Quyết tâm đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc bị nhiều quốc gia phản đối.Thanh Phương / RFIVào lúc căng thẳng gia tăng do tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các nước láng giềng, Trung Quốc lần đầu tiên đã phát hành các bản đồ thể hiện toàn bộ các đảo ở Biển Đông, cũng như các đảo đang tranh chấp với Nhật ở biển Hoa Đông. Hôm qua, 11/01/2013, Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG) thông báo vừa phát hành bản đồ mới của Trung Quốc, với định dạng chiều dọc, lần đầu tiên có đánh dấu rõ toàn bộ 130 đảo lớn nhỏ ở Biển Đông.
Các bản đồ cũ của Trung Quốc cho tới nay, với định dạng chiều ngang, chỉ thể hiện những đảo lớn như quần đảo "Tây Sa" ( tức Hoàng Sa theo tên gọi Việt Nam) và "Nam Sa" (tức Trường Sa theo tên gọi Việt Nam).
Ở góc dưới cùng bên trái của bản đồ mới còn có phần phóng to quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, quần đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Nhật.
Theo Tân Hoa Xã, bản đồ mới, do nhà xuất bản Sinomaps ấn hành, sẽ được bán ra công chúng vào cuối tháng Giêng tới. Đại diện của nhà xuất bản này tuyên bố với Tân Hoa Xã rằng bản đồ mới « có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về chủ quyền quốc gia, bảo vệ quyền và các lợi ích về hàng hải, cũng như thể hiện lập trường ngoại giao chính trị Trung Quốc. »
Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã cho in trên hộ chiếu mới một bản đồ có tính chất áp đặt chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, gọi là bản đồ « đường lưỡi bò ». Hành động này đã bị Philippines và Việt Nam phản đối kịch liệt.
Bên cạnh việc phát hành bản đồ mới, Trung Quốc hôm qua còn tuyên bố sẽ tăng cường tuần tra trên biển và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên để « bảo vệ chủ quyền » của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tờ China Daily trích lời ông Lưu Tứ Quý, Cục trưởng Cục hải dương Trung Quốc, nói rằng các tranh chấp lãnh thổ đã leo thang trong năm 2012, nên Trung Quốc phải tăng cường bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực. Ông Lưu Tứ Quý tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến tuần tra thường xuyên đến vùng "quần đảo Điếu Ngư" (Senkaku) và "biển Hoa Nam" (Biển Đông).
Trong phần bình luận, tờ China Daily cáo buộc các nước Nhật Bản, Philippines và Việt Nam là đã « làm tăng nhiệt độ trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. » Tờ báo Trung Quốc cũng cho rằng ba nước nói trên đang tìm hậu thuẫn từ các nước ngoài khu vực cho những « đòi hỏi vô căn cứ » của họ.
Hiện giờ, phản ứng của Bắc Kinh chủ yếu nhắm vào Tokyo, nhất là sau khi có tin chiến đấu cơ Nhật Bản đuổi máy bay quân sự Trung Quốc trên biển Hoa Đông hôm thứ Năm vừa qua. Cụ thể, hôm đó, Nhật Bản đã điều hai chiến đấu cơ F-15 bám sát một phi cơ vận tải Y-8 của Trung Quốc, bị xem là xâm nhập vùng phòng thủ của Nhật trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh liền gởi hai chiến đấu cơ J-10 đến chặn máy bay của Nhật.
Trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định là các chiến đấu cơ của Trung Quốc vẫn thực hiện các chuyến bay tuần tra thường lệ trên không phận của nước này ở biển Hoa Đông. Về phần Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua cáo buộc là chính các chiến đấu cơ của Nhật Bản làm xáo trộn các chuyến bay tuần tra thường lệ của phi cơ Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment