Những Suy Nghiệm Ứng Dụng Cho Ngày Hôm Nay
Các diễn tiến gần đây thôi thúc tôi chia sẻ một số suy nghiệm quanh chuyến đi Việt Nam cách đây gần 16 năm. Đấy là lần đầu và độc nhất tôi về Việt Nam từ ngày làm thuyền nhân bỏ nước ra đi vào cuối năm 1978.
Đúng Ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm 1997 tôi có mặt ở Hà Nội. Mục đích nguyên thuỷ của chuyến đi là để vận động cho nhiều chục ngàn thuyền nhân được cứu xét định cư vào Hoa Kỳ sau khi họ bị hồi hương từ các trại tạm dung ở Hồng Kông và Đông Nam Á.
Trước tai hoạ cưỡng bức hồi hương, năm 1994 BPSOS khởi xướng cuộc vận động với Quốc Hội Hoa Kỳ và được sử hưởng ứng mạnh mẽ của DB Christopher Smith và vị Tham Mưu Trưởng là Ông Grover Joseph Rees -- sau này thân quen rồi thì tôi gọi là anh Joseph. Khi Đông Timor giành được độc lập, anh Joseph đã trở thành vị đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở quốc gia tân lập này.
DB Smith đã triệu tập một loạt ba buổi điều trần về những sai sót trong chương trình “thanh lọc” mà hậu quả là biết bao nạn nhân của sự đàn áp đã bị từ khước quyền tị nạn và đứng trước hiểm hoạ cưỡng bức hồi hương. Trung bình chỉ có 10% thuyền nhân được xét là tị nạn và cho đi định cư ở quốc gia tự do; số 90% còn lại sẽ phải hồi hương. Tại các buổi điều trần liên tiếp, BPSOS đưa ra nhiều nhân chứng và chứng cớ không thể phủ nhận về sự bất công của các quốc gia tạm dung và sự tắc trách của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ trong việc cứu xét tư cách tị nạn của thuyền nhân.
Căn cứ vào đó, DB Smith đưa ra luật chống cưỡng bức hồi hương thuyền nhân và luật này được lưỡng viện Quốc Hội thông qua với đa số áp đảo. Nội dung của luật này thật đơn giản: cấm LHQ không được dùng tiền thuế của dân Mỹ để tài trợ việc cưỡng bức hồi hương thuyền nhân bởi Hồng Kông và các quốc gia Đông Nam Á cho đến khi mọi thuyền nhân được nhân viên di trú Hoa Kỳ xét lại tư cách tị nạn.
Phái đoàn thăm các thương phế binh VNCH, Sàigòn, tháng 12, 1997
Các chính quyền Hồng Kông và Đông Nam Á có chính sách cưỡng bức hồi hương nhưng lại không có ngân sách cho việc này; họ trông cậy vào ngân sách của LHQ. Luật mà DB Smith đưa ra sẽ chặn đứng cỗ xe cưỡng bức hồi hương vì phần lớn ngân sách của LHQ lại do Hoa Kỳ đóng góp.
Khi luật này chuyển đến Toà Bạch Ốc thì Tổng Thống Bill Clinton phủ quyết nó. Nhưng bù lại, Toà Bạch Ốc đồng ý cùng với Quốc Hội tìm giải pháp cho các thuyền nhân đang ở các trại tạm dung, trước ngưỡng cửa cưỡng bức hồi hương. Người đại diện Toà Bạch Ốc để làm việc với Quốc Hội là anh Eric Schwartz, Phụ Tá Đặc Biệt về Nhân Quyền của Tổng Thống. Tôi quen anh Eric từ nhiều năm trước, khi anh ấy hãy còn là thực tập sinh của DB Stephen Solarz. Sau này, khi Bà Hillary Clinton làm Ngoại Trưởng, anh Eric được bổ nhiệm làm Giám Đốc Văn Phòng Dân Số, Tị Nạn và Di Dân của Bộ Ngoại Giao.
Sau nhiều đợt thương thảo với các chính quyền liên hệ và áp lực lên Cao Uỷ Tị Nạn LHQ, một giải pháp thành hình dưới tên Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees (ROVR) -- các thuyền nhân phiên âm thành “chương trình Rô”. Theo đó, tất cả thuyền nhân sẽ phải hồi hương và Hoa Kỳ sẽ cử nhân viên di trú đến Việt Nam phỏng vấn và nhận định cư những ai hội đủ một số tiêu chuẩn. Chúng tôi đã vận động để các tiêu chuẩn này rộng lượng tối đa trong phạm vi có thể của luật pháp Hoa Kỳ.
Chính quyền Việt Nam, lúc ấy vừa mới thiết lập bang giao với Hoa Kỳ, cũng đồng ý với giải pháp này nhưng sau đó không giữ lời. Sau khi các thuyền nhân đã hồi hương, chính quyền Việt Nam tuyên bố rằng họ không cần phải đi đâu cả vì đã ổn định với cuộc sống yên ấm ở Việt Nam. Trong khi đó hầu như ngày nào tôi cũng nhận được, qua các lá thư, lời rên siết của đồng bào cựu thuyền nhân sau khi về Việt Nam. Họ báo cho tôi biết các trường hợp bị bỏ tù, giam lỏng và trù dập.
Trước bế tắc ấy, DB Smith đã sắp xếp để anh Joseph và tôi nói chuyện riêng với Đại Sứ Douglas “Pete” Peterson, vị đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Việt Nam sau khi hai quốc gia thiết lập bang giao, khi ông ta ghé về Mỹ. ĐS Peterson tỏ vẻ quan tâm đến việc giải quyết bế tắc của thuyền nhân hồi hương. Khi chúng tôi nêu lên các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, thì ĐS Peterson nhận xét rằng tôi đã rời quê hương từ lâu nên không thấy được những thay đổi ở Việt Nam. Ông buột miệng nói, “Ông hãy về thăm Việt Nam một chuyến cho biết.” Tôi đáp lại: “Ông mời đi; tôi sẽ về trong tư cách khách mời của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ.”
Thế là phái đoàn chúng tôi chuẩn bị đi Việt Nam, gồm có DB Smith, anh Joseph, và tôi, theo lời mời của ĐS Peterson. DB Smith nhất định đòi gặp LM Nguyễn Văn Lý. Việt Nam không chấp nhận. DB Smith huỷ chuyến đi vào phút chót để phản đối. Phái đoàn chỉ còn có anh Joseph và tôi.
Lúc ấy tôi còn đang làm việc tại một trung tâm nghiên cứu của Bộ Hải Quân Hoa Kỳ. Theo đòi hỏi quốc phòng, tôi làm sẵn mọi thủ tục kiểm tra an ninh để sẵn sàng lên đường khi có chiếu khán.
Đến ngày phái đoàn lên đường, tôi vẫn chưa có chiếu khán nhập cảnh Việt Nam. Văn phòng của DB Smith liên lạc Toà Tổng Lãnh Sự Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn thì họ chỉ nói bâng quơ là đã chuyển đơn sang Toà Tổng Lãnh Sự Việt Nam bên Mexico vì đây là chiếu khán công vụ và đơn đang được cứu xét. Anh Joseph lên đường đi trước.
Sau hai ngày vẫn không có chiếu khán, tôi biết rằng phía Việt Nam cố tình nhì nhằng cho tôi bị hụt chuyến đi. Tôi quyết định bay vào Việt Nam không chiếu khán. Bằng mọi giá tôi phải vào Việt Nam vì chuyến đi đã được chúng tôi chuẩn bị với một số mục đích cụ thể, và anh Joseph rất khó xoay xở một mình.
Trước khi lên đường, tôi gọi điện thoại cho anh Bill Fleming, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Hà Nội và là một người thân quen từ lâu. Tôi dặn anh ra đón ở phi trường Nội Bài, và nếu không thấy tôi thì tìm trong… nhà giam nào đó. Anh Bill lấy vợ Việt và nói tiếng Việt rất sõi.
Ở phi trường Nội Bài, khi đến quầy kiểm tra di dân, nhân viên kiểm tra trao cho tôi một bì thư, mở ra thì là chiếu khán cấp tại chỗ. Anh Bill chở tôi về Toà Đại Sứ, nơi đây tôi gặp anh Joseph và nhân viên Toà Đại Sứ có nhiệm vụ "hộ tong" phái đoàn. Nhân viên này cho biết là bên Bộ Nội Vụ (sau này đổi thành Bộ Công An) muốn gặp riêng tôi, không có anh Joseph. Tôi trả lời là sẵn sàng với điều kiện phải có sự hiện diện của nhân viên Toà Đại Sứ Hoa Kỳ.
Tối hôm ấy, ngay trong ngày đầu có mặt ở Việt Nam, tôi cùng với một nhân viên Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ra bờ hồ dùng cơm chiều với hai giới chức Bộ Nội Vụ. Họ cho biết là họ có cả một hồ sơ dầy một gang tay về tôi và ra đường không cần giới thiệu họ cũng nhận diện được tôi. Họ nói rằng nhiều bài viết của tôi có những điểm tiêu cực về chế độ, và rằng đất nước đã đổi thay mà tôi đi xa quá lâu nên không nắm bắt được tình hình. Họ khoe rằng họ đã từng đi Hoa Kỳ nhiều lần và họp riêng với một số khuôn mặt tranh đấu trong cộng đồng Việt ở Mỹ mà tôi không xa lạ. Tôi cười cười mà không tỏ thái độ gì vì biết rằng đấy là kế ly gián.
Sau phần mào đầu, họ bày tỏ quan điểm hoài nghi về chủ ý của Hoa Kỳ trong chương trình ROVR: “Hoa Kỳ cố tình dùng vấn đề thuyền nhân để khuậy cho thủm chén nước mắm nhằm gây xáo trộn nội tình Việt Nam. Chứ không thì tại sao không định cư thẳng thuyền nhân từ các quốc gia tạm dung mà lại bắt họ hồi hương rồi mới đòi vào Việt Nam để phỏng vấn định cư họ.”
Hiểu cách nhìn đa nghi của nhà nước Việt Nam, tôi giải thích: “Không phải vậy. Hoa Kỳ muốn thực hiện phỏng vấn ở ngay các trại tạm dung và chúng tôi đã hết sức tranh đấu cho điều này. Tuy nhiên các chính quyền trong vùng không chấp nhận vì làm vậy sẽ khuyến khích thuyền nhân tiếp tục đến đất nước họ với tâm lý là cứ ở lì vài năm rồi cũng sẽ được Hoa Kỳ đón đi. Các chính quyền trong vùng quyết tâm dứt điểm làn sóng thuyền nhân.”
Hai giới chức Bộ Nội Vụ không thắc mắc hay đôi co thêm về điểm này.
Trong những ngày sau, khi vào Sàigòn, phái đoàn 2 người chúng tôi với sự hộ tống thường trực của một nhân viên lãnh sự Hoa Kỳ đã tiếp xúc với các thuyền nhân bị ép hay bị cưỡng bức hồi hương. Từ nhiều tuần trước khi lên đường, phái đoàn chúng tôi đã phải nộp cho Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam danh sách các thuyền nhân mà chúng tôi muốn gặp. Toà Đại Sứ chuyển danh sách ấy cho chính quyền Việt Nam để xin phép. Khi nhận lại thì danh sách được phép gặp phái đoàn đã bị thay đổi phần nào: có một số thuyền nhân bị gạt tên ra khỏi danh sách, và có những tên tuổi khác được đưa vào danh sách. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên.
Điều đáng ngạc nhiên là khi gặp chúng tôi, tất cả những thuyền nhân trong danh sách cho phép bởi nhà nước Việt Nam đã thố lộ tất tật nỗi uẩn ức, bất chấp có người của nhà nước ngồi ngay bên. Họ kể về những khó khăn, bức ép trong cuộc sống và về nguyện vọng được đi Mỹ. Những thuyền nhân này đều đã biết đến những hoạt động của BPSOS khi họ còn ở trong trại tạm dung và có lẽ vì vậy mà họ thà chấp nhận sự trả thù để đổi lấy hy vọng được giải cứu.
Thực ra, chúng tôi đã “thủ” sẵn một danh sách riêng, gồm những thuyền nhân mà tôi biết rằng không bao giờ được phép gặp phái đoàn chúng tôi. Những thuyền nhân này đã liên lạc với tôi từ trước và cho biết là họ đang bị quản chế, đày đoạ. Sau giờ hành chính, khi không còn nhân viên lãnh sự đi kèm, anh Joseph và tôi đi gặp họ. Ai ai cũng ta thán. Những điều họ trình bày không mới lạ gì với tôi, nhưng quan trọng là anh Joseph được nghe trực tiếp từ các thuyền nhân hồi hương để rồi tường trình với Quốc Hội, Bộ Ngoại Giao và Toà Bạch Ốc.
