Wednesday, August 7, 2013

Người đàn bà đào cái huyệt Watergate chôn sống Nixon

WashingtonPost1

Sau 80 năm nằm dưới sự điều hành của dòng họ Graham, tờ Washington Post buộc phải thay chủ chính thức từ ngày 5-8-2013 khi nó được bán cho ông trùm công ty Amazon Jeff Bezos với giá rẻ bèo 250 triệu USD. Đây là cái kết cuộc buồn đối với Donald E. Graham, chủ tịch kiêm CEO Washington Post Co, bất luận rằng trong 20 năm tiếp nhận ghế CEO từ mẹ mình, huyền thoại Katharine Graham, Donald đã đứng sau thành công của Washington Post với 32 giải Pulitzer (nhiều hơn bất kỳ hãng tin-báo chí nào trừ New York Times). Lượng ấn bản Washington Post đã giảm 40%, còn 507.000 bản/kỳ, kể từ 1995 đến nay; và lợi nhuận giảm 30%, còn 680 triệu USD chỉ trong 5 năm…
Thế là sau dòng họ Sulzberger (New York Times), dòng họ Chandler (Los Angeles Times), Copley (San Diego Tribune), Cowle (Minneapolis Star Tribune) và dòng họ Bancroft (Wall Street Journal), nay đến lượt dòng họ Graham phải cắn răng từ bỏ di sản báo chí mà cha ông họ từng đổ mồ hôi lẫn nước mắt để tạo dựng. Với trường hợp Graham, gia đình này đã xây dựng Washington Post như thế nào?
………..
Bà là người lột bộ mặt thật của Washington trong cuộc chiến tại Việt Nam. Bà là người đào cái huyệt Watergate chôn sống Nixon. Bà là người có sức ảnh hưởng mạnh nhất trong làng báo Mỹ hiện đại. Bà là người biến Washington Post từ một tờ báo tỉnh lẻ thành một trong những tờ báo lớn nhất nước Mỹ.

Một “grande dame”

Báo chí Mỹ gọi bà là “grande dame” (bà lớn) và Katharine Graham đã tạo ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi hoạt động báo chí mà cả trong chính trường. Huyền thoại không chỉ là danh tiếng hão khi biết rằng bà đã thật sự xoay chuyển hoàn toàn tình thế hiểm nghèo của Washington Post khi nhận từ cha và chồng mình, đưa nó lên độ cao gần như tuyệt đối với thể loại phóng sự điều tra với mẫu mực nhất có lẽ là loạt bài phanh phui Watergate. Thời điểm đầu thập niên 1960 lúc Katharine Graham tiếp nhận việc cai quản sau khi chồng tự tử, người ta vẫn chưa quen việc có mặt một gương mặt đàn bà trong ban lãnh đạo tòa soạn. Tuy nhiên, mọi chuyện đã xảy ra “như truyện cổ tích” – theo lời bà trong lễ nhận giải Pulitzer cho quyển hồi ký Personal History. Bản thân cuộc đời Katharine Graham cũng là một truyện cổ tích.
Sinh ngày 16-6-1917 tại New York City, Katharine Graham xuất thân từ gia đình danh giá, con ông Eugene Meyer – người tạo dựng cơ nghiệp từ Wall Street, một trong những giám đốc Ngân hàng dự trữ liên bang và cũng là người được bổ nhiệm vào ghế chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Thế giới. Mẹ Katharine – Agnes Ernst – từng làm phóng viên và kết thân với nhiều người nổi tiếng như nhà văn Đức Thomas Mann, Louis Brandeis (một trong những quan tòa nổi tiếng nhất lịch sử tư pháp Mỹ) và nhà điêu khắc Pháp Auguste Rodin… 5 người con gia đình Meyer được giáo dục theo truyền thống kiểu cũ. Học Trường nữ Madeira tại Virginia rồi sau đó vào Đại học Chicago, Katharine tốt nghiệp năm 1938.
Bởi quan niệm trọng nam khinh nữ phổ biến thời đó, Katharine ít được bố mẹ thật sự quan tâm. Năm Katharine 16 tuổi, không ai trong gia đình nghĩ rằng nên nói cho cô biết về chuyện bố Eugene Meyer vừa bỏ ra 825.000 USD trong một phiên đấu giá để mua tờ báo phá sản Washington Post với lượng ấn hành vỏn vẹn 50.000 bản, lỗ 1 triệu USD mỗi năm và là tờ báo đứng hạng 5 trong tổng cộng 5 tờ báo khu vực. Sau khi tốt nghiệp đại học, Katharine bước vào lĩnh vực báo chí, làm phóng viên cho tờ San Francisco News. Ngày 24-4-1939 (6 năm sau khi bố mua Washington Post), Katharine được phép gia nhập cùng đội ngũ, làm việc tại ban biên tập và bộ phận phát hành. Trong lá thư gửi cho tổng biên tập, bố cô – chủ bút Washington Post – viết: “Nếu nó (Katharine) không biết làm việc thì cứ thẳng tay đuổi”…

