“Sài Gòn tạp nham, Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn cái gì cũng có… Đúng rồi, cướp hiếp giết, Sài Gòn cũng có luôn. Nhiều là đằng khác. Ở thành phố này, niềm tin vào tình người, vào cuộc sống bị ăn gần hết rồi!”
Chân dung loài động vật ăn niềm tin
Người ta bảo là đi Hà Nội thì cẩn thận chặt chém, còn đến Sài Gòn thì coi chừng cướp giật lừa đảo. Là con dân Sài Gòn suốt 22 năm, mình rất muốn đứng phắt dậy mà phản biện nhưng sự thật xấu xí đó vẫn ngày ngày ngồi chần dần ngay trên mặt báo, trên News Feed của Facebook, thậm chí vài lần ngay trước mặt! Mình đành thở dài đánh sượt mà thừa nhận. Dạo này Sài Gòn tệ nạn nhiều thiệt. Muôn hình vạn trạng luôn! Thủ đoạn càng tinh vi. Quy mô thì mở rộng. Đối tượng rất đa dạng. Thiệt hại thêm nghiêm trọng. Tần suất lại tăng cao!
Cướp giật lừa đảo biến hình thành một con thú tham ăn và lắm trò. Có lúc nó ẩn mình vào bóng tối để chực chờ triệt hạ nạn nhân. Có lúc nó trắng trợn gây án giữa ban ngày. Thâm hiểm hơn, có lúc nó trá hình người lương thiện để kiếm ăn. Hành tung thoắt ẩn thoắt hiện của con quái này khiến cơ quan chức năng đau đầu, khiến người dân bất lực và quay cuồng phó mặc số phận dưới nanh vuốt của nó. Nó bao trùm cả đường lớn lẫn hẻm nhỏ khiến chúng ta ngộp ngạt và sợ hãi. Nó ở đâu? Nó đang giả dạng ai? Lúc nào nó sẽ nhảy bổ vào mình? Một cách thong thả, con quái vật ăn dần niềm tin của người Sài Gòn. Một số cư dân ở đây dần dần trở thành một đám người sợ sệt, lãnh đạm, và bàng quan. Tình người cũng vì vậy mà héo mòn và khan hiếm.
Thế nó ở đâu ra?
Loài động vật này thực chất là sản phẩm của những bất ổn xã hội. Bất ổn thì lại đến từ tệ nạn. Mà thời buổi này thì cái gì cũng đẻ ra tệ nạn được. Từ những thứ vĩ mô như lạm phát, thất nghiệp, giáo dục, y tế cho đến những biến động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày như giá vé xe bus tăng, giá xăng tăng, hay một comment bỡn cợt trên facebook… Lũ này tạo ra những thành phần bất mãn, nhân vật chính của tệ nạn xã hội. Nói ra thì học thuật và khô khan nhưng đó là tất cả những gì mà một thành phố lớn như Sài Gòn thường phải đối mặt.
Ngoài ra Sài Gòn còn được xem là miền đất hứa nhưng thật ra nó chả hứa với ai cả. Toàn là người ta tự hứa với lòng, với bà con họ hàng là sẽ đổi đời khi vào Sài Gòn thôi. Dân cư bốn phương, đủ loại vùng miền, tầng lớp, gia cảnh, lý lịch trích ngang… cứ nườm nượp đổ vào Sài Gòn mà kiếm sống. Có người thành công thì giàu nứt đố đổ vách, có người thất bại thì nghèo đến mức ăn tuyết nằm sương. Và không phải ai đói nghèo giữa một thành phố phồn hoa, sung túc cũng đủ bản lĩnh để giữ đôi bàn tay mình trong sạch.
Nói chung, con quái này sinh ra không phải lỗi của một người cụ thể. Nó là một phần của xã hội. Thời nào cũng có nó. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là, chúng ta có kiểm soát nó được không, hay phải ngậm ngùi chấp nhận cho nó làm xằng làm bậy?
Nó đã làm gì? Chúng ta phải làm gì?
Bạn Đại học của tôi cũng toàn sinh viên tỉnh. Bọn nó hay đùa rằng sống ở Sài Gòn vui, nhưng “vui là chín(h), cảnh giác là mười.”
Con thú cướp giật lừa đảo ở Sài Gòn giở nhiều chiêu lắm. Nạn nhân của nó, hên thì của đi thay người (nhẹ thì tiền, điện thoại, xe; nặng thì nhiều khi bị lừa vài tỷ khi mua bất động sản,…). Xui thì cũng nhiều mức độ, có khi mất một phần cơ thể hay tệ hơn là chết mất xác đâu đó ở mấy cánh đồng quận 2. Theo số liệu của các cơ quan chức năng thì trong 5 tháng đầu năm 2013, đã có đến 2500 vụ phạm pháp hình sự xảy ra tại Sài Gòn. Nghe mà hốt hoảng! Bất giác tôi tự cảm thấy mình may mắn khi giờ này còn sống ngồi đây mà gõ những dòng này.
