Monday, June 17, 2013

TƯỞNG NIỆM CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ HY SINH TẠI YÊN BÁI NGÀY 17-6-1930

Trưng Nữ Vương (40 - 43) - www.HoPhap.Net
Image du profil
Nước Non Ta Phải Chính Tay Ta Giành Lại
Dẫu Phải Đánh Đổi Bằng Tất Cả Máu Xương.

Anh Hùng Nguyễn Thái Học: ngày 17 tháng 6 năm 1930


TƯỞNG NIỆM CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ
HY SINH TẠI YÊN BÁI NGÀY 17-6-1930
 

Ngày 17/6 hàng năm đã trở thành ngày tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ dân tộc bị Pháp xử chém tại pháp trường Yên Bái vì tranh đấu cho nền độc lập dân tộc, hạnh phúc cho giống nòi. Sự hy sinh của 13 vị liệt sĩ cách mạng Việt Nam là gương sáng chói lọi cho các thế hệ Việt Nam sau này trong sứ mạng cứu quốc và kiến quốc.
 
Xin thuật lại sơ lựoc lịch sử và ý nghĩa ngày tưởng niệm này để chúng ta cùng suy nghĩ, nhất là các bạn trẻ trong và ngoài nước.
 
BỐI CẢNH LỊCH SỬ
 
Vào đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp ngày càng đè nặng ách thống trị lên đất nước Việt Nam từ Bắc chí Nam. Chúng đàn áp dã man, bóc lột tận xương tủy; nào sưu cao thuế nặng, nào bắt bớ giam cầm, tù đày, tra tấn, thủ tiêu những người yêu nước; các phong trào chống Pháp trước đó đều bị dẹp tan. Khắp nơi đâu đâu cũng nghe tiếng oán hờn, nỗi uất hận cao ngút thấu trời xanh.
 
Trước hoàn cảnh cực kỳ đau thương đó, các thanh niên Việt Nam nói riêng, tòan dân Việt nói chung, không thể tiếp tục cúi đầu khuất phục, đều đứng lên chống lại bạo quyền. Nguyễn Thái Học, một sinh viên trường Cao Đẳng Thương Mại Hà Nội mới 24 tuổi cùng các thanh niên Việt Nam yêu nước khác như Nhượng Tống, Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm, Hồ Văn Mịch, Phó Đức Chính, Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Văn Phúc... bí mật thành lập một tổ chức cách mạng lấy tên là VIỆT-NAM QUỐC-DÂN ĐẢNG vào ngày 25/12/1927. Mục đích của tổ chức nhằm đánh đuổi thực dân giành độc lập tự do cho dân tộc. Nguyễn Thái Học được bầu làm Chủ Tịch Tổng Bộ. Cụ Phan Bội Châu được suy cử làm Đảng Trưởng Danh dự. Sau đó, VNQDĐ bành trướng mau lẹ, lan khắp các tỉnh miền Bắc Việt Nam.
 
Ngày 9 tháng 2 năm 1929, nhằm chiều 30 Tết Mậu Thìn, tên trùm thực dân Pháp Bazin, Giám đốc sở mộ phu cho các đồn điền bị ám sát tại Hà Nội do các đảng viên VNQDĐ Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Đức Lung, Nguyễn Văn Lân thực hiện, gây chấn động khắp Đông Dương. Mật thám Pháp gia tăng khủng bố, trả thù tàn bạo.
 
CUỘC TỔNG KHỞI NGHĨA YÊN BÁI
 
Trước hoàn cảnh cùng cực của người dân, trước sự ruồng bố gắt gao của Pháp, Việt Nam Quốc Dân Đảng quyết định Tổng Khởi Nghĩa vào ngày 10-2-1930 sau phiên họp lịch sử của VNQDĐ tại Võng La làng Mỹ Xá cuối tháng 1 năm 1930. Quân Cách Mạng đồng loạt tấn công nhiều cứ điểm quân sự của Pháp ở khắp nơi: Tấn công Yên Bái, Lâm Thao, Hưng Hóa; ném bom cầu Long Biên, nội thành Hà Nội; đánh Đáp Cầu, Phả Lại; tấn công đồn binh Pháp Kiến An; đánh Phủ Dực, Vĩnh Bảo, Thái Bình; giết chết nhiều sĩ quan, binh lính địch và chiếm nhiều căn cứ của thực dân.
 