Sống trong bóng tối

Thủ đô Washington thời thập niên 1930 đầy những người trẻ tuổi đổ về tìm vận may từ Chính sách mới (The New Deal). Trong số đó có Philip L. Graham, dân Florida, một luật sư thành đạt làm việc tại Tối cao pháp viện. Rụt rè, ít tiếp xúc và hay mắc cỡ, cô Katharine Meyer không tin vào tai mình khi nghe lời cầu hôn của Philip. Họ lập gia đình, dự tính rằng cả hai cùng về Florida để hỗ trợ doanh nghiệp bơ sữa nhà Graham, theo ý Philip. “Tôi biết chắc mình chỉ có thể sống với hai chiếc váy vì anh ấy (Philip L. Graham) sẽ không bao giờ chịu lấy bất cứ thứ gì từ bố tôi và cuộc sống chúng tôi sẽ phụ thuộc vào những gì anh ấy kiếm được” – Katharine viết trong hồi ký. Tuy nhiên, mọi chuyện lại bất ngờ thay đổi.
Sau khi phục vụ thời Thế chiến thứ hai và có chân trong nhóm chính trị của Franklin D. Roosevelt, Philip L. Graham đã chấp nhận đề nghị của bố vợ làm việc tại Washington Post. Anh trở thành chủ bút khi 31 tuổi. Ít lâu sau, anh rơi vào con đường nghiện rượu, cáu gắt và hung tợn. Katharine phải làm bớt công việc của chồng và còn trang trải mọi chi phí gia đình từ quỹ riêng của mình, do chồng cô đang lo trả nợ hình thành từ chính những kế hoạch xây dựng Washington Post. Philip thương lượng mua đối thủ Times-Herald và lâm vào bãi chiến trường chính trị khi tờ Washington Post tổ chức chiến dịch đả kích thượng nghị sĩ Joseph McCarthy cùng chính sách chống Cộng của ông. (Sau này, Philip trở thành một những ông chủ bút có uy tín chính trường đáng kể ở Washington, khi kết thân với John F. Kennedy và chính là người thuyết phục Kennedy chọn Lyndon B. Johnson làm ứng cử viên phó tổng thống bởi Johnson là bạn của bố mình).
Năm 1957, Philip L. Graham lần đầu tiên bị đột quị. Ông hồi phục chậm nhưng cuối cùng cũng tái xuất hiện trong đời sống báo chí Washington. Năm 1961, theo lời khuyên của tay phóng viên trẻ Benjamin C. Bradlee thuộc báo Newsweek, Philip thương lượng để mua tờ tuần san này và cũng bắt đầu đồng ý cho các hãng truyền hình góp vốn bằng việc mua cổ phần. Trong cùng thời gian, Philip ngày càng dễ bị kích động và nóng tính. Katharine càng buồn khi phát hiện mối quan hệ giữa chồng bà và một nhân viên Newsweek. Đau đớn hơn, Katharine khám phá rằng chồng bà đang dựng một kế hoạch tống bà ta khỏi Washington Post và độc chiếm quyền sở hữu. Katharine trả đũa. Bà đưa ra giải pháp rằng chỉ đồng ý ly dị một khi Philip chịu từ bỏ việc quản lý một số cổ phiếu nhất định, đủ để bà có thể nắm thế đa số. Lúc này, Philip bệnh ngày càng nặng. Ông mắc phải bệnh tâm thần cuồng trí chưa có thuốc chữa vào thời điểm đó. Ngày 3-8-1963, khi từ bệnh viện trở về nhà nghỉ cuối tuần, Philip Graham – 48 tuổi – đã dùng súng săn tự tử…

