường dân chúng?
CÁI ÁC NGÀY CÀNG NHIỀU HƠN, DÃ MAN HƠN?
Đầu tháng 5/2010, dư luận giật nảy mình bàng hoàng trước hành vi dã man của vợ chồng Giang - Thơm đối với cháu Nguyễn Hào Anh 13 tuổi.
Sự việc chưa kịp nguội thì ngày 11/5/2010 lại xảy ra chuyện hai học sinh lớp 8 trường Trung học cơ sở Hiệp Thạnh (Lâm Đồng) là Trần Thanh Hiếu xô xát với bạn Phạm Anh Tuấn rồi rút dao đâm Tuấn chết tại chổ. Theo VnExpress, con dao đã được Hiếu chuẩn bị sẳn và mang từ ngoài vào trường. Việc chuẩn bị sẳn hung khí đã chứng tỏ hành vi giết người của Hiếu đã có tính toán dự mưu từ trước chớ không phải tình cờ.
Cùng ngày, tên Lê Sơn (thường gọi là Vui), 24 tuổi, quê Thanh Hóa đến thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk làm ăn. Vì đam mê cờ bạc không tiền trả nợ, Lê Sơn đã bắt cóc cháu Đỗ Quang Huy (9 tuổi, con trai anh Đỗ Thanh Quang, chủ doanh nghiệp tư nhân Quang Anh) và cháu cháu Nguyễn Hữu Duy Thức (8 tuổi, ở đối diện nhà Huy) để tống tiền cha mẹ hai cháu. Tuy nhiên, trước khi nhận được tiền, vì hai nạn nhân nhỏ tuổi kêu khóc, Sơn đã giết chết và đốt xác hai cháu bé ngoài nghĩa trang.
Kinh hoàng hơn, ngày 18/5/2010, Công an Hà Nội đã bắt giữ Nguyễn Đức Nghĩa (Sinh năm 1984, trú tại Kiến An, Hải Phòng) khi Nghĩa đang lẫn trốn tại Thành phố Thái Nguyên. Nghĩa là thủ phạm vụ án giết người rồi cắt đầu và 10 ngón tay nạn nhân đem quẳng xuống sông Cầm ở tỉnh Quảng Ninh để phi tang. Nạn nhân của Nghĩa là cô Nguyễn Phương Linh (Sinh năm 1984, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) nguyên là người yêu cũ của Nghĩa. Trong quá trình điều tra, Nghĩa lạnh lùng khai báo động cơ giết người rất vô lý rằng y đã có người yêu mới là cô Hoàng Thị Yến (nhà Yến chính là nơi Nghĩa gây án) nhưng vẫn giết cô Linh vì… ghen.
Cùng ngày 18/5/2010, tên Nguyễn Ngọc Lợi (sinh năm 1978, trú tại khu vực 6, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) vòi tiền mẹ ruột (Nguyễn Thi Tất) không được, đã lấy dao cau dài 33cm chém mẹ 20 nhát vào đầu, khiến bà tử vong tại chổ.
Ngày 20/5/2010, tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay đã bắt tên Nguyễn Toàn (sinh năm 1971, trú tại phường Thủy Châu) - là thủ phạm giết chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (sinh năm 1963, trú tại xã Tân Sơn, thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai) và em Dương Thị Thúy (sinh năm 1993, trú tại khu phố Phù Nam 2, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) bằng cách lấy đá đập vào sau gáy, dùng giẻ nhét miệng, buộc đá vào bụng dìm xác nạn nhân xuống đáy sông Đại Giang. Điều đáng nói là nạn nhân và hung thủ là chổ quen biết nhau. Mục đích Toàn lạnh lùng giết chết hai mạng người chỉ để cướp một số tài sản rkhông đáng kể là một dây chuyền vàng, một đôi bông tai và một nhẫn vàng của Hiền. Tổng giá trị tài sản Toàn cướp được là 7.100.000 đồng, nếu tính theo tỉ giá 1 USD = 19.000 đồng thì cái giá hai mạng người phụ nữ trẻ chỉ có hơn 370 USD.
