Phạm Trần (Danlambao) - Kể từ ngày 01/09/2013, tất cả người Việt Nam nào yêu chuộng tự do, dân chủ và muốn có tự do nói, tự do tư tưởng và tự do báo chí đều phải “tự ngậm miệng, nhắm mắt lại” để quay về cuộc sống trong hang động man rợ xa xưa để “khỏi làm phiền nhà nước”?...
*
Quốc hội nhà nước Cộng sản Việt Nam sẽ thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi tại kỳ họp 6 từ ngày 21/10 đến 26/11/2013, nhưng quyền Tự do ngôn luận của công dân quy định tại Điều 26 của Hiến pháp này (Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật) đã bị hủy bỏ từ ngày 01/09 (2013) bởi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về “Quản Lý, Cung Cấp, Sử Dụng Dịch vụ Internet và Thông Tin Trên Mạng” của Chính phủ.
Đây là hành vi vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng nhất trong lịch sử lập hiến của một nước trước khi Hiến pháp có hiệu lực, nhưng với Việt Nam thì còn nhằm ngăn chặn mọi chỉ trích đối với Hiến pháp mới đã bị phê bình là cực kỳ phản dân chủ vì vẫn duy trì quyền lãnh đạo độc tôn và toàn diện cho đảng CSVN tại Điều 4:
“1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
Ngay chính Quốc hội cũng đã vi phạm quyền lập hiến của dân khi tự cho mình quyền quyết định việc “trưng cầu ý dân” sau khi đã bỏ phiếu chấp thuận với “hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành” ghi tại Điều 124: “Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.”
Dự thảo còn viết “ỡm ờ” tại Điều 30: “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.” Nhưng “biểu quyết cái gì” và nếu Nhà nước “không muốn tổ chức” thì dân làm gì?
Cũng như nếu Quốc hội chưa có Luật “trưng cầu ý dân về Hiến pháp” thì dân vẫn phải đứng đó “chờ sung rụng” đến bao giờ?
Bao giờ có luật?
Vì vậy đã có một số Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Mặt trận Tổ Quốc và nhiều người dân đã đề nghị Quốc hội hoãn làm Hiến pháp lại ít nhất là 1 năm để tổ chức thêm nhiều cuộc thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân một cách đứng đắn, đồng thời để Quốc hội có thời gian hoàn tất Luật trưng cầu ý dân, nhưng Ban soạn thảo cũng đã “bác tuốt” làm như sợ bị “mất phần” nếu không có ngay Hiến pháp mới!
Chính phủ đã đề nghị quyền biểu quyết của dân ghi trong Điều 30 cần được sửa lại, cụ thể hơn là: “Công dân có quyền biểu quyết về Hiến Pháp và các việc trọng đại của quốc gia. Trình tự, thủ tục, giá trị hiệu lực của trưng cầu ý dân do luật định”.
Báo Pháp Luật TpHCM (Thành phố Hồ Chí Minh) phổ biến tin quyết định của Nội các Nguyễn Tấn Dũng trong số ra ngày 11/4 (2013).
Báo Pháp Luật TpHCM viết thêm, dựa theo ý kiến của Chính phủ, thì: “Các điều khoản khác quy định về quyền lập hiến, lập pháp cần sửa lại theo hướng Quốc Hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp (quyết định thông qua luật), còn nhân dân mới là chủ thể của quyền lập hiến. Trong lập hiến, Quốc Hội có vai trò quan trọng khi đề xuất sửa đổi, bổ sung HP, trong soạn thảo và cũng là cơ quan thông qua Hiến Pháp trước khi đưa ra nhân dân biểu quyết. Nhưng Quốc Hội không phải là cơ quan lập hiến theo nghĩa quyết định cuối cùng về thông qua Hiến Pháp. Quyền ấy phải ở nơi dân.”
Tuy nhiên, theo báo chí Việt Nam thì Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị dự án luật Biểu tình và luật Trưng cầu ý dân sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi.
Báo Vietnamnet cho biết: “Ông Phan Trung Lý phát biểu khi thẩm tra tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp luật 2014 tại phiên họp của UBTVQH chiều 15/4.”
“Ông Lý cho hay, hai dự án luật này đã thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIII. Đây là các dự án luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cần được ban hành để thể chế hóa nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp.”
Tuy nhiên, vẫn theo Vietnamnet thì Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lại không tích cực về ý kiến này. Bà nói:
“Bản thân dự án luật cũng đã có trong chương trình làm việc của toàn khóa (QH khóa XIII). Nhưng do đây là vấn đề nhạy cảm, nên để sau khi thông qua Hiến pháp thì "chèn" vào chương trình sau khi có điều kiện thích hợp.”
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì nói: “2014 là năm bản lề cần thiết chuẩn bị những luật hệ trọng sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua vào cuối năm 2013.
Dù là luật "đi theo Hiến pháp", nhưng ông băn khoăn tính khả thi về công tác chuẩn bị dự luật Biểu tình và Trưng cầu dân ý để xem xét cho ý kiến ngay trong năm 2014. Bởi lẽ, các cơ quan ban ngành chưa có bước chuẩn bị chính thức.”