Gầy dựng

Người đàn bà góa 46 tuổi quyết tâm duy trì tờ Washington Post cho đến khi nào có thể giao lại cho các con trai mình. Một tháng sau khi chồng mất, Katharine gặp ban giám đốc Washington Post, thông báo rằng tờ báo không bán và sẽ tiếp tục thuộc sở hữu gia đình bà. Được bầu làm chủ tịch Washington Post Co., cựu phóng viên ít kinh nghiệm nhưng dày dặn nghề nội trợ Katharine cảm thấy lúng túng khi nói chuyện với phóng viên, vụng về khi đối mặt các viên chức điều hành và mù tịt trước các bảng kế toán. Chỉ 10 năm sau, Katharine gần như luôn là phụ nữ duy nhất có mặt tại các cuộc họp báo quan trọng và những buổi yến tiệc thết đãi nhà báo gồm toàn phóng viên nam. Nếu có kinh nghiệm thành công nào đắt giá nhất thì đó chính là nỗ lực học hỏi không biết mệt và khả năng xây dựng niềm tin từ đồng nghiệp của Katharine. Hai năm sau khi nắm điều hành Washington Post, bà chỉ định chánh văn phòng chi nhánh Washington của Newsweek – Benjamin C. Bradlee – giữ cương vị điều hành biên tập. Chính nhân vật này là người đóng góp đáng kể cho sự nghiệp gầy dựng Washington Post của bà.
Đầu thập niên 1970 là thời điểm lột xác của Washington Post. Tháng 6-1971, tờ New York Times bắt đầu đăng bộ Hồ sơ Lầu năm góc (Pentagon Papers), tiết lộ toàn bộ âm mưu của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam. Vài ngày sau, một chánh án liên bang ra quyết định giám sát New York Times – sự kiện lần đầu tiên xảy ra trong làng báo Mỹ. Trong khi đó, Washington Post cũng tìm được bản sao bộ hồ sơ. Không khí chính trường Mỹ đang khủng hoảng và Washington Post Co. lại chuẩn bị bán cổ phiếu lần đầu tiên. Bất cứ sự cố nào cũng có thể tạo nguy cơ thiệt hại tài chính cho tập đoàn. Phần mình, Katharine nằm giữa hai sức ép. Ban biên tập và phóng viên thúc bà cho đăng Hồ sơ Lầu năm góc, trong khi cánh luật sư đề nghị chờ. Cuối cùng, Katharine quyết định cho đăng. Vụ Hồ sơ Lầu năm góc khiến New York Times lẫn Washington Post phải hầu tòa ở Tối cao pháp viện. Và cuối cùng họ chiến thắng, khi lệnh giám sát báo chí bị bãi bỏ.
Một năm sau, ngày 17-6-1972 (5 tháng sau khi Richard Nixon tái đắc cử), 5 gã bị bắt quả tang khi đột nhập vào trụ sở Ủy ban quốc gia dân chủ trong khu phức hợp Watergate. Vụ việc không bình thường này được Washington Post mở chiến dịch điều tra qui mô. Tờ báo đăng liên tiếp trên trang nhất các chi tiết phanh phui được của hai phóng viên Bob Woodward và Carl Bernstein, kèm các bài xã luận cùng tranh biếm họa của Herblock. Cuối cùng, người ta phát hiện rằng đích thân Tổng thống Nixon đã đạo diễn chiến dịch rình mò và cài máy nghe lén phe Dân chủ. Trong quá trình đăng thiên phóng sự Watergate, giấy phép của hai đài truyền hình thuộc Washington Post Co. bị đe dọa rút. Katharine cũng bị dọa nặc danh, nếu bà đăng bài viết về vụ Bộ trưởng tư pháp John Mitchell cai quản một quỹ bí mật dùng phục vụ việc rình mò phe Dân chủ.