Quân Pháp với vũ khí tối tân đã phản công mạnh bạo khiến cho quân Khởi Nghĩa cuối cùng bị đẩy lui vì phương tiện còn thiếu thốn. Nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt. Đảng trưởng Nguyễn Thái Học trốn thoát nhưng cuối cùng bị sa lưới quân thù vào ngày 20/2/1930 tại ấp Cổ Vịt vì ông không chịu trốn sang Trung Hoa lưu vong.
 
CUỘC HÀNH QUYẾT NGÀY 17-6-1930 TẠI YÊN BÁI
 
Nhằm tiêu diệt mầm mống cách mạng, đồng thời khủng bố tinh thần những người yêu nước khác, Hội Đồng Đề Hình thực dân đã kết án tử hình 13 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Yên Bái ngày 17-6-1930. (Mức Án sơ khởi là: 39 người bị án tử hình; 33 người bị án khổ sai chung thân; 9 người bị án 20 năm khổ sai; 5 người bị án tội đày trong số có cô Nguyễn Thị Bắc 5 năm tù ở.)
Trong tác phẩm "Từ Yên Bái đến ngục thất Hỏa Lò", tác giả Hoàng Văn Đào đã tường thuật cuộc xử chém như sau :
 
"Yên Bái, một vị trí lịch sử lần thứ hai lại chứng kiến các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đền nợ nước.
Trong chuyến xe lửa bí mật, riêng biệt khởi hành từ Hà Nội lên Yên Bái, các tử tù cứ hai người còng làm một, trò chuyện ở toa hạng tư trên một lộ trình dài 4 tiếng đồng hồ. Cùng đi với các tội nhân còn có các thanh tra sở mật thám Pháp, hai cố đạo người Âu là Linh Mục Mechet và Dronet. Máy chém cũng di chuyển theo cùng chuyến xe. Đao phủ thủ phụ trách buổi hành quyết là Cai Công.
 
"Cuộc hành quyết khởi sự vào lúc 5 giờ kém 5 phút sáng ngày 17-6-1930 trên một bãi cỏ rộng với sự canh phòng cẩn mật của 400 lính bản xứ. Xác chết 13 người chôn chung dưới chân đồi cao, bên cạnh đồi là đền thờ Tuần Quán, cách ga xe lửa độ một cây số."
 
Danh tánh của 13 Liệt Sĩ đã lần lượt lên máy chém như sau : Bùi Tư Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hồ Văn Lạo, Đào Văn Nhít, Nguyễn Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Sứ, Bùi Văn Cửu, Nguyễn Như Liên, Phó Đức Chính và cuối cùng là Nguyễn Thái Học. Tất cả các liệt sĩ đều hô to :"Việt-Nam Muôn Năm" trước khi máy chém rơi trên đầu những nhà Cách Mạng. Riêng ông Phó Đức Chính đòi nằm ngửa để nhìn lưỡi chém rớt xuống cổ mình.
 
Ngày hôm sau, nữ đảng viên Nguyễn Thị Giang dùng súng lục tuẫn tiết theo người yêu, người đồng chí của mình là đảng trưởng Nguyễn Thái Học.
 
Trong cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái, trên 30 đảng viên VNQDĐ đã bị xử chém, hàng ngàn đảng viên khác bị xử án từ chung thân đến lưu đày biệt xứ. Số còn lại đã rút vào bóng tối, tiếp tục cuộc chiến đấu. Cuộc Khởi Nghĩa tuy thất bại nhưng đã tạo nên tiếng vang khắp nơi, làm nức lòng đồng bào trong nước và gây rúng động cả chính quốc Pháp.
 
Sau này, Nguyễn Phan An có làm bài thơ tưởng niệm Nguyễn Thái Học như sau:
 
Yến Bái đầu rơi một sớm nào,
Lòng son ngời sáng với trăng sao...
Vì dân dựng Đảng, ôi ! xương trắng,
Vì nước ra công, hỡi máu đào !
Cách mệnh chưa thành ! Sông núi khóc,
Tài mưu sớm thác ! Gió mưa gào.
Mai mươi tám tuổi “thành nhân” ấy,
Trang sử ngàn thu đã bước vào.
 