Cũng ngày 20/5/2010, báo Pháp Luật Thành phố HCM cho hay, một nhóm 6 người lớn (chưa rõ danh tính), vì nghi ngờ cháu Vũ Văn Hùng (14 tuồi) chặt trộm cao su của Nông trường Thống Nhất (Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), đã “dùng tuýp sắt và gậy gỗ đánh đập cháu đến bất tỉnh rồi kéo cháu về chốt gác của Nông trường cao su xã Thống Nhất trói lại, bắt phải nhận tội. Không chỉ có vậy, các đối tượng này còn dùng bình điện chích cá gí vào hai bên cổ cháu Hùng và dùng súng gí vào mồm cháu bé dọa bắn”. “Cháu Hùng bị 12 vết thương, nhìn rõ nhất là gãy tay, đứt xương bàn chân và gãy nhiều ngón chân, nghiêm trọng hơn là xuất hiện máu chảy từ tai...”.
Trong một thời gian ngắn mà cái ác liên tục, dồn dập xuất hiện, vụ sau tính chất rùng rợn, dã man hơn vụ trước.
Nhìn ảnh Lê Sơn và Nguyễn Đức Nghĩa đăng trên báo, có người nói rằng: “Cái mặt hiền lành, trí thức, đẹp trai vậy mà giết người sao?”. Ý kiến khác phản bác: “Vậy chớ mặt nào mới là mặt giết người? Bộ đẹp trai rồi hổng biết giết người hả? Nếu nhìn mặt mà biết thằng nào giết người thì đâu cần phải có cơ quan điều tra, tòa án, ra đường thấy ai có “mặt giết người” cứ gô cổ lại nhốt hết vô tù là xong chuyện”.
Thật sự kinh hoàng vì càng ngày cái ác càng nhiều và tính chất thì rùng rợn, dã man hơn. Có những cái ác mà người ta chỉ nghĩ là trên phim ảnh, truyện hay ở xứ sở nào bên Tây, bên Mỹ mới có, nhưng đã xảy ra ở chính đất nước chúng ta. Và người ta phạm tội cả với trẻ em là những đối tượng nhỏ bé, mỏng manh, chưa đủ sức khỏe lẫn khôn khoan để tự bảo vệ mình.
Trong vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, thủ phạm tính toán tìm cách làm mất dấu vết gây khó khăn cho việc truy tìm tung tích nạn nhân giống y như trong phim. Nhưng Nghĩa quên rằng phim khác với đời thực, nên Nghĩa chỉ bắt chước những điều Nghĩa thấy trên phim, mà không biết những điều người ta không đưa vào phim ảnh. Vì vậy, càng xóa dấu vết thì Nghĩa càng tự mình để lại nhiều dấu vết khác, làm cho cơ quan điều tra theo đó mà lần ra y không mấy khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Thượng tá, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an Hà Nội nhận xét rằng “trong thời gian gần đây, gia tăng những vụ án giết người có tính chất dã man, không đi theo quy luật chung của tội phạm là điều rất bất thường, đặc biệt diễn ra ở tội phạm trẻ, có học. Nhiều trường hợp phạm tội xong, đối tượng còn bình thản về nhà tắm giặt rồi quay lại hiện trường trà trộn như những người dân hiếu kỳ để quan sát. Những biến đổi kinh tế - xã hội là nhân tố quan trọng tác động trực tiếp tới sự gia tăng tội ác xã hội, bởi sự phát triển “nóng” và đa dạng của xã hội hiện nay đã kéo theo nhiều mầm mống tội phạm”.
Trả lời báo chí, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) nói: “Tội ác của Nghĩa thể hiện lối sống vị kỷ, xảy ra trong nhóm người có học hành đàng hoàng... Rất có thể đây là cảnh báo cho lối sống vị kỷ, bệnh hoạn. Từ thông tin anh ta khai ban đầu, vụ giết người thể hiện có chủ mưu từ trước. Nghĩa giải thích việc “điên lên” vì thấy bạn gái nhắn tin có thể là để biện minh. Tất cả các hành vi của Nghĩa thể hiện đây là sát thủ máu lạnh, vì khi gây án anh ta hoàn toàn tỉnh táo, thể hiện việc xóa các dấu vết hiện trường, vứt xác phi tang... Chúng ta mới chỉ đang nhìn nhận từ những lời khai ban đầu. Chỉ khi kết thúc vụ án có các bằng chứng rõ ràng mới có thể nhìn nhận được mức độ, hành vi tội phạm, con người của hung thủ chính xác và đầy đủ”.