Dựa vào những thông tin của phái đoàn chúng tôi, cả Quốc Hội và Hành Pháp Hoa Kỳ sau đó đã cùng áp lực Việt Nam phải chấp nhận cho các thuyền nhân ra đi như là điều kiện để nới rộng quan hệ với Hoa Kỳ. Cuối năm 1998 đợt thuyền nhân đầu tiên lên đường và tổng cộng trên 18 ngàn cựu thuyền nhân đã đến Hoa Kỳ định cư. Về sau, chương trình ROVR này được nới rộng để định cư gần hai ngàn cựu thuyền nhân còn kẹt ở Phi Luật Tân -- vì không bị cưỡng bức hồi hương nên họ đã không được hưởng quyền lợi của chương trình ROVR vốn chỉ thực hiện ở Việt Nam.
Nhưng đấy chỉ là một trong ba mục đích của chuyến đi. Mục đích thứ hai là vận động mở ra chương trình tị nạn trực tiếp từ Việt Nam đến Hoa Kỳ, làm lối thoát cho những trường hợp bị đàn áp cực kỳ nặng nề. Năm 1996 khi quốc tế, với sự đồng lòng của Hoa Kỳ, quyết tâm chấm dứt con đường vượt biển tìm tự do thì cũng có nghĩa là nạn nhân của sự đàn áp ở Việt Nam sẽ hoàn toàn không còn lối thoát. Đây là một triển vọng đen tối, nhất là cho những người tranh đấu cần thoát hiểm.
Anh Joseph và tôi cố gắng thuyết phục ĐS Peterson ủng hộ cho việc mở lại chương trình P1 (Priority One), vốn đã bị chấm dứt vì Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ muốn đóng lại tất cả mọi chương trình tị nạn cho người Việt -- kể cả thuyền nhân, HO, con lai và P1 -- để rộng đường phát triển quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sau nhiều lần trao đổi, cuối cùng ĐS Peterson đồng ý sẽ bày tỏ với Bộ Ngoại Giao sự ủng hộ việc mở lại chương trình P1.
Đây là một chương trình định cư tị nạn trực tiếp từ các quốc gia vi phạm nhân quyền mà không qua sự môi giới của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ. Chương trình này ít phổ biến ra ngoài, có tiêu chuẩn rất khắt khe, và chỉ dành cho những trường hợp được đề nghị bởi Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở mỗi quốc gia.
Khi về Hoa Kỳ, chúng tôi phối hợp với DB Smith và anh Eric Schwartz, Phụ Tá Đặc Biệt về Nhân Quyền của Tổng Thống, để thúc đẩy Bộ Ngoại Giao mở lại và nới rộng chương trình P1. Cuối cùng chương trình P1 được mở lại, và được nới rộng hiểu theo nghĩa là, ngoài Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội thì các nhà lập pháp ở Quốc Hội và một số tổ chức chọn lọc cũng có quyền giới thiệu hồ sơ để được cứu xét theo diện P1.
Từ đó đến nay khoảng 50 người thuộc nhiều thành phần đã được định cư qua chương trình P1 này. Trong đó có các nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền, một số mục sư Tin Lành, nhiều giáo dân Công Giáo, một số tu sĩ Phật Giáo, và một vài thành viên của Phật Giáo Hoà Hảo. Các người cháu của LM Nguyễn Văn Lý, trong đó Nguyễn Vũ Việt vừa được thụ phong linh mục là được nhiều người biết đến, và gia đình cũng đến Hoa Kỳ qua chương trình P1 này.
Gia đình các người cháu của LM Nguyễn Văn Lý khi vừa đặt chân đến Hoa Kỳ, 23 tháng 9 2005. Bà Ngô Thị Hiền (đứng giữa), Chủ Tịch Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam, đón họ ở phi trường.
Mục đích thứ ba của chúng tôi mang ý nghĩa sâu rộng hơn cả. Đó là bắc những cầu nối đầu tiên giữa các nhà bất đồng chính kiến ở trong nước với các giới chức chính phủ Hoa Kỳ. Ý của chúng tôi là từng bước thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận những nhà bất đồng chính kiến là thành phần đối tác song hành với chính quyền Việt Nam.
Trong thời gian ngắn ngủi 2 ngày ở Hà Nội và 2 ngày ở Sàigòn, dù bị theo dõi rất gắt, chúng tôi đã đi gặp những người như: Ông Hoàng Minh Chính, Ts. Nguyễn Thanh Giang, Tướng Trần Độ, LM Chân Tín, gia đình cụ Vũ Đình Huỳnh, gia đình cụ Trần Hữu Duyên bên Phật Giáo Hoà Hảo, một số nhà sư bên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất... Lúc ấy chưa có việc Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tiếp xúc với các thành phần bất đồng chính kiến. Khi anh Joseph và tôi gặp ba tu sĩ Phật Giáo ở một góc đường vắng vẻ, hoàn toàn nằm ngoài thời khoá biểu chính thức, nhân viên lãnh sự đi cùng hốt hoảng tuyên bố: “Tôi không biết gì về việc này. Tôi không muốn bị phiền hà với chính quyền Việt Nam.” Và anh ấy bỏ đi một mạch, để chúng tôi ở lại nói chuyện với các nhà sư.