John Mitchell thậm chí còn nói thẳng với phóng viên Washington Post Carl Bernstein rằng “một bên ngực của Katie Graham sẽ bị kẹp vào máy vắt nước nếu vụ đó đăng tải” (Bob Woodward đã nghịch khi sau này tặng Katharine một máy vắt nước cũ và bà đặt nó trong phòng mình mãi cho đến khi nghỉ hưu). Với thiên phóng sự Watergate, Washington Post được trao Pulitzer 1973 và Katharine nhận Giải tự do báo chí Zenger (Zenger Award for Freedom of the Press) và Giải quyền dân chúng được biết (People’s Right to Know). Tháng 4-1973, Nixon chính thức nhận trách nhiệm và tháng 8-1974 ông từ chức, sau khi người ta phát hiện hệ thống ghi âm kích hoạt bằng giọng nói lắp trong Phòng Oval, ghi lại từng lời của Nixon trong việc tiến hành chiến dịch nghe trộm phe Dân chủ…
***
Thập niên 1970 là giai đoạn Katharine thực hiện các cuộc cải tổ nội bộ quan trọng. Từ 1971-1982, bà bổ nhiệm lần lượt 5 tổng biên tập tại Newsweek, bốn giám đốc phân nhánh và ba chủ tịch công ty thuộc tập đoàn Washington Post Co. Cũng trong thời gian này, Washington Post ngày càng chiếm lĩnh thị phần nội địa, tăng từ 771.000 bản lên 984.000 bản (năm 1981). Năm 1982, Katharine là một trong những nhà báo hiếm hoi trở thành thành viên Ủy ban quan hệ đối ngoại. Năm 1979, Katharine giao ghế chủ bút lại cho con trai Donald Graham và Donald nhận thêm trách nhiệm tổng giám đốc điều hành từ mẹ vào năm 1991, khi trị giá Washington Post Co. đạt gần 2 tỉ USD, đứng hạng 271 trong danh sách 500 công ty lớn nhất Mỹ của báo Fortune. Tháng 6-1987, Katharine là một trong ba phụ nữ có tên trong danh sách 800 nhân vật quyền lực nhất làng doanh nghiệp Mỹ do Fortune chọn và là người đàn bà duy nhất nằm trong Top 25. Năm 1993, Katharine giao tiếp ghế chủ tịch ban giám đốc cho Donald Graham – người con thứ hai của bà (một cô con gái của Katharine – Elizabeth Weymouth – cũng là phóng viên Washington Post và Newsweek).
Tuy ra khỏi đời sống Washington Post, bà vẫn hiện diện trong làng báo Mỹ như một “grande dame” uy quyền – có chân trong ban giám đốc Hãng AP (Associated Press); đồng chủ tịch tập đoàn International Herald Tribune; chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất bản báo chí Hoa Kỳ; giám đốc Cơ quan quảng cáo báo chí; ủy viên quản trị Đại học George Washington, Đại học Chicago và Viện đô thị… Ngày 24-4-1997, bà được trao Giải chủ tịch câu lạc bộ báo chí hải ngoại (Overseas Press Club’s President’s Award) ở hạng mục thành tựu suốt đời. Arthur Ochs Sulzberger – chủ tịch danh dự của New York Times Co. – nói: “Trong suốt nửa sau của thế kỷ 20, bà (Katharine Graham) đã dùng sự thông minh, lòng cam đảm và tài năng để thay đổi hoàn toàn bức tranh báo chí Mỹ. Bất cứ ai quan tâm đến một nền báo chí tự do và công bằng đều sẽ nhớ đến bà”. Katharine Graham – người đàn bà suốt đời chỉ biết làm báo – đã từ trần vào ngày 17-7-2001, ở tuổi 84…

No comments:

Post a Comment