Nhìn chung, các đối tượng gây án đều là người trẻ, sinh ra và trưởng thành sau năm 1975 - cái mốc được coi là hoàn toàn xóa bỏ “tàng dư của Mỹ - Ngụy” và là mốc đánh dấu “thành tựu” 35 năm xây dựng “con gười mới XHCN”. Ý kiến của những người-lớn-có-trách-nhiệm đều cho rằng lỗi chính ở những hung thủ trẻ tuổi. Cá biệt, trong vụ án vợ chồng Giang - Thơm tra tấn dã man cháu Hào Anh, có một ông Nguyễn Tiến Dũng nào đó còn đăng đàn trên báo Pháp Luật TP HCM hùng hồn phát biểu một cách ngô nghê rằng: “Coi chừng “nọc độc” của chế độ địa chủ phong kiến trỗi dậy”.
Tội ác dã man xảy ra ngày càng tăng có phải lỗi ở những tội phạm trẻ tuổi này không? Vậy thì mấy mươi năm nay người ta giáo dục “con người mới XHCN” cái gì? “Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập” (Hồ Chí Minh, 3/9/1945).
Người dân có quyền đặt câu hỏi: Trách nhiệm của những người lớn có trách nhiệm ở đâu trước cái-ác-non-trẻ ngày càng nhiều hơn, dã man hơn?
CHẾT TREO HAY TREO XÁC CHẾT?
Theo Thanh Niên 11/5/2010, vào 14 giờ ngày 7 tháng 5, 2010, Võ Văn Khánh mang giấy tờ xe mô tô đến Công an huyện Ðiện Bàn làm việc. Ðến 21 giờ 30 cùng ngày, gia đình ông Võ Văn Thành được mời đến trụ sở Công an huyện Ðiện Bàn. Tại đây, gia đình được thông báo Võ Văn Khánh đã chết do treo cổ tự tử bằng dây buộc giày.
Võ Văn Khánh sinh năm 1981, trú xã Ðại An, huyện Ðại Lộc, thành phố Ðà Nẵng. Trước đó vài ngày, anh Khánh đi mô tô từ Ðại Lộc xuống Ðiện Bàn thì bị CSGT giữ xe do không mang theo giấy tờ. Sau đó, Khánh mang giấy tờ xe xuống thì mới biết chiếc xe này là xe trộm cắp và có người khai báo bị mất trộm. Trong quá trình tạm giữ, gia đình nạn nhân cho biết có xin thăm, nhưng Công an huyện Ðiện Bàn từ chối.
Ông Võ Văn Thành (cha ruột nạn nhân) đặt câu hỏi: “Tại sao trên cơ thể con trai tôi lại có những dấu vết bầm tím bị trầy xước, xương sườn bị gãy nhiều, trên người có in đậm dấu giày, giống như người ta dùng giày đá vào người con tôi vậy? Tại sao công an lại trực tiếp đến nhà mời tôi xuống giải quyết xe, vừa đến nơi lại bảo con trai tôi chết rồi? Họ còn kết luận con trai tôi dùng dây giày để treo cổ tự tử có phi lý quá không? Dây giày rất nhỏ, rất ngắn lại rất dễ đứt sao lại treo một thân hình nặng trên 50 kg như con tôi được? Kết luận như vậy là phản khoa học.”
Chiều qua (10 tháng 5, 2010), trước sự chứng kiến của gia đình ông Võ Văn Thành, các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Nam (Viện KSND, Công an, Thanh tra) và Tổ pháp y TP Ðà Nẵng đã tiến hành khám nghiệm tử thi lần thứ 2 để truy tìm nguyên nhân cái chết của Võ Văn Khánh.