TIẾP NỐI TINH THẦN YÊN BÁI
 
Xử chém được 13 chiến sĩ  VNQDĐ tại Yên-Bái, thực dân Pháp tưởng đã đàn áp được tinh thần yêu nước của dân ta. Trái lại, tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất và noi gương hy sinh dũng cảm của tiền nhân trong đó có 13 vị Liệt Sĩ Yên Bái, toàn dân Việt Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập, chống độc tài, chống phong kiến và hiện nay chống lại ách cai trị tàn bạo của tập đoàn cộng sản Việt Nam tại Hà Nội. Đất nước đang bị lâm  nguy trước họa xâm lăng của phương Bắc, tinh thần Yên Bái cần được toàn dân tiếp nối để bảo vệ Tổ Quốc.
 
CỜ ĐỘC LẬP PHẢI NHUỘM BẰNG MÁU,
HOA TỰ DO PHẢI TƯỚI BẰNG MÁU
(Lời của Nguyễn Thái Học)
 

NHỮNG ĐOÁ HOA MÁU ĐẦU THẾ KỶ XX!

                

NHỮNG ĐOÁ HOA MÁU ĐẦU THẾ KỶ 20!!

NGUYỄN THÁI HỌC và CÁC ĐỒNG CHÍ TRƯỚC GIỜ BỊ PHÁP HÀNH QUYẾT.
Trong đề lao Yên Báy các tù nhân bị nhốt chung một gian nhà. Cai Công đao phủ, dáng lùn tịt, mặt lúc nào cũng tây tấy, mò đến bên các tù nhân. Trước Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính thì Công dừng lại. Cử chỉ rất lạ, đã từng giật máy chém, chém bao nhiêu người, cai Công chưa làm thế bao giờ. Hắn cảm thấy như có gì cào cấu trong ruột, mồ hôi rịn ướt trên da mặt sẫm từng vệt tàn nhang, tay chân nhức nhối như dòi bò. Hắn đã nốc bao nhiêu rượu để có quên cảm giác ghê rợn. Tự dưng hắn quỳ phục xuống trước mặt Nguyễn Thái Học, khóc rưng rức. Hắn nói:
- Mong các ông xá tội cho. Các ông chết trẻ sẽ thiêng lắm. Tôi biết tôi trọng tội, nhưng vì miếng cơm manh áo, tôi phải làm theo phận sự. Xin các ông mở lượng hải hà khoan lượng.
Nguyễn Thái Học khuyên:
- Ông Cai Công ạ! Nghề này thất đức lắm. Ông nên giải nghệ đi. Nếu có thiêng liêng thật, chúng tôi cũng không thèm chấp với ông đâu. Ông cũng chỉ là cái máy bên cái máy chém. Giải nghệ đi kẻo tội lỗi chất chồng tội lỗi, xuống âm phủ Diêm Vương cũng không chấp nhận ông đâu!
Cai Công ấp úng nói: “vâng, và cứ thế quỳ trước Nguyễn Thái Học đến tận lúc bọn cai nhà lao lục tục thúc giục tù nhân ra pháp trường.
5 giờ 5 phút ngày 17 tháng 6 năm 1930, bốn trăm cảnh binh, cảnh sát, mật thám và Lê Dương đã giăng ra bảo vệ khu hành quyết tù nhân. Không cho bất cứ ai lọt vào trừ những người làm phận sự. Pháp trường dựng ở bãi lính tập, trước khu nhà thờ, có hàng cây bàng và cây báng súng bao quanh. Đối diện với mấy ngôi nhà gạch mới xây.
Chiếc máy chém đen sì được đặt trên bãi cỏ. Nó vừa có chức năng chém người lại có chức năng dọa người. Lưỡi máy chém xám xịt được kéo lên theo rãnh trượt. Tử tù phải nằm trên một tấm ván, cổ bị gông lại. Chỉ cần giật nút hãm là lưỡi dao rơi tự do phập xuống. Ai yếu bóng vía chỉ trông hoặc nghe tiếng phập nhanh như thái chuối là đủ chết ngất hoặc vãi nước đái ra quần. Trong mọi cách hành hình thì đây là cách hành hình “văn minh man rợ” nhất. Nó lạnh lùng khủng bố tinh thần. Nó trấn áp, nó tra tấn thần kinh con người.
