BẮC KINH – Trong cơ quan báo Đảng Cộng sản Trung Quốc, hàng dãy các nhà phân tích ngồi trước màn hình máy tính miệt mài với các dữ liệu bóc ra từ mạng Internet.
Mỗi một ý kiến (comment) do 591 triệu “cư dân mạng” Trung Quốc nêu ra đều được phân tích tại Trung tâm theo dõi ý kiến của Nhân dân Nhật báo mạng, với các tóm tắt được gửi tức thời (trong thời gian thực) tới các lãnh đạo đảng.
Hơn bao giờ hết, bây giờ nhà cầm quyền Trung Quốc đang thực sự lắng nghe người dân, nhanh chóng phản ứng để kềm chế các khủng hoảng tiềm năng có thể đe dọa sự kiểm soát độc đảng. Với khả năng kiểm soát Internet ngày càng bị thách thức, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải thay đổi trò chơi của mình.
Công việc thu thập thông tin về công dân của họ cũng xưa như chính nước Trung Quốc: Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên của quốc gia này, đã từng duy trì một mạng lưới gián điệp khổng lồ. Các nhà báo của chính Đảng Cộng sản từ lâu đã lọc ra báo cáo mật về những gì đang thực sự xảy ra ở cấp cơ sở chuyển tới các lãnh đạo đảng.
Nhưng bây giờ, chính phủ đang cố để nắm bắt ý kiến công chúng trên một quy mô chưa từng có. Để đáp ứng nhu cầu của chính phủ, các trung tâm theo dõi ý kiến đã bung ra ở cơ quan báo chí nhà nước và các trường đại học để khai thác và diễn giải cả biển luận bàn trên Internet. Đồng thời, nhà cầm quyền đang hợp đồng mướn các công ty để thăm dò ý kiến người dân về tất cả mọi thứ từ quản lý giao thông đến chính sách thuế.
Một giáo sư Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, yêu cầu được giấu tên vì trò chuyện với các phóng viên nước ngoài bị hạn chế, nói “Chính phủ thường có nhiều quyền lực hơn để kiểm soát các đề tài trao đổi. Nhưng bây giờ có cách tiếp cận mới, để xác định các điểm nóng và cố gắng kiểm soát khủng hoảng”.
Ý tưởng về việc thực sự lắng nghe ý kiến người dân Trung Quốc là một sự xa rời cơ bản đối với chế độ độc tài Cộng sản thường đàn áp công dân bình thường vì có lời chỉ trích chế độ. Nhưng theo hãng tin Tân Hoa Xã, nhà lãnh đạo mới Tập Cận Bình đã cảnh báo hồi tháng 6 rằng “chiếm được hay đánh mất sự ủng hộ của công chúng” có thể quyết định “sự tồn vong” của đảng.
Sự phản đối của công chúng đối với một đề xuất có thể càng có ảnh hưởng tới việc định hình chính sách, mặc dù chưa thể ảnh hưởng tới các vấn đề sống còn đối với lợi ích của đảng, chẳng hạn như cải cách chính trị.
Ví dụ, tháng trước một phụ nữ đã được bồi thường vì bị giam giữ một cách phi lý trong một trại lao động sau khi sự việc của bà được đưa lên lên mạng. Tội của bà là dám đòi trừng phạt các quan chức mà bà cáo buộc là đã cưỡng hiếp con gái mình.
Một số dự án xây dựng đã bị đình lại khi đối mặt với sự phản đối của cư dân mạng: kế hoạch cho một nhà máy chế biến nhôm ở miền nam Trung Quốc đã bị hủy bỏ vào tháng trước sau khi có các cuộc biểu tình trên đường phố và có sự phẫn nộ trên mạng.
Cư dân mạng cũng đã đóng một vai trò trong việc phanh phui nạn tham nhũng, và các chuyên gia ước tính có hơn 170 quan chức đảng bị truy tố do bị phanh phui trên mạng.
Mọi cơ quan chính phủ, ở cấp trung ương và cấp tỉnh đều có các đơn vị lo việc nghiên cứu dư luận xã hội, nhưng các đơn vị này có xu hướng hoạt động rất kém cỏi, lập ra các báo cáo chỉ để “biện minh cho những gì cấp trên nói tới, rằng đó là điều đúng đắn”, Victor Yan Yue (Viên Nhạc), Chủ tịch Công ty Tư vấn Nghiên cứu Horizon nói.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây đảng đã bắt đầu chuyển hướng sang khu vực tư nhân trong việc nghiên cứu dư luận xã hội.
Viên Nhạc nói: “Mười năm trước, dịch vụ của chúng tôi chưa bao giờ làm công việc uỷ nhiệm của chính phủ. Ngày nay, bộ phận phát triển nhanh nhất trong doanh nghiệp của chúng tôi là bộ phận làm công việc theo uỷ nhiệm chính phủ”.
Horizon đôi khi được yêu cầu thăm dò ý kiến người dân về một đề xuất thay đổi chính sách, chẳng hạn như các biện pháp hạn chế sử dụng xe hơi ở Bắc Kinh để giảm bớt ô nhiễm. Công ty cũng điều tra quan điểm về chất lượng làm việc của các cơ quan chính phủ, lượng định người nộp thuế nghĩ gì về cơ quan thuế hoặc các doanh nghiệp nhìn bộ máy hành chính can dự như thế nào trong việc đăng ký các công ty. Chỉ có một lần một bộ trưởng đã điện thoại yêu cầu điều chỉnh một chi tiết đáng ngượng qua thăm dò, Viên Nhạc cho biết và nói thêm rằng ông đã lịch sự từ chối yêu cầu đó.