Theo PGS.TS. Trần Văn Liễu - nguyên Giám đốc Viện Pháp Y Trung Ương, treo cổ là một bạo động, cổ bị vòng dây siết chặt do trọng lượng của cơ thể kéo xuống khi đầu dây bị buộc vào một điểm cố định. Các dấu vết để lại trên tử thi có liên quan rất mật thiết đến tính chất dây treo, vị trí của nút buộc, phương pháp buộc và tư thế của nạn nhân khi treo.
Chết treo tức là nạn nhân còn sống, sau khi bị treo lên dây mới làm phát sinh cái chết, nói cách khác, treo cổ là nguyên nhân dẫn đến tử vong. Treo xác chết là nạn nhân đã chết rồi, các hoạt động tuần hoàn, hô hấp của nạn nhân đều đã chấm dứt (vì một lý do nào đó), người ta mới dựng xác nạn nhân dậy để treo cổ lên dây. Thông thường người ta làm vậy để tạo ra một hiện trường giả là nạn nhân tự tử chết nhằm che giấu nguyên nhân thật gây ra cái chết.
Cơ chế chết do treo cổ bao gồm: Chèn ép các động mạch, tĩnh mạch cảnh gây thiếu máu, ứ máu, phù não nếu nút buộc ở phía gáy. Chèn ép đường hô hấp trong trường hợp vòng dây kéo cuống lưỡi lên trên làm lấp họng và hầu, có khi cả khí quản. Nguyên nhân chết ở đây chủ yếu là do ngạt (nút treo thường ở phía cạnh cổ, đôi khi nút ở sau gáy). Phản xạ ức chế do xoang tĩnh mạch Cảnh hoặc thần kinh Phế vị bị chèn ép, tim đập rất chậm rồi ngừng co bóp.
Các dấu vết bên ngoài tử thi gồm: vết hoen tử thi, tư thế đầu, màu da mặt xác chết, rãnh treo, các dấu hiệu tổn thương bên trong (khi mổ mở rãnh treo) sẽ giúp Giám định viên Pháp y xác định chính xác nạn nhân có phải chết do treo cổ hay không.
Những dấu hiệu khi có khi không: lưỡi thè, mắt lồi, chảy máu tai, mũi, xuất tinh, bài tiết nước tiểu và phân, những vết bầm máu xượt da ở tay chân do phản ứng khi ngạt giãy giụa rồi va chạm vào các vật cứng ở xung quanh.
Nếu nạn nhân chết rồi mới bị treo lên giả hiện trường treo cổ thì hoàn toàn ngược lại, tử thi không có các dấu vết được mô tả ở trên.
Ðiều 250 Bộ Luật Hình Sự nước CHXHCN Việt Nam về “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định đặc điểm pháp lý bắt buộc phải có để đủ yếu tố cấu thành tội này là “chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” thì mới phạm tội.
Có thể thấy, anh Khánh bị giữ xe máy ở Công an huyện Ðiện Bàn và anh đã mang giấy tờ xe quay lại Công an Ðiện Bàn làm việc đã chứng tỏ anh Khánh không phải kẻ trộm, có thể anh đã mua nhầm xe bị trộm cắp. Thời gian vài ngày đủ để Khánh bỏ trốn nếu Khánh là kẻ gian, chớ không ai ngu gì quay lại để “đâm đầu vào rọ.”
Mặt khác, cơ quan Công an Ðiện Bàn cho rằng có tố cáo chiếc xe máy Khánh đang sử dụng là xe bị mất trộm, thì tố cáo chỉ là cơ sở để điều tra làm rõ có hành vi phạm tội xảy ra hay không, việc tố cáo có thể đúng mà cũng có thể sai, tố cáo chưa phải là kết luận cuối cùng để khẳng định rằng Khánh trộm cắp hay tiêu thụ đồ gian, mà còn phải có thêm nhiều bằng chứng khác.
Giả sử anh Khánh đã biết rõ xe này là tài sản do phạm tội mà có, tức anh Khánh vi phạm Ðiều 250 BLHS, thì với giá trị của một chiếc xe máy, khung hình phạt Tòa án sẽ tuyên cho Khánh cũng chỉ là phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ, đều không đến nỗi ngồi tù lâu dài mà Khánh phải sợ hãi, bức bách đến mức độ treo cổ tự tử?