Trên đoạn đường trải đá bên cạnh pháp trường là dăm bảy chiếc xe bò chờ sẵn để chở xác người đi chôn.
Bãi bên, xếp 15 chiếc quan tài. Thấy lạ, nhà báo Louis Roubaud hỏi viên chánh cẩm:
- Sao xử chém 13 người mà lại có những 15 quan tài?
Hắn trả lời:
- Để đề phòng có người sợ quá vỡ tim mà chết tại chỗ! Tình huống này rất dễ xảy ra.
Lần lượt 13 nghĩa sĩ lên đoạn đầu đài. Tất cả đều bình thản bước tới theo danh sách được gọi tên. Tất cả đều khước từ cố đạo rửa tội. Trước khi lưỡi dao máy chém phập xuống, ai cũng hô to:”Việt Nam vạn tuế!”. Tiếng hô khản đặc đủ vang tới tường nhà thờ dội ra đường phố Yên Báy. Dòng máu phun trào từ cổ mỗi người đã đứt lìa, tia máu bắn xa hàng chục mét.
Nguyễn Thái Học phải đứng đó để chứng kiến lần lượt từng người văng đầu trên máy chém. Phó Đức Chính là người thứ 12 lên đoạn đầu đài. Cố đạo Méchet hỏi anh: “Cậu chết trẻ vậy có ân hận không?”. Phó Đức Chính trả lời thản nhiên: “Ở đời, mong làm lấy một việc lớn mà việc ấy không thành thì chết có gì ân hận”! Anh nói lớn: “Cho ta nằm ngửa để ta nhìn lưỡi dao tội ác của người Pháp”. Nhiều người ngoảnh mặt đi không dám ngó. Nhiều người lấy khăn lén lau nước mắt.
Đến lượt Nguyễn Thái Học. Anh ngậm điếu xì gà thật to. Gọi đến tên, anh phì điếu thuốc ra khỏi miệng, thong thả bước tới máy chém. Anh đọc câu thơ bằng tiếng Pháp:
Mourir pour sa patrie
C’est le sort le plus beau
La plus digne d’envie
(Chết cho đất nước của mình
Là cái chết đẹp nhất
Thanh thản tuyệt vời nhất)
Anh hô lớn: “Việt Nam vạn tuế! Việt Nam vạn tuế!”
Chiếc gông đã khớp vào cổ anh. Tiếng hô: “Việt Nam…” bị đứt đoạn. Đầu anh văng ra, cơ miệng anh theo quán tính còn mấp máy một thoáng.
Phía dân chúng đứng xem bỗng vang lên tiếng hô: “Đả đảo thực dân Pháp dã man!”. Những tiếng phụ họa “đả đảo, đả đảo” ầm ầm, buộc đám cảnh binh phải dùng tới dùi cui.
Viên công sứ De Bottini giơ tay xem đồng hồ. Đầu Nguyễn Thái Học rơi khỏi cổ lúc 5 giờ 35 phút, ngày 17 tháng 6 năm 1930 tức 21 tháng 5 Canh Ngọ.
Các anh hùng của Việt Nam thân xác và máu họ đã thấm vào lòng đất mẹ, đễ tên tuổi đi vào lịch sử và trường với thời gian. 83 năm đã qua, lòng người dân Việt luôn ghi nhớ đến công ơn của những đoá hoa máu của đầu thế thế kỷ 20 đã vị quốc vong thân vì chữ Độc lập, Tự Do và Hạnh Phúc.
Một nén hương lòng tưởng nhớ những anh hùng đã chết để quê hương và dân tộc trường tồn.

Tù nhân Việt Nam. Ảnh chụp năm 1908.

No comments:

Post a Comment