Sunday, August 25, 2013

Tự do cho tất cả tù nhân lương tâm

Phương Uyên Chỉ Là Khởi Đầu
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Việc nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên được giảm án từ 6 năm tù giam xuống còn 3 năm tù treo và được về với gia đình là một dấu hiệu tích cực. Hiện nay chúng ta có cơ hội tranh đấu cho tự do của tất cả tù nhân lương tâm vì Việt Nam đang cần Hoa Kỳ hơn là Hoa Kỳ cần Việt Nam trong cả hai lãnh vực kinh tế và chính trị. Việt Nam đang cần phát triển mậu dịch với Hoa Kỳ và khối tự do để cứu vãn nền kinh tế tuột dốc. Việt Nam cũng đang đi tìm điểm tựa chính trị để đối phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc.
Ngày 24 tháng 7, BPSOS công bố lộ trình gồm 3 bước để đòi tự do cho tất cả tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, mà chúng tôi có danh sách gồm khoảng 600 người. Trong đó khoảng 150 người được quốc tế công nhận và khoảng 450 người, đa phần thuộc các sắc dân thiểu số, chưa được mấy ai biết đến và quan tâm. Lộ trình này được nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế ủng hộ.
Ở bước thứ nhất của lộ trình này, trong thời gian rất ngắn sau khi Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang từ Hoa Kỳ về, chính  quyền Việt Nam cần chứng tỏ thiện chí bằng cách trả tự do cho khoảng chục trường hợp nổi bật và được chính phủ Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm. Trước sức ép từ nhiều phía, tôi tin rằng Việt Nam sẽ thoả đáng điều này trong thời gian sắp tới đây.


Bước thứ hai là đến cuối năm nay, quanh thời điểm Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc Tổng Thống Barack Obama ở bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN ở Brunei và cuộc đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn, phía Việt Nam sẽ trả tự do cho số 150 tù nhân lương tâm được quốc tế công nhận. Bước này cam go hơn và đòi hỏi áp lực rất mạnh từ Hoa Kỳ và quốc tế.
Bước thứ ba là đến cuối sang năm, Việt Nam sẽ tuần tự trả tự do cho số 450 tù chính trị còn lại. Đây là thời gian cần thiết để quốc tế phối kiểm và phía Việt Nam xác nhận từng trường hợp một, và xác nhận đến đâu thì trả tự do đến đó.
Muốn đạt được 3 bước kể trên, chúng tôi đang tăng nỗ lực vận động Hoa Kỳ và quốc tế cho từng hồ sơ một để tránh tình trạng chính quyền Việt Nam chỉ nhượng bộ tượng trưng nhằm giảm áp lực quốc tế trong giai đoạn rồi đâu lại hoàn đó. Muốn vậy, tập thể người Việt ở hải ngoại cần chia nhau ra để mỗi nhóm tập trung vào một số trường hợp riêng biệt nhằm rải đều sự chú ý, cho đến khi tất cả tù nhân lương tâm được tự do.
Một cách cụ thể, mỗi tù nhân lương tâm sẽ cần những can thiệp đa phương sau đây:
(1)    Có dân biểu đỡ đầu và liên tục lên tiếng trực tiếp hay qua Bộ Ngoại Giao
(2)    Nằm trong danh sách can thiệp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
(3)    Có sự theo dõi của Uỷ Hội Nhân Quyền và các cơ quan LHQ
(4)    Có sự yểm trợ của lực lượng nhân quyền quốc tế
Chẳng hạn, trường hợp của Nguyễn Phương Uyên đã được DB Ed Royce và DB Christopher Smith nhắc nhở nhiều lần tại 4 buổi điều trần liên tiếp trong tháng 4 và tháng 6. Nữ DB Sheila Jackson-Lee (Dân Chủ, TX) đã đồng  ý nhận đỡ đầu Nguyễn Phương Uyên qua chương trình “Đỡ đầu một tù nhân lương tâm” do BPSOS khởi xướng. Do áp lực của các vi dân biểu, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nêu trường hợp Nguyễn Phương Uyên với phái bộ Việt Nam ở LHQ tại Nữu Ước. Trong chuyến đi Việt Nam mới đây, Ông Hunter Strupp, nhân viên lập pháp về chính sách đối ngoại của DB Ed Royce, cũng đã nêu trường hợp Nguyễn Phương Uyên. Hồ sơ về Nguyễn Phương Uyên cũng đã được nộp cho Uỷ Hội Về Tình Trạng Nữ Giới của LHQ vào cuối tháng 7 vừa rồi.
Chúng ta sẽ phải tranh đấu cho sự can thiệp đa phương như vậy cho từng trường hợp tù nhân lương tâm một, cho đến khi hoàn tất lộ trình 3 bước kể trên.
Muốn đạt mục tiêu của 3 bước này, chúng tôi đang rất cần sự tiếp tay của nhiều đồng hương từ việc thu thập thông tin và biên soạn hồ sơ cho đến vận động các dân biểu và các tổ chức nhân quyền ở Hoa Kỳ và khắp thế giới tự do đỡ đầu. Mỗi người góp một tay, chúng ta sẽ giải thoát cho các tù nhân lương tâm khỏi cảnh tù tội. Được vậy, chúng ta sẽ đóng góp lớn lao cho việc bảo vệ và phát huy đội ngũ tiên phong của nền dân chủ tương lai.
Chúng tôi lưu trữ nơi đây các số hồ sơ đang vận động trả tự do trong bước 1, để mọi người tuỳ nghi sử dụng trong một nỗ lực chung trải rộng toàn cầu. Để lấy thêm thông tin, xin liên lạc: bpsos@bpsos.org.

No comments:

Post a Comment