Ông Ðại Tá Phan Như Thạch- Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam không giải thích được vì sao có những dấu giày trên cơ thể nạn nhân.
Trên mạng cũng có thông tin rằng, “mấy ngày qua, hàng trăm người dân xã nghèo Ðại An bức xúc trước cái chết đầy nghi vấn của Khánh đã kéo đến xem chứng kiến đoàn pháp y mổ tử thi nạn nhân xấu số Võ Văn Khánh. Những người dân sống cạnh nhà nạn nhân Khánh, cho biết Khánh là đứa con biết nghe lời cha mẹ, không quậy phá, nên hoàn toàn bất ngờ khi nghe tin Khánh treo cổ tự tử tại trụ sở Công an huyện Ðiện Bàn”.
Khi có một trường hợp treo cổ thì vấn đề y pháp phải đặt ra là chết treo hay treo xác chết. Phương thức treo, cách buộc dây, vị trí của nút buộc? Loại dây thắt và tư thế của nạn nhân, các dấu vết trên tử thi đều có một ý nghĩa quan trọng về hình sự giúp cho việc nhận định hành động của nạn nhân trước và trong lúc chết, hoàn cảnh chết. Cũng như xem xét có sự can thiệp từ bên ngoài vào hay không? Ngỏ hầu tìm ra bản chất cái chết của nạn nhân.
Trong trường hợp kết quả khám nghiệm tử thi lần 2 của Cơ quan Pháp y Ðà Nẵng làm người nhà nạn nhân thấy chưa rõ ràng, họ có quyền đề nghị một cơ quan giám định Pháp y cao hơn ở cấp trung ương khám nghiệm, giám định lại nguyên nhân cái chết.
Căn cứ Pháp lệnh số 24/2004/PL-UBTVQH11 về Giám định Tư Pháp, hiện nay ở Việt Nam có các Cơ quan Pháp y cấp Trung ương là: Viện Pháp Y Quốc Gia (do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của bộ trưởng Bộ Tư Pháp và bộ trưởng Bộ Y Tế và trực thuộc Bộ Y Tế), Viện Pháp Y Quân Ðội của Bộ Quốc Phòng, Trung Tâm Pháp Y thuộc Viện Khoa Học Hình Sự của Bộ Công An.
Trong khi chưa có kết quả khám nghiệm tử thi lần 2 mô tả chi tiết về toàn bộ các dấu vết trên tử thi và kết luận nguyên nhân gây tử vong, tôi không đi sâu vào phân tích các dấu vết khác phải có để lại trên tử thi chết treo khi mổ khám bên trong.
Tuy nhiên, căn cứ vào các quy luật xã hội khách quan, người khác chỉ cần đặt mình vào vị trí của Võ Văn Khánh (khi bị tạm giữ vì sử dụng xe máy bị cho là xe gian) cũng dễ dàng nhận thấy hành vi treo cổ của Khánh là bất thường và đàng sau cái chết bất ngờ của Khánh còn ẩn giấu nhiều khuất tất.
Trích Bộ Luật Hình Sự
Ðiều 250. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm .
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức.
b) Có tính chất chuyên nghiệp.
c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn.
d) Thu lợi bất chính lớn.
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn.
b) Thu lợi bất chính rất lớn.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn.
b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.
CHÍNH QUYỀN KHÔNG BẢO VỆ ĐƯỢC NGƯỜI LƯƠNG THIỆN?
Ông Lâm Văn Bi - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau đã thông báo với báo chí rằng lãnh đạo Công an tỉnh Cà Mau cho biết cơ quan giám định y khoa Cà Mau đã có kết quả đánh giá tỉ lệ thương tật của cháu Hào Anh là trên 60%. Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bổ sung hành vi “cố ý gây thương tích” (theo Điều 104 BLHS) đối với vợ chồng Giang - Thơm.