Nhiều lúc vận xui đến từ những tình huống trớ trêu. Đây là kinh nghiệm xương máu của bản thân tôi. Hồi tháng 3, tôi nhiệt tình làm thanh niên nghiêm túc và tham gia chiến dịch Giờ Trái Đất. Các tình nguyện viên trong mắt tôi ai cũng dễ thương và hết lòng trong công việc. Tôi tự hào lắm! Thế mà trong đêm nhạc hội, giữa lúc bầu không khí đang nóng hổi, tôi được bao vây trong vòng tay thân ái và đoàn kết của các bạn tình nguyện viên, tôi bị móc mất bé Samsung chưa tròn 1 tháng tuổi! Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn còn tiếc ngẩn ngơ.
Rồi một lần tôi đọc trên Facebook một bạn gái kể lại hôm ấy ở đường Nguyễn Văn Cừ, bạn ấy được một đứa trẻ xin quá giang. Nhưng vì cảnh giác nên bạn ấy đã từ chối. Đứa trẻ đành nhở vả một người phụ nữ gần đó. Sau đó người phụ nữ chở đứa trẻ đi. Một lúc sau bạn gái ấy chứng kiến người phụ nữ đó bị chặn xe đánh đập dã man và bị vu cho là cướp xe và bắt cóc trẻ con. Lũ người xấu sau khi đánh cô ta một trận liền cướp xe và xách đứa trẻ bỏ chạy. Nạn nhân thì la hét cầu cứu trong vô vọng, người xung quanh thì ngơ ngác và bất lực, không biết thực hư ra sao.
Giải pháp nào cho những công dân lương thiện?
- Ra đường đừng mang nhiều đồ quý giá.
- Ăn vận giản dị thôi kẻo bị nhầm là thành phần sang chảnh.
- Đừng đi chơi về khuya.
- Đến chỗ đông người phải cảnh giác.
- Đừng có đi một mình nơi đường vắng.
- Đừng nghe lời người lạ.
Chyện này rất đau lòng khi phải nói ra nhưng mà bây giờ đừng có quá tốt bụng với người lạ nữa. Muốn hỏi đường hay nhờ vả gì hãy kiếm công an giao thông hay chốt dân phòng mà nhờ. Biệt tài hóa trang của con quái trộm cướp lừa đảo quá thượng thừa, làm sao chúng ta có thể cảnh giác trước một đứa trẻ như câu chuyện trên chứ?
Chúng ta giết nó được không?
Tôi muốn lắm. Nhưng con quái này không phải thứ hữu hình. Muốn giết nó phải bắt đầu từ việc giải quyết những bất ổn xã hội. Nhưng chúng ta đều biết rằng đó không phải chuyện dễ dàng. Thật ra, chưa nơi nào hoàn toàn giải quyết được những vấn đề đó cả. Rõ khổ! Nhiều lúc tôi tự hỏi, có còn tình người ở cái thành phố này không khi thiên hạ chẳng còn ai dám tin ai?
Tuy nhiên tôi tin là dù háu ăn thế nào, con quái vật ăn thịt niềm tin này cũng không thể ngấu nghiến sạch sẽ được niềm tin của người Sài Gòn. Chỉ cần tôi còn nhìn thấy những bình trà đá miễn phí cho người nghèo; còn thấy tấm bảng chỉ đường vào bệnh viện Từ Dũ cho các mẹ dưới tỉnh lên thành phố sinh con; còn thấy một đám đông vực dậy một người vừa bị cướp; còn thấy một lũ sinh viên nhiệt tình tham gia Mùa Hè Xanh, Tiếp Sức Mùa Thi,…; còn thấy quyên góp giúp đồng bào lũ lụt, thì chừng ấy tôi còn tin Sài Gòn vẫn còn nhiều tình người lắm.
Chính những nghĩa cử cao đẹp này góp phần làm ấm lòng người và từ đó phục hồi lại niềm tin vào cái đẹp, vào cuộc sống, vào tình người trong mỗi chúng ta. Thách con quái kia ra tay bao nhiêu bận. Người Sài Gòn chúng ta vẫn thương nhau, vẫn vì nhau mà sống. Cứ ăn đi, con quái, rồi mày cũng sẽ phải biết no chứ!
Bị hại, người ta chửi thì chửi, than thì than. Nhưng người dân ở đây sống chung với lũ mãi cũng quen. Khi được hỏi có cảm thấy ghét và mất niềm tin vào người Sài Gòn không? Họ trả lời: “Đâu phải ai cũng vậy!” Người ta trấn an nhau: “Thôi chắc mình xui”, “Của đi thay người”, hay “Tháng cô hồn nên nó thế.”
Đúng rồi, đang tháng cô hồn đó! Mọi người ra đường nhớ cẩn thận nha.
Và đừng quên là hãy cho Sài Gòn một cơ hội!
Thế Minh
Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên, báo Đà Nẵng và một số báo mạng khác (tổng hợp từ Google)
No comments:
Post a Comment