VOV.VN - Nhiều người tìm mọi cách để có được tấm bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ nhưng là học giả, trình độ giả…
- Mời hiến kế chấn hưng giáo dục
- Chấn hưng giáo dục: Trẻ đang bị “nhồi nhét" quá nhiều!
- Học sinh "chấm điểm" thấp, giáo viên không được giảng dạy
Đào tạo Đại học, sau Đại học phát triển quá “nóng”
Bàn về những bất cập trong giáo dục Đại học và sau Đại học, PGS.TS Dương Văn Sao (Trường ĐH Công đoàn) và nhiều Giáo sư, chuyên gia đầu ngành giáo dục cho rằng, công tác đào tạo - đặc biệt là đào tạo Đại học, sau Đại học những năm qua phát triển quá nóng, trong khi những điều kiện cơ bản như: Đội ngũ giảng viên, nội dung chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo còn hạn chế. Do đó chất lượng đào tạo không cao, nhất là chất lượng đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ.
Theo PGS.TS Dương Văn Sao, công tác quy hoạch đào tạo Đại học, sau Đại học của nước ta chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế, nhu cầu nguồn nhân lực, chưa xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội, dẫn đến đào tạo không phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế-xã hội. Tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu lao động đang diễn ra phổ biến, lãng phí trong đào tạo cũng rất lớn.
GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, trong những năm qua, nhiều luận án có chất lượng, nhiều người sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sau Đại học đã phát huy tác dụng trong công tác, có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, khoa học và sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, những bất cập, hạn chế trong đào tạo sau Đại học cũng lớn.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số 8.300 Tiến sĩ mà các cơ sở đào tạo sau Đại học đã đào tạo từ năm 1977 đến 2006, chỉ có 11% thuộc khối khoa học kỹ thuật, 18% thuộc khối khoa học tự nhiên, còn khối khoa học xã hội chiếm 43%.
GS Nguyễn Minh Thuyết |
GS Thuyết nhấn mạnh, điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tương xứng với quy mô đào tạo. Tình trạng thiếu kinh phí, cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu là phổ biến và kéo dài ở tất cả các cơ sở đào tạo sau Đại học. “Khả năng khắc phục những bất cập này bằng nguồn ngân sách Nhà nước trong 1-2 thập kỷ tới là rất yếu”.
Nhiều Thạc sĩ, Tiến sỹ “dởm”
Theo các Giáo sư, bên cạnh hạn chế về nhân tố khách quan là điều kiện tài lực, vật lực thì một số nhân tố chủ quan để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng bất cập. Khả năng sàng lọc trong đào tạo sau Đại học ở nước ta không cao do chỉ tiêu tuyển sinh nhiều, người học ít. Việc đánh giá kết quả học chuyên đề, chấm luận văn, luận án thường dễ dãi, xuê xoa. Việc bảo vệ luận văn, luận án thủ tục cồng kềnh, rất ít thời gian dành cho thảo luận, tranh luận…
“Rất hiếm nghiên cứu sinh ham gia các hoạt động chuyên môn, trợ giảng, nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên thực tập hoặc nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo theo sự phân công của đơn vị chuyên môn. Một số thầy hướng dẫn khoa học không quan tâm đến học trò. Một số thầy tham gia quá nhiều hội đồng chấm, đến mức không kịp đọc hoặc không cần đọc luận văn, luận án, chỉ copy từ bản lưu trong máy vi tính ra những nhận xét chung chung, có thể áp dụng vào bất kỳ luận văn, luận án nào”- GS Nguyễn Minh Thuyết nhận xét.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, những hiện tượng tiêu cực trong đào tạo sau ĐH như học hành qua loa, sao chép luận văn, luận án, chạy điểm, chạy hội đồng khá phổ biến, khiến chất lượng đào tạo ngày càng yếu. Hầu hết cơ sở đào tạo để học viên Cao học và nghiên cứu sinh trực tiếp chuyển luận văn, luận án đến nhà thành viên hội đồng chấm luận án kèm theo phong bì tiền. “Không ít trường hợp cán bộ quản lý tiết lộ cho nghiên cứu sinh tên và ý kiến của người phản biện độc lập để nghiên cứu sinh tìm cách tác động tới họ. Những hiện tượng trên không chỉ vi phạm quy chế đào tạo mà còn vi phạm pháp luật nhưng phổ biển và kéo dài, chưa được chấn chỉnh”.
PGS.TS Dương Văn Sao cũng nhận định, cơ chế chính sách quản lý đào tạo Đại học, sau Đại học trong và ngoài nước chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ và không ổn định. Cơ chế xin - cho vẫn còn tồn tại dẫn đến tình trạng lộn xộn, thiếu công bằng đối với người học và các cơ sở đào tạo. Do đó, nhiều người tìm mọi cách để có được tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ - nhưng học giả, trình độ giả.
Đào tạo Đại học, sau Đại học phát triển quá “nóng” |
Theo PGS.TS Dương Văn Sao “Giáo dục đào tạo đang xu hướng ngày càng chạy theo lợi nhuận, trong khi công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này cũng đang nằm trong tình trạng chung là yếu kém, hệ quả tất yếu là giáo cụ đào tạo lộn xộn, chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa tốt”.
Sớm xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo
Các giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ được nhiều chuyên gia đánh giá là khá toàn diện, tuy nhiên cần phải gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo cân đối giữa đào tạo và sử dụng. Cùng với đó, phải thỏa mãn nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội trước mắt và lâu dài, hạn chế lãng phí trong giáo dục đào tạo.
"Chừng nào công tác tổ chức quản lý kinh tế xã hội của nước ta còn thấp, đào tạo chưa thể có chất lượng, hiệu quả. Bởi giáo dục đào tạo không tách rời thực trạng kinh tế-xã hội của đất nước”- PGS.TS Dương Văn Sao nhận định.
"Chừng nào công tác tổ chức quản lý kinh tế xã hội của nước ta còn thấp, đào tạo chưa thể có chất lượng, hiệu quả. Bởi giáo dục đào tạo không tách rời thực trạng kinh tế-xã hội của đất nước”- PGS.TS Dương Văn Sao nhận định.
Một trong các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo được GS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra là trước mắt là sớm xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo gồm ba bộ phận: chính sách về chất lượng, tổ chức kiểm định chất lượng và sự xếp hạng cơ sở đào tạo theo chất lượng.
Theo GS Thuyết, hoàn thiện chính sách về chất lượng đào tạo có nghĩa là xây dựng chuẩn đánh giá và cơ chế kiểm định làm căn cứ cho công tác kiểm định chất lượng. Bộ chuẩn cần bao quát đầy đủ các mặt, từ chất lượng chuyên môn đến chất lượng quản lý việc tuân thủ quy chế, sáng kiến quản lý, tầm nhìn trong định hướng đào tạo, khả năng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo (giảng đường, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, tài liệu học tập…).
“Tổ chức kiểm định chất lượng chịu trách nhiệm khảo sát định kỳ và bất thường chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo theo đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước về đào tạo hoặc đề nghị của cơ sở đào tạo. Căn cứ kiểm định là bộ chuẩn đánh giá chất lượng. Tổ chức kiểm định chất lượng có trách nhiệm xếp hạng và công bố bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đã được kiểm định theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước. Bảng xếp hạng này góp phần định hướng cho học viên chọn cơ sở đào tạo và định hướng cho đơn vị sử dụng lao động tuyển nhân sự, đồng thời cũng buộc cơ sở đào tạo không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của mình”- GS Nguyễn Minh Thuyết nói./.
No comments:
Post a Comment