Công an huyện Đầm Dơi cũng đã ra quyết định khởi tố thêm hai người làm công cho vợ chồng Giang - Thơm là Lưu Văn Khánh (17 tuổi, ở phường 8, TP Cà Mau) và Lâm Văn Quỳnh (18 tuổi, ở xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi). Khánh và Quỳnh được xác định có vai trò đồng phạm với Giang - Thơm nên cùng bị khởi tố về hành vi “hành hạ người khác”.
Người dân khu vực xung quanh trại tôm giống Minh Đức của vợ chồng Giang - Thơm phản ánh ông Lý Thái Triều - Công an viên phụ trách ấp Phú Hiệp (Luật CAND không quy định chức danh Trưởng CA ấp như một số báo đưa tin) nhiều lần vào trại tôm nhậu với Giang, biết rõ sự việc nhưng không báo cáo lên cấp trên xử lý.
Điểm lại một số vụ chủ hành hạ, đánh đập trẻ làm thuê nổi cộm trong thời gian gần đây cho thấy có ít nhất 4 vụ chính quyền địa phương đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý địa bàn.
Đơn cử như vụ cháu Văn Minh Phương 12 tuổi bị chủ là bà Nguyễn Thị Yến (ở ấp Ngãi Trung, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) hành hạ, đánh đập gây đa chấn thương. Ngày 19/4/2004 Công an huyện Tiểu Cần đã khởi tố bị can, tạm giam bà Nguyễn Thị Yến.
Hay 4 em bé tại cơ sở may gia công ở Tân Bình, TP HCM làm công không được trả tiền lại bị nhà chủ bấm kìm vào môi, dùng tuốc-nơ-vit chọc vào hậu môn, Tết chỉ được ăn đồ thiu... Trên thân thể các em đầy những vết thương, có vết vừa mới bị đánh, có vết đã thành sẹo dài 3 đốt ngón tay. Chỉ một đoạn ngắn trên mảng lưng và mông em Phúc đã in dấu tích 20 vết sẹo. Môi trên em sưng vù, hai cánh tay đầy vết thương, chỗ bầm đen, chỗ còn tứa máu.
Em Vũ Thị Văn, 16 tuổi, làm thuê cho gia đình ông Bùi Đức Kháng (1/10 Tân Thành, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú) từ năm 13 tuổi, em phải làm việc từ 6g-22g với mức lương 500.000 đồng/tháng. Em thường xuyên bị con trai ông Kháng là Bùi Trần Nghị (26 tuổi) đánh đập dã man. Nghị thường xuyên đánh em bằng roi và dây điện, có lần Nghị lấy bàn ủi nóng ủi lên tay em. Chiều 10/10/2008, tại Bệnh viện Đa khoa Tân Bình (TP.HCM), các bác sĩ cho biết em Vũ Thị Văn đến cấp cứu trong tình trạng thần kinh hoảng loạn, suy sụp tinh thần, lo sợ, tay có vết sẹo thâm do bàn ủi ịn vào. Sau đó, báo đưa tin em Văn đột nhiên “mất tích”, sự việc chìm vào quê lãng.
Ngày 29/6/2009, UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam) xác nhận thông tin đã tiếp nhận và đang chăm sóc em Đinh Văn Thiện, sinh năm 1994, dân tộc Ca Dong, trú tại xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Em Thiện vừa bỏ trốn do không chịu nổi cảnh hành hạ, ngược đãi đến cùng cực, đã liều mình chạy trốn vào rừng và tìm đường trở về nhà… Theo Vietnamnet, năm ngoái cũng tại bãi đào vàng này, hàng chục trẻ em làm vàng không chịu nổi sự hà khắc của chủ bãi cũng đã tìm đường chạy trốn. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc điều tra, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả.
Rõ ràng, sau khi hành vi phạm tội bị phát hiện thì cơ quan điều tra chỉ xử lý hành vi của kẻ trực tiếp gây nên tội ác (chủ sử dụng lao động trẻ em) mà chưa thấy có vụ việc nào xử lý trách nhiệm của cán bộ phụ trách địa bàn để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài tại địa bàn do cán bộ đó quản lý cả.
Ông Nguyễn Thanh Hòa- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho báo Tuổi Trẻ biết báo cáo của 63 tỉnh, thành phố năm 2009 cho thấy tại VN vẫn còn 25.000-27.000 trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ông Hòa khẳng định đây chỉ là số liệu báo cáo, chứ thực tế chắc chắn con số này sẽ cao hơn.
