Vì sao tiếng kêu của người làm nông nghiệp không "rầm rộ" như lĩnh vực khác trong thời điểm đầy khó khăn, nguy nan? Phải chăng là do "Bộ trưởng hiền quá!", như nhận xét của đại biểu Trần Hoàng Ngân?
Đã khá lâu, người nông dân và những ai quan tâm đến nông nghiệp - nông thôn mới nghe được những lời chất vấn sắc nét, rõ vấn đề như đại biểu Trần Hoàng Ngân với Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát! Dù rằng, hàng loạt vấn nạn của ngành NN - PTNT lâu nay cứ "đến hẹn lại lên", thậm chí ngày một trầm kha.
Trầm kha và xót xa nhất là lúa nông dân làm ra bán không được, ế thừa khắp nơi. Trả lời chất vấn của phóng viên làm sao đảm bảo cho nông dân lãi 30% như yêu cầu của Chính phủ, ông chủ tịch Hiệp hội lương thực VN, kiêm TGĐ Tổng Công ty lương thực miền Nam đã cáu kỉnh: "Lúc này chỉ nói bán được hay không thôi! Không bán thì đem cho vịt ăn!".
Sau 24 năm, tức gần 1/4 thế kỷ, nông dân VN được xưng tụng như những anh hùng đã đưa đất nước từ chỗ nhập khẩu lúa gạo lớn, thành quốc gia xuất khẩu lúa gạo thứ hai thế giới.
Ngược dòng lịch sử, cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, VN và Myanmar từng là hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn ở châu Á. Do hoàn cảnh chiến tranh, xung đột, hai nước vắng bóng suốt thời gian dài.
Đến năm 1989, nhờ công cuộc Đổi mới, cụ thể là Khoán 10 và Chỉ thị 100, VN đã "xuất thần" trở lại ngôi vị cường quốc xuất khẩu lúa gạo trước sự ngỡ ngàng của thế giới và cả chính chúng ta.
Thành tựu này vĩ đại đến mức, suốt hàng chục năm sau đó, trong báo cáo thành tích của các ngành đều có câu "góp phần đưa đất nước thành cường quốc xuất khẩu gạo"! Ngành NN- PTNT, Hội Nông dân VN viết vào báo cáo như vậy còn có lý. Nhưng nhiều ngành chẳng dính dáng đến nông nghiệp cũng "chia sẻ" thành tích này với niềm tự hào to lớn.
Nhắc lại để thấy rằng, thành tích kỳ diệu sau khi trở lại ngôi "cường quốc" lúc ấy có tác động to lớn không chỉ về kinh tế, mà lan rộng ra tất cả các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, ánh hào quang lấp lánh của ngôi vị đã lụi tàn vào giai đoạn sau. Đến hôm nay, nếu không chấp nhận bán đổ bán tháo, nông dân phải "để cho vịt ăn", thì quả là đáng buồn!
Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: Minh Thăng |
Năm 2012, ngành NN - PTNT được xem là "điểm sáng" vì đã làm trụ đỡ cho nền kinh tế gặp khủng hoảng. Kim ngạch xuất khẩu vẫn cao hơn năm trước.
Nhưng cái giá phải trả cực đắt: Nông dân càng làm ra nhiều sản phẩm càng lỗ! Càng xuất khẩu càng khó khăn. Những đồng ngoại tệ mang về cho đất nước lúc khủng hoảng quý giá vô ngần chính là mồ hôi, nước mắt của nông dân.
Không chỉ người trồng lúa, mà cả người chăn nuôi, trồng cây trái, hoa quả, rau màu, v.v... Mặt trận nông nghiệp gần như đều chung số phận thua lỗ! Báo chí phản ánh nhiều đến nỗi nhàm chán. Một số chính sách, chương trình đã được đưa ra nhưng gần như chưa có tác dụng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 12/6 đã "nói hộ" nỗi lòng của người nông dân. Theo ông, trong khi các ngành gặp khủng hoảng như bất động sản người ta lăn xả, đánh động, sùng sục tìm giải pháp, kiến nghị Chính phủ, đưa ra Quốc hội... thì tiếng kêu của người làm nông nghiệp tắt lịm trước khi đến cấp cao!
Tại các kỳ họp trước, ở cơ sở người làm nông nghiệp lo toan mất ăn mất ngủ, thua lỗ, phá sản, tuyệt vọng..., còn chương trình nghị sự của Quốc hội vẫn thường xuyên đề cập đến những biện pháp, gói cứu nguy cho bất động sản!
Vì sao tiếng "kêu cứu" của người làm nông nghiệp không "rầm rộ" như lĩnh vực khác trong thời điểm đầy khó khăn, nguy nan? Phải chăng là do "Bộ trưởng hiền quá!", như nhận xét của đại biểu Ngân?
Nông nghiệp đang đi về đâu?
Ở Hà Lan, 1 ha đất nông nghiệp đem lại 40.000 USD/năm. Gần với nước ta là Đài Loan, mỗi ha hàng năm đạt 12.000 USD.
So sánh hiệu quả với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác về hiệu quả thì không khỏi khập khiễng. Song điều cần nói là một nền nông nghiệp cứ "giậm chận tại chỗ" và thụt lùi mãi về hiệu quả sản xuất thì không thể gọi là bình thường, nếu không nói là bất thường!
Không chỉ cây lúa "chịu đời đắng cay" |
Sau 1/4 thế kỷ trở lại ngôi vị, khả năng cạnh tranh của hạt gạo VN không những vẫn thua xa Thái Lan, mà còn thua luôn cả những "cường quốc" mới nổi như Ấn Độ, Myanmar. Và thua luôn cả gạo của Campuchia, quốc gia mới làm ra lúa gạo đủ ăn mấy năm nay!
Cũng sau 1/4 thế kỷ sản xuất gạo bán ra thế giới, ngoài thành tích sản lượng ngày càng tăng, VN vẫn chưa thật sự có được thị trường của mình. Chỉ cần một quốc gia nhỏ như Campuchia tham gia xuất khẩu cũng khiến cho sản phẩm của chúng ta điêu đứng, xiêu vẹo.
Những tiến bộ mới trong canh tác như cơ giới hóa, kỹ thuật, chăm sóc, v.v... đã giúp tăng năng suất. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất, bao trùm nhất là tổ chức sản xuất nền nông nghiệp hiện đại, kết nối với nhu cầu, thị trường của thế giới gần như chưa có kết quả đáng kể.
Những tiếng nói về cải cách, tổ chức lại nền Sản xuất nông nghiệp cũng "đến hẹn lại lên", như điệp khúc "được mùa mất giá", chỉ có tác dụng "thuốc an thần" tạm thời. Sau đó, đâu lại vào đấy!
Rõ ràng, vị tư lệnh của ngành Nông nghiệp không thể "hiền quá" như nhận xét của đại biểu Trần Hoàng Ngân! Bởi ông là người đứng mũi chịu sào cho số phận của gần 70% dân số là nông dân; của một ngành sản xuất nền tảng của nền kinh tế đất nước!
- Duy Chiến
No comments:
Post a Comment