Người làm tôi cảm kích nhất là Tướng Trần Độ. Vị tướng về hưu này rất bộc trực. Hồi tưởng tuổi thanh niên tham gia Việt Minh, Ông tâm sự: “Lúc ấy thấy Pháp ác với dân mình, nên nghe Việt Minh chống Pháp thì tôi theo chứ có biết gì về chủ nghĩa cộng sản.” Anh Joseph hỏi tiếp là bây giờ thì nghĩ sao về chế độ cộng sản. Tướng Trần Độ trả lời không ngập ngừng: “Chế độ này còn tệ hơn thực dân Pháp trước kia” và trưng dẫn một loạt những lý do để minh chứng cho nhận xét này. Tướng Trần Độ góp nhiều ý kiến thực tiễn để Quốc Hội Hoa Kỳ có thể giúp tiến trình dân chủ hoá Việt Nam.
Tại mỗi buổi gặp gỡ, bên cạnh những trao đổi riêng, chúng tôi đều hỏi một câu hỏi chung, “nếu như Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành luật để yểm trợ vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì nên có những điều khoản nào và có nên kèm theo những biện pháp chế tài?”
Lúc ấy ở hải ngoại có những luồng dư luận cho rằng những nhà bất đồng chính kiến kể trên là “đối lập cuội”. Thực ra những ý kiến mà chúng tôi thu thập từ họ đã góp phần không nhỏ cho nội dung của Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam mà DB Smith đưa ra sau đó. Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam đã trở thành một phương tiện tranh đấu nhân quyền suốt từ đó đến giờ.
Đối với các nhà bất đồng chính kiến, lần tiếp xúc trực tiếp đầu tiên này với một giới chức Hoa Kỳ là yếu tố cổ động tinh thần và đã mở cửa cho những lần tiếp xúc tiếp theo. Khi trở về Hoa Kỳ, anh Joseph và tôi cùng viết bài trên báo Asian Wall Street Journal để giới thiệu các khuôn mặt bất đồng chính kiến ở Việt Nam với quốc tế. Chúng tôi sắp xếp để hễ có phái đoàn Quốc Hội đến Việt Nam thì gặp gỡ các nhà bất đồng chính kiến. Chúng tôi khuyến khích ĐS Peterson và các giới chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tiếp xúc thường xuyên với các nhà bất đồng chính kiến. Dần dà, việc tiếp xúc này trở thành thông lệ, không còn như năm 1997 khi mà nhân viên lãnh sự Hoa Kỳ hốt hoảng bỏ đi khi bất ngờ thấy chúng tôi gặp một số nhà sư áo vàng ở một góc đường vắng giữa Sàigòn.
Chúng tôi không ngưng ở đó. Khi các nhà tranh đấu ở trong nước đến Hoa Kỳ, hoặc định cư tị nạn hoặc chỉ là thăm viếng, chúng tôi đã sắp xếp để họ tiếp xúc các giới chức Bộ Ngoại Giao và các thành viên Quốc Hội, và có khi ra điều trần trước Quốc Hội. Mục đích là đưa tiếng nói của đội ngũ tiên phong của phong trào dân chủ ở quốc nội đến với chính giới Hoa Kỳ.
Nguyễn Vũ Việt, cháu của LM Nguyễn Văn Lý, chia sẻ với DB Christopher Smith về tình trạng tù đày của LM Lý và các vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam, năm 2005.
Cứ vậy, tiếng nói của các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam được lắng nghe bởi ngày càng nhiều giới chức Lập Pháp và Hành Pháp Hoa Kỳ.
Có lẽ vì vậy mà từ đó trở đi, mỗi khi phái đoàn của chính phủ Hoa Kỳ đi Việt Nam mà có tên tôi thì chính quyền Việt Nam nói thẳng ra là sẽ không cấp chiếu khán, chứ không còn úp mở như trước. Thực ra tôi không có nhu cầu đến Việt Nam lần hai vì chuyến đi năm 1997 đã tạo đủ cơ hội để tiếp tục khai dụng từ hải ngoại.
