Theo tin từ Đại sứ quán Australia, tàu chiến HMAS Ballarat thuộc Hải quân Hoàng gia nước này đã gặp phải một lỗi động cơ và đi thẳng tới Singapore, thay vì ghé vào TP. Hồ Chí Minh như dự định.
Tàu chiến HMAS Ballarat. Ảnh: The Age
Theo kế hoạch, chiếc tàu chiến này sẽ ghé thăm TP. HCM từ ngày 22-26/8 cùng 28 sỹ quan và 156 thủy thủ. Chuyến thăm lần này nhằm tăng cường quan hệ giữa Australia và Việt Nam cũng như giữa hải quân hai nước. “Đây sẽ là một điểm nhấn trong hải trình của tàu”, thuyền trưởng Matthew Doornbos từng khẳng định.
Song, với lý do là lỗi động cơ, tàu HMAS Ballarat đã phải thay đổi lịch trình và đi thẳng tới Singapore.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số thành viên ASEAN đang diễn ra quyết liệt. Trong khi đó, cả Úc và Singapore đều là những nước trước đó từng tìm được tiếng nói chung khi khẳng định sẽ không tham gia vào tranh chấp chủ quyền trong khu vực này.
HMAS Ballarat là tàu khu trục lớp ANZAC. Nó được trang bị tên lửa dẫn đường, tên lửa đối không đã cải tiến Sea Sparrow, tên lửa đối hải Harpoon Block 2, súng máy 127mm MK45 và sáu ống phóng lôi MK32 và có thể thực hiện các nhiệm vụ đối không, đối hải, chống ngầm, hải thám, trinh sát và đánh chặn. Tàu nặng 3.600 tấn và dài 118m. Tàu HMAS Ballarat có sân đỗ cho trực thăng Sea Hawk S-70B-2 và có thể đạt tốc độ tối ta 27 hải lý.
Ngoại trưởng Úc: Không thể tin Trung Quốc trên Biển Đông
Bộ trưởng Ngoại giao Úc đánh giá những tranh chấp trên Biển Đông đang khiến lòng tin chiến lược của ASEAN dần mất đi, mà nguyên nhân nằm nhiều ở Trung Quốc – nước không hề có ý định tạo dựng niềm tin trong khu vực, khiến nguy cơ của một cuộc xung đột thực sự ngày càng cận kề.
Nói một đằng, làm một nẻo, Trung Quốc đã đánh mất niềm tin trong cộng đồng ASEAN. Ảnh minh họa: Diplomat
Trong bài phát biểu trước nhiều học giả trong nước và nhiều chuyên gia an ninh đến từ Trung Quốc và Đông Nam Á tại một diễn đàn được Viện chính sách chiến lược Úc tổ chức trong tuần này, Ngoại trưởng Bob Carr cho rằng căng thẳng trên Biển Đông đang đi vào bế tắc. Điều đáng lo ngại, theo ông Bob, là các nước trong khu vực đang dần tách xa nhau kể từ khi bùng phát các tranh chấp.
Ông Bob cũng nhấn mạnh rằng sẽ khó tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để vượt qua bế tắc hiện nay? Bởi nhiều nước, nhất là Trung Quốc, sẽ không tạo được cơ sở để xây dựng lòng tin chiến lược.
Còn nhớ, trong Đối thoại Shangri-La 2013 (tại Singapore) hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược trong khu vực để đối phó với các vấn đề nhạy cảm và khó khăn nảy sinh trong tình hình mới ngay trong phần phát biểu khai mạc.
Thế nhưng, Bắc Kinh đã nhiều lần bất nhất trong các phát ngôn và cách hành xử khi hiện diện trên Biển Đông. Từ việc tuyên bố lấp lửng về COC cho tới việc khẳng định đang chấp hành đúng DOC nhưng thường xuyên tập trận răn đe trên khu vực, Trung Quốc đang cho thấy sự thiếu nhất quán khi can dự vào Biển Đông.
