Tuesday, August 6, 2013

ĐH Y HÀ NỘI ĐỀ XUẤT TUYỂN CHỈ TIÊU NGOÀI NGÂN SÁCH: Cuộc chơi của “con nhà giàu học giỏi”?

Với lý do tuyển thí sinh giỏi, tránh gây bức xúc xã hội, Trường ĐH Y Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GDĐT đề xuất tuyển thêm 150 thí sinh đạt từ 26-27,5 điểm. Tuy nhiên, phía Bộ GDĐT chưa có câu trả lời cho đề nghị “hợp lòng người” của nhà trường.
Cuộc chơi của “con nhà giàu học giỏi”?
Giờ thực hành giải phẫu của sinh viên Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: Người Lao Động)
Cuộc chơi của “con nhà giàu học giỏi”?

Việc Trường ĐH Y Hà Nội xin đào tạo hệ ngoài ngân sách thực ra là “khuấy” lại một việc làm mà Bộ GDĐT đã cho dừng từ hai năm nay.

Từ năm 2004, hệ đào tạo ngoài ngân sách bắt đầu được mở ra trong các trường ĐH công lập. Khởi đầu cũng từ việc Trường ĐH Y Hà Nội có thí sinh tới 27 điểm mà vẫn không trúng tuyển khoa Răng-hàm-mặt.

Sau đó, nhiều trường cùng xin mở hệ này với lý do là để “vớt” thí sinh đạt điểm cao, sát với điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 và rất “tha thiết” với trường.

Điều kiện mà Bộ GDĐT đưa ra khi đó là điểm thi tuyển sinh của thí sinh phải cao và quan trọng là các trường phải chứng minh được năng lực đào tạo đáp ứng được việc tuyển thêm chỉ tiêu.

Việc tuyển thí sinh ngoài ngân sách đã từng được thí sinh và các trường vô cùng “hào hứng”. Về phía thí sinh thì mặc dù sẽ phải bỏ tiền túi thay vì được ngân sách hỗ trợ như sinh viên trúng tuyển hệ chính quy, nhưng mức giá này còn khá nhẹ nhàng so với các hệ đào tạo dân lập, trong khi lại được hưởng dịch vụ, chất lượng của trường công lập.


Còn về phía trường, không thể phủ nhận một điều là tuyển sinh ngoài ngân sách bên cạnh việc tuyển được thí sinh có điểm thi cao, thì có lẽ quan trọng hơn cả là có nguồn thu đáng kể từ học phí ở loại hình này, vì thường thì hệ này phải đóng học phí có khi cao gấp 3-4 lần so với sinh viên hệ ngân sách.

Tùy theo từng trường, mức học phí tự đề ra mà không dựa trên quy định nào. Thông thường với các trường khối kinh tế là từ 750 nghìn đồng - 1 triệu đồng/tháng.

Chính vì có nguồn thu đáng kể nên các trường nhóm đầu không còn mặn mà với việc tuyển NV2, NV3 - kể cả có thể lấy được thí sinh có điểm trúng tuyển cao hơn - mà lấy tất cả NV1 rồi tuyển hệ ngoài ngân sách.

Mức điểm tuyển hệ ngoài ngân sách rớt xuống không còn là để “cứu” thí sinh giỏi nữa, mà chỉ còn là những thí sinh ở mức 21-22 điểm/3 môn, thậm chí có trường còn gọi hệ ngoài ngân sách với mức điểm nộp hồ sơ chỉ từ 15 điểm.

Việc tuyển sinh ngoài ngân sách của các tường công lập có tiếng còn được coi là nguyên nhân làm giảm nguồn tuyển của các trường ngoài công lập, góp phần đẩy các trường ngoài công lập vào thế khó tuyển sinh.

Quyết định sẽ khó khăn

Tuy nhiên, từ mùa tuyển sinh năm 2011, lãnh đạo Bộ GDĐT đã khẳng định sẽ không có hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội ở các trường ĐH, CĐ (hệ ngoài ngân sách). Các trường chỉ có một chỉ tiêu tuyển sinh được xác định ngay từ đầu và các trường chỉ thực hiện đúng theo một chỉ tiêu tuyển sinh này.

Lý giải về điều này, khi đó Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: “Các năm trước, bộ cho các trường đào tạo ngoài ngân sách nên đã gây ra nhiều bức xúc. Đa phần ý kiến cho rằng điều đó tạo nên sự mất công bằng trong tuyển sinh. Vì vậy, năm nay bộ dứt khoát không cấp chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách, mà chỉ đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho những vùng khó khăn”.

Trở lại với câu chuyện năm nay của Trường ĐH Y Hà Nội đề xuất sẽ tuyển 150 thí sinh từ 26-27,5 điểm; trong khi số thí sinh đạt mức điểm này là 600 em.

Lãnh đạo nhà trường chưa tiết lộ mức học phí dự kiến, nhưng vì đã tính đến khả năng chi trả của sinh viên nên mới tính trong khoảng điểm khá rộng như vậy, dù theo lãnh đạo nhà trường, với những trường hợp trúng tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa thì hầu như không có thí sinh ảo, ai trúng tuyển là vào học hết.

Như vậy, có thể hiểu, trong trường hợp nhà trường được duyệt thêm chỉ tiêu và được đưa ra mức học phí, thì những thí sinh từ chối nhập học chắc chắn chỉ vì vấn đề kinh tế. Như vậy, vô hình trung, những thí sinh giỏi này có tới 2 lần “trượt đại học” với ngành học mà mình lựa chọn, một lần là vì điểm, một lần là vì tiền.

Theo thông tin mới nhất, đến ngày 8.8 này Bộ GDĐT khi họp xác định điểm sàn sẽ bàn luôn chuyện của Trường ĐH Y Hà Nội. Được biết, Bộ GDĐT đã phải tính tới cả phương án cho tuyển thêm chỉ tiêu, nhưng sẽ không đồng ý cho thu tiền cao hơn sinh viên cùng khóa.


via laodong.com.vn

No comments:

Post a Comment