Ở toà soạn Nhân dân Nhật báo, các thuật toán tung ra những dữ liệu thời gian thực về những điều mọi người đang nói tới trên mạng, và các báo cáo hàng ngày và hàng tuần được công bố về các vấn đề nóng, tóm tắt các quan điểm chiếm ưu thế.
Gần đây, trung tâm theo dõi ý kiến của công ty đã báo cáo về các chỉ trích một luật mới dọa có các hình phạt đối với con cái không thăm viếng cha mẹ thường xuyên đúng mức. Một vài ngày sau đó, trung tâm đã ghi nhận sự phẫn nộ của công chúng sau khi ông trùm bất động sản Zeng Chengjie (Tăng Thành Kiệt) bị xử tử vì gian lận tài chính mà con gái ông không được thông báo. Được thực hiện chủ yếu trên Weibo – tương tự với Twitter – các cuộc thảo luận trực tuyến về Tăng Thành Kiệt đã thu hút vào khoảng 990.000 cư dân mạng.
Sự tức giận tăng lên khi tòa án đăng trên tài khoản Weibo – khi được phối kiểm là không chính xác – rằng không có quy định pháp lý đòi hỏi cho tội phạm được gặp người thân trước khi bị xử tử.
Hầu hết công việc “khai thác ý kiến” được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Nhân dân Nhật báo là để phục vụ cho các quan chức hoặc các doanh nghiệp nhà nước. Trung tâm theo dõi tư vấn cho các quan chức cách đối phó với cuộc khủng hoảng như thế nào – dùng ngôn ngữ gì và ứng xử như thế nào trước công chúng, Phó Tổng thư ký trung tâm, Shan Xuegang (Sơn Học Cương) cho biết.
Một lần nữa, hầu hết các lời khuyên được chuyển trong vòng riêng tư, nhưng đôi khi nó cũng có len vào báo cáo công bố công khai, như đã làm trong vụ cuồng nộ về việc xử tử ông trùm bất động sản.
Trung tâm này kết luận: “Trong thời đại Weibo, một cuộc khủng hoảng dư luận Internet không thể được xử lý bằng cách tránh né. Đối mặt trực tiếp với vấn đề, trình bày với các sự kiện, thuyết phục người dân bằng sự chân thành là chìa khóa để giải quyết vấn đề”. Họ cũng thêm rằng “Các cơ quan thực thi pháp luật cần phải tôn trọng luật pháp. Chỉ khi luật pháp có tiếng nói cuối cùng thì xã hội mới có thể có an bình thực sự”.
Có một đơn vị theo dõi tương tự tại Tân Hoa Xã, còn ở trường Đại học Nhân dân có một nhóm phân tích những từ tìm kiếm trên Baidu, tương tự như Google, để đánh giá tâm trạng xã hội. Thật vậy, hầu hết các trường đại học ở Trung Quốc hiện nay đều có một khoa dành riêng cho nghiên cứu dư luận xã hội.
Mặc dù vậy, hệ thống này vẫn chưa đầy đủ, đặc biệt là vì dân quê Trung Quốc, vẫn còn chiếm gần một nửa dân số, không thoải mái bày tỏ quan điểm của mình với người lạ và nói chung là không biết hay không đều đặn lên mạng. Kiểm soát tự do ngôn luận cũng làm phức tạp nỗ lực này rất nhiều.
Tất nhiên, còn có các hạn chế đối với những điều mà nhóm dư luận viên do đảng lãnh đạo sẽ nêu lên – và cũng có các hạn chế đối với những gì nhà nước muốn nghe: lãnh đạo không thực sự quan tâm tới quan điểm của người dân về cải cách chính trị hoặc chính sách đối ngoại vì đó là những lãnh vực mà các quyết định vẫn do một nhóm nhỏ các quan chức không quan tâm đến dư luận thực hiện, một người tham gia điều tra xin được giấu tên vì sợ có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình, cho biết.
Trong hai năm qua, các trang blog đã đánh bạt phương tiện truyền thông nhà nước như là nguồn cung cấp tin chính cho người dân, và trở thành phương tiện chủ yếu cho người dân Trung Quốc bày tỏ quan điểm từ lâu bị đè nén của họ. Hàng chục triệu ý kiến được phát đi trên Weibo mỗi ngày.
Một số cách nhìn vẫn còn bị kiểm duyệt – các bài viết nhằm tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố gần như chắc chắn phải bị loại đi, những lời chỉ trích của các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng cũng chịu số phận tương tự.
Trong một cố gắng sâu xa hơn để định hình chuyện trên mạng, các cơ quan chính phủ khác nhau của Trung Quốc có khoảng 60.000 tài khoản Weibo, còn chính phủ cũng trả tiền cho những người đưa lên mạng những ý kiến ủng hộ chính phủ (dư luận viên).
Tuy nhiên, Xiao Qiang (Tiêu Cường), một giáo sư trợ giảng tại UC Berkeley và người sáng lập trang web tin tức China Digital Times, cho biết đảng đang bắt đầu bị thua trong trận chiến này: trong hai năm qua “các tiếng nói tự do chính trị” đã thống trị Internet ở Trung Quốc, khi người dân công khai bày tỏ quan điểm của họ về nhiều vấn đề khác nhau, từ tham nhũng tới tự do ngôn luận, công bằng xã hội và môi trường, ông nói.
Nhà nghiên cứu Liu Liu đã có đóng góp cho bài báo này.
Nguồn: Washington Post
Tác giả: Simon Denyer và nhà nghiên cứu Liu Liu
Người dịch: Huỳnh Phan
02-08-2013
No comments:
Post a Comment