Trên Washington Times, nhà địa chiến lược Brahma Chellaney cho rằng chiến thuật và chiến lược của chính quyền Bắc Kinh đang đặt ra một mối thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với các quốc gia láng giềng. Theo đó, các nước nhỏ đang bị dồn ép vào thế tiến thoái, lưỡng nan.
Trong khi đó, tạp chí Diplomat từng cảnh báo một cuộc chiến tranh tâm lý đang được Trung Quốc thúc đẩy, nhằm “không tốn sức” mà vẫn giành được lợi thế trong các xung đột. Nhận định về các động thái tập trận liên tiếp trong thời gian gần đây, bài viết ngày 16/8 trên tờ báo này đánh giá Bắc Kinh đang muốn gửi các thông điệp chính trị, đẩy các nước trong khu vực vào bàn đàm phán một cách ép buộc, thay vì có sự xuất hiện của một bên thứ ba.
Chính sự thúc ép, dọa nạt từ Trung Quốc trên Biển Đông lại đang vô hình thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước trong khu vực với Mỹ hay Nhật Bản, trang atimes.com bình luận. Đào sâu hơn về quan điểm này, giáo sư chiến lược học James Holmes thuộc Đại học Hải quân Mỹ nhận định trên tờ International của Nga rằng nếu có xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc trên biển, Bắc Kinh sẽ còn dùng cả tàu cá để xua đuổi tàu chiến Mỹ khi mà lực lượng vũ trang của Trung Quốc chưa đủ sức mạnh để đối trọng với Hải quân Hoa Kỳ, ít nhất là trong thời điểm này.
‘Trung Quốc sẽ cố tình gây ‘sự cố’ trên Biển Đông’
Bắc Kinh đang dồn dập mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Hải quân khiến Thái Bình Dương, mà cụ thể là Hoa Đông và Biển Đông dần mất đi sự ổn định và đẩy các quốc gia có liên quan vào một cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt, làm tăng nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột trên biển thực sự.
Tham vọng của Hải quân Trung Quốc đang khiến Thái Bình Dương liên tục nổi sóng. Ảnh: Defense Talk
“Diễn biến hiện nay cho thấy Trung Quốc đã và đang tận dụng sức mạnh quân sự của mình nhằm đạt được mục tiêu chiến lược về chính trị”, AFP ngày 9/8 dẫn lời ông Rick Fisher - chuyên gia về các vấn đề quân sự châu Á tại Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Hoa Kỳ cho hay.
Trên SCMP ngày 9/8, Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách quốc phòng và sức mạnh biển thuộc đại học Thượng Hải Nghê Lạc Hùng tuyên bố hùng hồn rằng “tranh chấp tại Senkaku là phép thử sự quyết tâm và khả năng của Trung Quốc trên Biển Đông”. Động thái này tiếp nối chuỗi những tuyên bố kích động của các học giả Trung Quốc về căng thẳng trên cả Hoa Đông và Biển Đông. |
Theo đó, việc 5 tàu chiến thuộc Hải quân Trung Quốc (PLAN) “khóa” Tokyo bằng việc tuần tra trọn một vòng quanh Nhật Bản hồi cuối tháng 7 đã thể hiện rõ ý đồ bành trướng của Bắc Kinh trên Hoa Đông. Chưa hết, căng thẳng tiếp tục được đẩy lên cao khi 4 tàu công vụ Trung Quốc vẫn cố chấp lưu lại trên lãnh hải Nhật 28 tiếng (từ sáng ngày 7 tới trưa ngày 8/8) – thời gian quấy rối lâu nhất trong tổng số 56 lần xâm phạm từ năm 2012. Dù Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 8/8 đã trao công hàm phản đối nhưng phía Trung Quốc vẫn khăng khăng “không thể chấp nhận”.
Cùng thời điểm, truyền thông Trung Quốc rầm rộ loan tin tàu sân bay đầu tiên của nước này đã sẵn sàng trực chiến, đồng thời, Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Tống Học còn loan báo sẽ còn có thêm nhiều chiếc tàu sân bay khác sớm được đưa vào hoạt động. Thông tin được đưa ra ngay sau khi Nhật cho hạ thủy tàu chiến Izumo cỡ lớn cho lực lượng phòng vệ - một đối trọng với tàu Liêu Ninh của Trung Quốc.
Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc họp với Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 30/7 đã khẳng định tham vọng muốn biến Trung Quốc thành một “cường quốc hải quân”. Theo nhận định của ông Fisher, để được công nhận là “một cường quốc biển”, Trung Quốc còn triển khai lực lượng với quy mô rộng lớn hơn tới khu vực Châu Phi và Mỹ La tin. Dù đệm lời “gác lại các tranh chấp”, nhưng giới phân tích đánh giá điều này chỉ khiến mối đe dọa về một cuộc xung đột gia tăng, theo AFP.
Tham vọng tiến xa và phá vỡ sự ổn định trên Thái Bình Dương, mà cụ thể là tại Hoa Đông và Biển Đông càng được thể hiện rõ trong bài viết khiêu khích trên tờ Nhân dân Nhật báo hôm 2/8. Theo đó, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định Hải quân nước này đã có thể “xuyên thủng” chuỗi đảo thứ nhất bao gồm các quần đảo của Nhật Bản, đảo Đài Loan và phía bắc Philippines và sắp tiến tới chuỗi đảo thứ hai ở phía tây Thái Bình Dương.
“Việc tuần tra liên tục tại những vùng biển nhạy cảm đang cho thấy Bắc Kinh muốn phát đi một tín hiệu rõ ràng về tham vọng “bảo vệ lợi ích” trên những vùng biển vượt ngoài lãnh thổ của Trung Quốc”, ông Jonathan Holslag thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc ở Brussels khẳng định.
Trong một diễn biến liên quan, tờ Tân Minh vãn báo hôm 8/8 cho biết tàu huấn luyện Trịnh Hòa của PLAN sẽ tuần tra phi pháp quanh các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông sau khi kết thúc chuyến thăm hữu nghị Malaysia từ ngày 16-19/8 tới đây.
Tuy nhiên đây cũng chỉ là một trong số những động thái xâm phạm, gặm nhấm Biển Đông mà Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế để thực hiện nhằm duy trì yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý. AFP cho biết Bắc Kinh vẫn tiếp tục thực hiện các tour du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong khi trước đó, Kyodo News dẫn tài liệu mật từ chính phủ Philippines cho hay Trung Quốc đang chiếm đóng và bao vây Biển Đông một cách trắng trợn.
“Tuy hiện nay chưa có một cuộc chiến thực sự nào diễn ra nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc không có xung đột trong tương lai. Diễn biến đang cho thấy Bắc Kinh sẽ còn tạo vòng vây quanh Nhật Bản nhiều hơn nữa. Quan trọng hơn, một khi Trung Quốc đạt được khả năng cần có, quốc gia này sẽ rất dễ bị cám dỗ bởi một cuộc chiến, hay liều lĩnh tạo ra những “sự cố” nhằm tiến hành một cuộc chiến quy mô nhỏ, mà trong đó, họ nghĩ rằng phần thắng sẽ thuộc về mình”, ông Fisher khẳng định.
Trang mạng Valuewalk (Mỹ) ngày 6/8 cho rằng biện pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp biển trên Biển Đông là các thành viên của ASEAN cần tăng cường hợp tác hải quân hay “ngoại giao hải quân”, tăng cường tập trận chung để đối phó với các thách thức trên biển. |
Trung Quốc thúc đẩy chiến tranh tâm lý trên Biển Đông
Nguy cơ của một cuộc xung đột thực sự trên Biển Đông vẫn đang bập bùng cháy, nhưng một cuộc chiến tâm lý cao độ đã và đang diễn ra trên tuyến đường thương mại quan trọng và đang bị “giằng xé” này.
