Wednesday, August 7, 2013

Nhìn thẳng sự thật Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa

Các nhà kinh tế lo ngại mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước đến năm 2020 là quá tham vọng và khó thực hiện.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói: “Trở thành một nước công nghiệp trong một thời gian quá ngắn là một mục tiêu chiến lược tham vọng đến mức không tưởng”.
Ông nói tiếp: “Nước công nghiệp là nước nào. Nếu là Mỹ thì quá cao, 10 năm không kịp. Như Pháp cũng không được. Hay Hàn Quốc cũng không được khi thu nhập bình quân đầu người của họ là 30.000 đô la Mỹ trong khi ta chỉ có 1.500 đô la Mỹ”.

Theo ông Thiên, ngay cả với quốc gia như Thái Lan có thu nhập đầu người khoảng 8.000 đô la Mỹ thì cũng rất khó để Việt Nam bắt kịp.

Ông nói: “Vậy nước công nghiệp mà Việt Nam muốn hướng đến là đâu? Chúng ta không trả lời được”.

Theo ông Thiên, doanh nghiệp là động lực dẫn dắt phát triển cho đất nước, nhưng 2 năm qua đã có 110.000 doanh nghiệp đóng cửa. Trong 6 tháng đầu năm nay có thêm 25.000 doanh nghiệp khác đóng cửa.

“Vấn đề là 25.000 doanh nghiệp đã cố cầm cự qua được 2 năm khó khăn, nhưng nay thì họ không chịu nổi. Đó là điều lo ngại”, ông nhận xét.

Ông nhận xét, tăng trưởng GDP suy giảm liên tục từ năm 2007 đến nay, trong khi bất ổn vĩ mô vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Ông cho rằng, đến giờ, lạm phát đang được kiểm soát, nhưng triển vọng là bất ổn và sẽ tăng do tăng lương, tăng giá điện, xăng dầu vừa qua.
Các nhà kinh tế lo ngại mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước đến năm 2020 là quá tham vọng và khó thực hiện.
Các nhà kinh tế lo ngại mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước đến năm 2020 là quá tham vọng và khó thực hiện.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, hiệu quả phân bổ nguồn lực của Việt Nam rất kém.

Ông Thành đưa ra ví dụ rằng những ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân thuộc “nhóm lợi ích” trong tiếp cận tín dụng, đất đai hay các nguồn lực sản xuất quan trọng khác đang làm méo mó quá trình phân bổ nguồn lực.

Chẳng hạn, năm 2010 khu vực kinh tế nhà nước còn chiếm tới hơn 38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, song chỉ đóng góp 33,7% vào GDP của cả nước và tạo việc làm cho khoảng hơn 10% số lao động.

Trong khi đó, khu vực tư nhân trong nước chiếm 36% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng lại đóng góp 47,5% vào GDP của cả nước và tạo việc làm cho khoảng 86% lực lượng lao động.

Ông Thành nhận xét, nếu các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng có được sự đảm bảo ngầm để tránh sụp đổ, thì họ sẽ không ngại ngần khi đi vay hoặc cho vay quá nhiều. Tuy nhiên, đến khi gặp rắc rối, thì khu vực này được cứu trợ bằng các nguồn quỹ công. “Điều này cũng tương tự như tư nhân hoá lợi nhuận và xã hội hoá tổn thất”, ông nhận xét.

Ông Thành cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên nhằm tín hiệu giá cả không bị bóp méo, và tạo niềm tin dài hạn cho người dân và doanh nghiệp.

Còn ông Thiên gợi ý rằng, cần thoát khỏi tầm nhìn hàng năm, triển khai kế hoạch 3 năm phục hồi sau khủng hoảng và tái cơ cấu. Bên cạnh đó, những vấn đề kinh tế bức xúc nhất của 25 năm đổi mới gắn với sở hữu toàn dân như đất đai, doanh nghiệp nhà nước, ngân sách nhà nước cần phải được giải quyết triệt để.

Mặt khác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đề cập đến thực trạng tụt hậu của Việt Nam.

Ông nói: “Nếu chúng ta không đổi mới, không tái cơ cấu mạnh mẽ thì chúng ta không vượt lên được. Không phải nguy cơ tụt hậu mà (Việt Nam) tụt hậu thật vì các nước xung quanh cũng phát triển rất nhanh, và xuất phát điểm của họ lại cao hơn”.

Theo TBKTSG

No comments:

Post a Comment