Tuesday, January 29, 2013

Trung Quốc nhúng tay vào biển Bắc Cực



Đói tài nguyên thiên nhiên nên Trung Quốc đang tích cực khai thác Bắc Cực. Ngại thế giới lo ngại trước tham vọng của mình, Bắc Kinh chuyển sang cách tiếp cận mềm hơn: nhấn mạnh thăm dò và nghiên cứu hơn là khai thác.

Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc từng đi qua Bắc Băng Dương 5 lần. Ảnh: Getty Images.
Trung Quốc mon men vào biển Bắc Cực hồi mùa hè năm 1999, khi tàu phá băng khổng lồ Xue Long (Tuyết Long - Rồng Tuyết) của nước này bất ngờ cập cảng gần cửa sông Mackenzie của Canada đổ ra Bắc Bắc Dương, mà lực lượng tuần duyên nước này không hay biết.
Tuyết Long dài 170m, nặng 21.000 tấn thông báo với nhà chức trách Canada ý định bơi vào vùng biển Bắc Cực của nước này, nhưng không được thông qua.
Ngày nay, sự xuất hiện bất ngờ như vậy có lẽ không xảy ra, vì các quốc gia quanh Bắc Cực thường xuyên cảnh giác với những vị khách đến từ Trung Quốc.
“Mối quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực làm gia tăng sự quan ngại, thậm chí sự báo động trong cộng đồng quốc tế”, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm nhận định.
Các nhà phân tích nhận định: Trung Quốc đang đói tài nguyên thiên nhiên mà Bắc Cực thì giàu tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn khẳng định mối quan tâm của mình trong khu vực trước hết là vì mục đích nghiên cứu, rằng Bắc Cực có thể soi tỏ một số vấn đề về biến đổi khí hậu, gợi mở những tuyến hàng hải hữu ích…
Theo các nhà phân tích, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có chiến lược chính thức về Bắc Cực, không nói nhiều về nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực, nhất là vì nước này hiện có thể kiếm được tài nguyên thiên nhiên ở nơi khác, như châu Phi.
Tuy nhiên, cũng vì một lý do khác là Trung Quốc đã nhận ra rằng, mình cần phải khôn khéo khi đề cập mối quan tâm Bắc Cực và không làm các quốc gia vùng cực lo lắng như trước.
“Hiện nay, Trung Quốc không tiến hành hoạt động thăm dò nào ở Bắc Cực”, Đại sứ Trung Quốc tại Na Uy Zhao Yun phát biểu tại Hội nghị Biên giới Bắc Cực ngày 21-1 ở Na Uy.
Trung Quốc quan tâm hơn tới việc cùng các nước khác nghiên cứu “các vấn đề xuyên khu vực”, ông Zhao Yun nói.
Đại sứ Zhao nói rằng, Trung Quốc muốn hợp tác với tất cả bên liên quan, kể cả người dân bản xứ và mong được Hội đồng Bắc Cực cho làm quan sát viên.
“Trung Quốc đặc biệt thận trọng với thông điệp mà họ gửi đi”, ông Leiv Lunde, Giám đốc Viện Fridtjof Nansen (tổ chức độc lập của Na Uy chuyên nghiên cứu chính sách quản lý tài nguyên, năng lượng và môi trường), nhận định.
Ngoài Bắc Cực, nhiều chủ doanh nghiệp Bắc Kinh cũng để mắt tới đảo quốc Bắc Cực Greenland (nước tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch).
Ngay sát thủ đô Nuuk của Greenland, một công ty Anh bắt tay với các nhà tư bản tài chính Trung Quốc để khai thác một mỏ quặng sắt khổng lồ, với tổng mức đầu tư khoảng 1,7 tỷ euro (gần 2,3 tỷ USD).
Hơn 2.300 công nhân Trung Quốc sẽ làm việc tại mỏ, tăng dân số của Greenland thêm 4%.
Theo bà Sara Olsvig, nghị sĩ Đan Mạch đại diện một đảng ly khai ở Greenland, Greenland chưa quyết định cấp phép dự án khủng của Trung Quốc, nhưng nước này sẽ hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực khai khoáng. Tuy nhiên, người Greenland lo quá nhiều lao động giá rẻ sẽ đổ vào hòn đảo này.
Kế hoạch dài hạn
Tại Hội nghị Biên giới Bắc Cực tuần trước, Đại sứ Trung Quốc Zhao Yun giải thích tại sao nước ông tập trung vào Bắc Cực. Vùng đông bắc Trung Quốc trải dài tới gần 50 độ vĩ bắc, nên nước ông là “một quốc gia gần Bắc Cực”.
Vì tiềm năng của Bắc Băng Dương ngày càng rõ, nhiều nước tăng hiện diện quân sự trong khu vực (Trong ảnh: tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ nổi lên xuyên băng ở Bắc Băng Dương hồi tháng 3-2011). Ảnh: US Navy.
Theo cách lập luận của ông Zhao, đảo Sylt của Đức nằm ở 54 độ vĩ bắc cũng được coi là “gần Bắc Cực” - điều mà nhiều nhà nghiên cứu cho là buồn cười.
Ông Zhao nói: “Nghiên cứu Bắc Cực của Trung Quốc vẫn ở giai đoạn khởi động”. Năm 2004, Trung Quốc thành lập trạm nghiên cứu trên đảo Spitsbergen của Na Uy.
Viện Nghiên cứu Địa cực ở thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đào tạo các nhà khoa học chuyên sâu về Bắc Cực, trong khi nước này đang đóng mới một tàu phá băng dài 120m, với sự giúp đỡ của Phần Lan.
Đến nay, tàu phá băng Tuyết Long tới khu vực Bắc Cực năm lần, lần cuối là vào mùa hè năm 2012, khi tàu đi Iceland qua Bắc Cực tới eo biển Bering. Khi tàu vào vùng biển Spitsbergen, lực lượng bảo vệ bờ biển Na Uy có mặt tại đó để canh chừng, khác hẳn vụ việc năm 1999.
“Trung Quốc đổ nhiều tiền của nghiên cứu Nam Cực hơn là Bắc Cực”, ông Lunde nói. Hiện nay, Hệ thống Hiệp ước Nam Cực cấm sử dụng tài nguyên thiên nhiên của khu vực này, nhưng lệnh cấm có thể được dỡ bỏ trong những thập kỷ tới. “Có thể Trung Quốc đang chuẩn bị. Họ rất giỏi lập kế hoạch dài hạn”, ông Lunde nhận định.
 

No comments:

Post a Comment