Căn cứ kết quả giám định thương tích của Hội đồng Giám định pháp y tỉnh Cà Mau, hành vi của vợ chồng Giang - Thơm có đủ dấu hiệu phạm tội ở khoản 3 điều 104 BLHS.
Khoản 3 điều 104 BLHS quy định như sau:
“Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31%-60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm”.
Những tình tiết định khung đối với hành vi phạm tội của Giang - Thơm là:
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.”
Nếu tính mạng của cháu Hào Anh bị xâm phạm ở mức độ nguy hiểm thì vợ chồng Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm sẽ bị truy tố, xét xử theo khoản 4 điều 104, có mức hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Căn cứ khoản 1 Điều 105 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự về việc “khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại” thì: “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Hành vi phạm tội của vợ chồng Giang - Thơm rơi vào khoản 3 (có thể khoản 4) Điều 104 BLHS, nên dù có hay không có đơn bãi nại cơ quan tố tụng vẫn phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can và điều tra, xử lý đúng quy định pháp luật. Đơn bãi nại của phía bị hại (nếu có và tự nguyện) chỉ là tình tiết để Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo, chớ không phải là căn cứ để đình chỉ vụ án.
Điều 105 BLTTHS còn quy định rõ: “Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”. Như vậy, trong trường hợp cụ thể này, đơn bãi nại của chị Thoa không có giá trị pháp lý để được xem là tình tiết giảm nhẹ cho Giang - Thơm vì chị Thoa bị cưỡng ép ký đơn rút yêu cầu truy tố. Cơ quan tố tụng sẽ coi như không có đơn bãi nại của chị Thoa.
Luật quy định là thế nhưng từ luật đến đời sống thực tế vẫn còn một khoảng cách xa.
Bà Phạm Thị Thoa (mẹ Hào Anh) kể với nhà báo khi bà lên bệnh viện chăm con thì bị Mã Ngọc Thơm (vợ chủ trại tôm Minh Đức) dùng xuồng máy bám theo chặn đường.
"Cô ta nói là nếu tôi không ký thì khi họ ra tù sẽ trả thù. Bằng không, họ sẽ lo hết tiền chữa trị cho Hào Anh và cho 20 triệu đồng gửi ngân hàng. Sợ quá, tôi bèn ký vào đơn do họ viết và nhận một triệu đồng", chị Thoa kể. Ông Nguyễn Thanh Bình - trưởng Công an xã Ngọc Chánh - nói: “Chị Thoa đưa đơn bãi nại viết tay cho tôi, tôi đã nộp cho Công an huyện Đầm Dơi. Trong đơn bãi nại có nội dung là mặc dù đã biết Hào Anh bị hành hạ nhưng yêu cầu cơ quan công an không xử lý hình sự Giang - Thơm”.
Trước lực lượng Công an các cấp hùng hậu dàn ra từ trên xuống dưới, trước tình trạng đau đớn thê thảm, thân thể biến dạng vì thương tích cháu Hào Anh phải gánh chịu (người mẹ nào không khỏi đứt ruột đau lòng) mà chị Thoa vẫn phải bấm bụng ký đơn bãi nại cho kẻ thủ ác. Phải chăng người dân không tin vào khả năng chính quyền có thể bảo vệ sự an toàn cho người lương thiện trước bóng tối của các thế lực xấu xa phủ trùm lên đời sống người nghèo?
GIÁO DÂN CỒN DẦU: 4 NGÀY ĐỐI ĐẦU VÀ BỊ CƯỚP XÁC
Nghĩa trang Giáo xứ Cồn Dầu (Đà Nẵng) là một khu đất rộng gần 10 hecta nằm ở khu B của giáo xứ, cách nhà thờ gần 1 km, có quá trình lịch sử hơn 130 năm dành để chôn cất giáo dân tạ thế. Theo lời giáo dân Cồn Dầu thì nghĩa địa này đã được chính quyền trung ương liệt vào danh sách di tích lịch sử cần được bảo tồn.