Ảnh minh họa: Diplomat
Trên Diplomat, nhà nghiên cứu Aaron Jensen - người từng phục vụ 7 năm trong Không quân Mỹ và đang theo học tiếng Trung tại Đại học Đài Loan NTNU ở Đài Bắc và viết cho trang Tầm nhìn chiến lược cho An ninh Đài Loan - nhận định: với việc hé lộ các mẫu máy bay mới, mà gần đây nhất là mẫu Gaoxin-7 (Cao Tân 7), Bắc Kinh đang âm thầm chuẩn bị cho một cuộc chiến tâm lý.
Nhiệm vụ chính của loại máy bay PSYOP (Psychological Operations - hoạt động tâm lý) này là chống lại lực lượng thù địch. Dù không tiết lộ quá nhiều về chi tiết của mẫu máy bay mới, song, truyền thông Trung Quốc đã ca ngợi Cao Tân 7 khi so nó với chiếc C-130 của quân đội Mỹ. Theo đó, khả năng truyền tín hiệu của C-130 mạnh đến mức trong các cuộc thử nghiệm, Mỹ thường phải triển khai nó ở cách bờ biển ít nhất 360km để tránh gây ảnh hưởng tới các hệ thống liên lạc dân sự. Trong quá khứ, Lầu Năm Góc từng sử dụng C-130 để kêu gọi binh sỹ Iraq đầu hàng mà không có một chút chống cự. Gần đây hơn, nó còn tham gia chiến dịch không kích Libya và truyền các thông điệp kêu gọi binh sỹ Libya từ bỏ chiến đấu, trở về quê nhà.
Giới phân tích đánh giá rằng Cao Tân 7 chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong các tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng trong tương lai gần. Trong đó, Đài Loan sẽ được coi là một phép thử quan trọng bởi theo Diplomat, kể từ thời của ông Mao Trạch Đông, chính sách khuyến khích lính của đối phương đầu hàng đã được Bắc Kinh áp dụng. Tới nay, khi được “cộng hưởng” với PSYOP thì quả sẽ là một kịch bản khó lường.
Sau phép thử Đài Loan, các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông sẽ là mục tiêu tiếp theo, Diplomat dẫn lời các chuyên gia quân sự cho hay. Tờ báo này còn cho rằng xét riêng về tiềm lực quân sự, PLA đã vượt xa quân đội các nước tại khu vực này. Do đó, Cao Tân 7 sẽ có thể được triển khai tới một số đảo do Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền trên vùng biển “nóng” này.
Không những vậy, nhìn lại cả quá trình “tấn công” ASEAN trên phương diện ngoại giao bằng các tuyên bố dọa nạt từ các học giả hiếu chiến cũng như một số quan chức Trung Quốc có thể thấy rõ các đòn tâm lý mà Bắc Kinh đang dồn dập tung ra nhằm chia rẽ nội bộ ASEAN cũng như tăng cường ảnh hưởng lên khu vực.
Trên Asia One ngày 15/8, Andrew Chubb – học giả thuộc quỹ The Jamestown Foundation – cho rằng các phát ngôn hiếu chiến từ các tướng tá của PLA đang tuyên truyền cho một chính sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên các vùng lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông. Ông Chubb đánh giá “hệ thống tuyên truyền” này đang tăng theo từng giai đoạn và ngày càng hung hăng hơn, mà tiêu biểu trong số đó là La Viện.
Song song với đó, sự lấn lướt của Bắc Kinh còn được thể hiện qua hàng loạt các động thái quân sự dưới lớp vỏ dân sự ngay tại Trường Sa của Việt Nam. Trong khi đó, trên Hoàng Sa, Bắc Kinh vẫn luôn bám rễ một cách cố chấp bằng việc củng cố thành phố Tam Sa phi pháp bất chấp sự phản đối từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như các điều luật quốc tế mà chính Trung Quốc đã ký kết.
Nếu không vượt qua được chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh tâm lý sẽ có thể cháy bùng lên một nấc mới và xung đột vũ trang trên Biển Đông là điều khó tránh khỏi, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy Linda Jakobson bình luận trên mạng Quan hệ an ninh quốc tế (ISN) hồi cuối tháng 6.
No comments:
Post a Comment