Từ chuyến đi ấy, tôi rút ra những suy nghiệm có thể soi sáng một số vấn đề hôm nay.
(1) Công cuộc vận động cho Việt Nam là một hành trình, và thành quả được gặt hái trên mỗi chặng đường chứ không phải ở cuối lộ trình theo tinh thần “được ăn cả, ngã về không”. Trước đây, luật chống cưỡng bức hồi hương thuyền nhân Việt Nam do DB Smith đưa ra đã bị TT Clinton phủ quyết, nhưng áp lực của Quốc Hội đủ mạnh để Toà Bạch Ốc phải tương nhượng và hợp tác giải quyết tình trạng thuyền nhân một cách nhân đạo. Tương tự, chúng ta cần khai thác Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam (HR 1897) ngay trong tiến trình đang vận động để áp lực Hành Pháp Hoa Kỳ có thái độ mạnh mẽ về nhân quyền trong mọi đối tác với Việt Nam, nhất là trong tiến trình thương thảo mậu dịch đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đòi tự do cho tất cả tù nhân lương tâm.
(2) Thay vì nói hộ, chúng ta cần tạo tiếng nói và thế đứng cho những người đấu tranh ở trong nước trên trường quốc tế: đừng để bóng mình che khuất ánh sáng chiếu rọi vào đội ngũ tiên phong này. Chính những tiếp xúc trực tiếp với các nhà đấu tranh ở trong nước hay vừa đến Hoa Kỳ đã thôi thúc DB Christopher Smith và một số vị dân biểu khác tranh đấu không mệt mỏi cho nhân quyền ở Việt Nam trong suốt 16 năm qua. Mới đây phái đoàn nhân viên lập pháp của Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ cũng gặp một số “sĩ phu Nam Hà và Bắc Hà”; những góp ý của họ cũng sẽ có tác dụng tương tự.
(3) Chúng ta cần bảo vệ cho những người tranh đấu khi họ gặp nguy nan, không những vì đạo đức nhân bản mà còn vì nghĩa vụ bảo vệ đội ngũ tiên phong của nền dân chủ tương lai. Trước đây đã có người lập luận rằng thà để các nhà tranh đấu đi tù, chứ giúp họ thoát ra ngoại quốc thì không còn người ở lại đấu tranh. Tôi quan niệm ngược lại: Những nhà tranh đấu vẫn góp phần tích cực, dù ở trong nước hay ở ngoài nước, khi họ còn cơ hội hoạt động. Ra ngoài, vai trò có thể thay đổi nhưng họ vẫn đóng góp cho việc chung, và chắc chắn hữu dụng hơn là ngồi tù. Vận động cho chương trình P1 trước đây hay hoạt động ở Thái Lan hiện nay để bảo vệ cho đồng bào tị nạn, trong đó có không ít các nhà đấu tranh vừa thoát hiểm, thể hiện quan điểm này của chúng tôi.
(4) Chúng ta nên có cách nhìn rộng lượng đối với những người từng phục vụ cho chế độ nhưng nay đã nhìn ra vấn đề, đã chuyển hướng và đang quyết tâm tranh đấu cho lẽ phải, cho sự sống còn của dân tộc. Chúng ta không nên vội vã kết luận rằng họ là “cò mồi”. Có cách để đo lường thực tâm của mỗi người nhưng phải hành động kín đáo và khéo léo. Những người như Tướng Trần Độ, Ông Hoàng Minh Chính, LM Chân Tín… không thể là “đối lập cuội” khi họ kêu gọi các vị dân biểu Hoa Kỳ tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam. Nhiều người mà chúng tôi tiếp xúc năm 1997 nay đã ra người thiên cổ, không thể biện bạch cho chính mình, nên tôi càng thấy có trách nhiệm lên tiếng vì công tâm và cũng để cảnh giác cho nhau tâm lý phán đoán người khác “có tội cho đến khi chứng minh được mình vô tội”. Cách nhìn ấy không phù hợp tinh thần dân chủ mà chúng ta đang cổ suý.
(5) Những đòn ly gián sẽ vô hiệu nếu chúng ta đủ sáng suốt để không trở thành chiếc loa khuếch tán các luận điệu gây dị nghị mà chính quyền Việt Nam nhả ra nhằm lũng đoạn tập thể người Việt tị nạn. Thái độ cả tin đối phương để rồi hoài nghi người cùng chiến tuyến là yếu tố nguy hiểm hơn Nghị Quyết 36 gấp bội.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
No comments:
Post a Comment