Ông Hùng “đề nghị, các dự án luật nêu trên cần "chuẩn bị tốt" rồi mới đưa vào chương trình làm việc chính thức.”
Ông Hùng nói cũng có lý, nhưng Luật trưng cầu ý dân dành cho Hiến pháp chỉ có thể xảy ra cho Hiến pháp “sau Hiến pháp 2013”, nhưng cũng có thể “còn khuya” mới cần phải sửa Hiến pháp nữa nên cứ phải “chuẩn bị tốt” rồi tính sau!
Dựa vào Mác-Lênin làm gì?
Ngoài ra về Cuộc lấy ý kiến dân cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi từ 2/1 đến 30/9 (2013) cũng đã bị nhiều Đại biểu Quốc hội và cấp Lãnh đạo Mặt trận Tổ Quốc “chê” là hời hợt, hình thức và “làm để báo cáo cho xong việc” dù Ủy ban soạn thảo khoe đã có trên 26 triệu lượt người tham gia!
Lại còn cả những “góp ý trái chiều”, “không hợp lỗ tai đảng” của nhóm Trí thức 72, của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Bản lên tiếng chống Điều 4 Hiến pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, của Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy (Cụ Lê Quang Liêm) v.v… bị Ban soạn thảo “bỏ xó” hay bị lên án là những “ý kiến sai lệch với đường lối lãnh đạo của đảng”, “có động cơ chính trị”, hay có tư tưởng “phá hoại”.
Ngay cả Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cũng lên án những ai đề nghị bỏ Điều 4 Hiến pháp là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.” Trong khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì bảo những ý kiến không đồng tình với đảng là “ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn”.
Trong khi đó thì Ban soạn thảo do Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng làm Trường ban cứ nhất mực “bảo hoàng hơn vua” tuân theo lệnh Bộ Chính trị để dựa vào văn kiện có tư tưởng lạc hậu là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011)” để làm khuôn vàng thước ngọc cho việc soạn thảo Hiến pháp mới.
Khốn nỗi Cương lĩnh lại chứa đựng những ý tưởng lạc hậu, mơ hồ và ảo tưởng với nội dung: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.”
Thế rồi những “nhà tư tưởng vĩ đại” nhưng đầu óc đầy sỏi đá của đảng CSVN đã hồ hởi kết luận ngông cuồng rằng: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.”
Hiến pháp mới cũng tự ý “chụp lên đầu người dân cái mũ Cộng sản” ngoại lai ngay trong Lời mở đầu rằng: “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ quyền nhân dân, Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện công bằng xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
Viết như thế có nghĩa “những Tác giả thông thái” của đảng đã “Hiến pháp hóa” Cương lĩnh của trên 3 triệu đảng viên thành Bộ Luật Quốc gia cho 84 triệu “người dân ngoài đảng” phải theo. Họ cũng không biết đồng bào mình và đồng chí của mình đã phải bươn chải khó khăn trong cuộc sống từ 38 năm qua như thế nào. Họ chẳng biết tình hình kinh tế, xã hội và nếp sống văn hóa đang suy đồi đến tận mức nào so với các dân tộc láng giềng?
Và người dân có thật sự đang “làm chủ đất nước” hay chỉ là những “hình nộm” cho một thiếu số lãnh đạo độc tài, dân chủ giả hiệu và tự do trá hình?
Nếu thật sự chủ nghĩa Mác-Lênin đã có “ánh sáng” ở Việt Nam thì hàng chục ngày lao động Việt Nam không phải đi làm mướn ở nước ngoài và hàng ngàn Phụ nữ Việt Nam đã không phải tìm ra nước ngoài “bán thân” hay lấy chồng ngoại nuôi gia đình?
Những người viết ra Hiến pháp mới cũng đã không biết ai đang “làm chủ tình hình ở Biển Đông” và đang đe dọa chiếm mất Việt Nam trong tương lai không xa nếu như Lãnh đạo đã quên bài học của 2 Cuộc chiến biên giới 1979 và 1984 -1989?
Tại sao cấm dân nói?
Tất cả những nhược điểm cơ bản của Hiến pháp mới kể trên, sau khi được Quốc hội họp kỳ 6 chấp thuận chắc chắn sẽ tiếp tục bị một “bộ phận không nhỏ nhân dân” phủ nhận.
Vì vậy mà Nhà nước đã phải công bố Nghị định 72/2013/NĐ-CP về “Quản Lý, Cung Cấp, Sử Dụng Dịch vụ Internet và Thông Tin Trên Mạng”, có hiệu lực từ ngày 01/09 (2013) để bịt miệng dân trước cả khi Quốc hội biểu quyết.
Hành động phản dân chủ này của đảng CSVN chỉ được coi là có chủ tâm “dùng Luật, Nghị định, Nghị quyết, Quyết định hay Pháp lệnh” để vô hiệu hóa Hiến pháp như họ vẫn làm từ xưa đến nay.