Tuy nhiên, lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch giải tỏa trắng hơn 440 hécta đất thôn Cồn Dầu để cho tư nhân thực hiện Dự án Du lịch Sinh thái Hòa Xuân. Đa số người dân sinh sống tại thôn Cồn Dầu không đồng thuận, vì “giải tỏa thì dân đi đâu? (Lên vùng) núi, đất, sạn, sỏi ăn gì để sống? Hoặc nếu Nhà nước đền cho “mấy đồng bạc”, ăn hết rồi “đứng” vô ở đâu, ngó đâu, trông chờ đâu? Chúng tôi đã thấy bao nhiêu hoàn cảnh bị đói do giải tỏa rồi. Có ít chủ chịu lấy tiền thôi; còn chúng tôi không đi đâu hết, chết tại đây”. Mặt khác, giáo dân Cồn Dầu muốn được tái định cư ở gần Nhà Thờ, còn phía chính quyền Đà Nẵng thì không đáp ứng.
Theo tin từ website Dòng Chúa Cứu Thế, nhà cầm quyền Thành phố Đà Nẵng ra lệnh cấm chôn xác và canh gác nghiêm ngặt nghĩa trang giáo xứ Cồn Dầu từ hơn 3 tuần nay.
Cụ bà Hồ Nhu (nhũ danh Maria Đặng Thị Tân), một giáo dân Cồn Dầu vừa từ trần vào ngày 01/5/2010, hưởng thọ 82 tuổi. Theo di nguyện, cụ bà Nhu muốn được an nghĩ ngay bên cạnh phần mộ của cụ ông Hồ Nhu, cùng ông bà tổ tiên và con cháu đã qua đời tại nghĩa trang Cồn Dầu. Con cháu cụ bà Nhu quyết định thực hiện lời trăn trối của cụ và sẽ chôn cất cụ bà Maria trong phần mộ của giòng tộc tại nghĩa trang giáo xứ Cồn Dầu vào sáng thứ ba, mồng 4 tháng 5 năm 2010.
Sáng thứ bảy, khi vừa hay tin cụ qua đời, hàng trăm cán bộ và công an quận, phường đã đổ về Cồn Dâu để khuyến cáo tang gia, bao vây nghĩa địa và chuẩn bị cho cuộc đối đầu có thể xảy ra trong ngày an táng. Sáng Chúa nhật, đang lúc phát tang, chính quyền đã đến đọc lệnh cấm và đe dọa sẽ có chuyện xảy ra nếu chôn bà cụ Maria tại nghĩa trang Cồn Dầu. Họ nói tang gia phải chịu trách nhiệm nếu có việc gì xảy ra. Gia đình bà cụ Nhu cương quyết không thay đổi ý định và không chịu trách nhiệm bất cứ hành động gây hấn nào của chính quyền.
Chính quyền cũng ra lệnh cho Cha Xứ Nguyễn Tấn Lục không được làm lễ an táng tại nghĩa địa. Cha Lục nói ngài sẽ cử hành lễ mồ cầu cho linh hồn cụ bà Maria tại nhà thờ Cồn Dầu như ngài vẫn làm cho các tín hữu khác, sau đó tang gia muốn chôn ở đâu là tuỳ ý họ.
Từ ngày ra thông cáo cấm chôn cất, trước cổng nghĩa địa Cồn Dầu lúc nào cũng có ít nhất 8 công an và dân phòng canh gác ngày đêm. Một số thanh niên ở các làng lân cận Cồn Dầu được thuê... để làm công tác canh gác. Một nguồn tin nội bộ công an cho hay, trong ngày an táng cụ bà Nhu, sẽ có thêm 500 công an tăng cường. Hàng trăm giáo dân Cồn Dầu vẫn tiếp tục đến cầu kinh tại nghĩa địa hằng đêm từ 6 đến 7 giờ 30 tối. Họ dự định mọi người sẽ tham dự lễ an táng và tiễn đưa bà cụ Maria về với Chúa ngay trên phần mộ của của tổ tiên mình, cho dù có nguy cơ sẽ bị đàn áp.
No comments:
Post a Comment