Bởi vì Nghị định 72 sẽ kiếm soát gắt gao, nếu không thể chận đứng được, những phản ứng mãnh liệt của các Mạng báo Xã hội, hay nhà báo tự do (Bloggers) đối với Hiến pháp mới.
Nghị định này có 6 Chương, 45 Điều được viết ra như một “bãi mìn” trải rộng không những trên toàn lãnh thổ Việt Nam mà còn lan cả ra nước ngoài với những điều khoản chằng chịt cạm bẫy của nhiều bản Luật nhằm bóp chết quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng của người dân, điều mà Việt Nam đang rất cần để mở mang dân trí và xây dựng đất nước.
Hãy cùng đọc 2 khoản trong Điều 4 nói về “Chính sách phát triển, quản lý Internet và thông tin trên mạng”:
4. Ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet.
5. Bảo đảm chỉ những thông tin hợp pháp theo pháp luật Việt Nam mới được truyền, kể cả truyền qua biên giới, đến người sử dụng Internet tại Việt Nam.
Nhưng có ai biết thế nào là bị coi có “ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”? Và “thông tin” như thế nào mới được coi là “hợp pháp theo pháp luật Việt Nam” thì mới được phép “truyền đi” và được “truyền qua biên giới” vào Việt Nam? Có cơ quan “tài phán” Quốc tế nào có đủ khả năng được mời làm chuyện “phân tích” và “trọng tài” không hay chỉ do phía Việt Nam tự quyết?
Tiếp đến, nên đọc Điều 5. Về “Các hành vi bị cấm”:
1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;
b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;
d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;
e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Cản trở trái pháp luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp pháp, việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ hợp pháp trên Internet của tổ chức, cá nhân.
3. Cản trở trái pháp luật hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam ".vn", hoạt động hợp pháp của hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
4. Sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên Internet.
5. Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi-rút máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên Internet.”
Nhà nước Việt Nam đã từng lạm dụng Luật Hình sự qua 2 Điều 79 và 88 liên quan đến “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” và “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” để bắt người vô cớ, bỏ tù vô vạ và tùy tiện những người đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền như các trường hợp Lm Nguyễn Văn Lý, Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ, Chị Tạ Phong Tần, anh Điếu Cầy, Trần Huỳnh Duy Thức v.v...
Bây giờ lại áp dụng vào thông tin Internet những luận điệu được gọi là “Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo v.v...” thì có ai giải thích được “trí tuệ” của những Lãnh đạo vẫn từng tuyên truyền “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền” hay “Dân chủ Việt Nam cao gấp vạn lần dân chủ tư sản” (Bà Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan)?
Nhà nước còn định nghĩa trong Nghị định 72 rằng:
“16. Thông tin cá nhân là thông tin gắn liền với việc xác định danh tính, nhân thân của cá nhân bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và thông tin khác theo quy định của pháp luật.
17. Dịch vụ nội dung thông tin là dịch vụ cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng dịch vụ.
18. Nguồn tin chính thức là những thông tin được đăng, phát trên báo chí Việt Nam hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ.
19. Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.”
Định nghĩa như vậy để làm gì, nếu không nhằm bảo rằng “thông tin cá nhân là của riêng anh, không được phát tán cho người khác vì anh không có giấy phép làm “dịch vụ thông tin”. Anh cũng không được phép lấy “thông tin chính thức” hay “thông tin tổng hợp” để bình luận, phân tích vì anh chưa có phép của chúng tôi và chưa mua của chúng tôi v.v…?
Những lời bàn “Tam Quốc Chí diễn nghĩa” kiểu trên đây đã được Nghị định 72 xác nhận sau đây, trong Điều 20 về “ Phân loại trang thông tin điện tử”:
Trang thông tin điện tử được phân loại như sau:
1. Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử.
2. Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó.
3. Trang thông tin điện tử nội bộ là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề và thông tin khác phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó và không cung cấp thông tin tổng hợp.
4. Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.
5. Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.
Tưởng “kìm kẹp” vậy chưa đủ, Nhà nước “thông thái” Việt Nam còn “lên mặt” luôn cả các cơ quan thông tin của nước ngoài như quy định trong Điều 22 nói về “ Cung cấp thông tin công cộng qua biên giới”:
“1. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.”
Như vậy là kể từ ngày 01/09/2013, tất cả người Việt Nam nào yêu chuộng tự do, dân chủ và muốn có tự do nói, tự do tư tưởng và tự do báo chí đều phải “tự ngậm miệng, nhắm mắt lại” để quay về cuộc sống trong hang động man rợ xa xưa để “khỏi làm phiền nhà nước”?
Hay Chính phủ Việt Nam sẽ phải đối phó với một cuộc chiến tranh tư tưởng “không biên giới” khác nguy hiểm hơn không những chi đối với bản Hiến pháp phản dân chủ 2013 mà còn muốn vàn thứ khác?
Liệu đảng và nhà nước tự phong là “ưu việt” Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có đủ 3 đầu 6 tay chống trả không hay sẽ bị cô lập với cả thế giới yêu chuộng dân chủ và tự do?
(08/013)
No comments:
Post a Comment