Thuyền nhân hoang mang
Vừa qua, thông tin từ trại tạm cư Yongah Hill cho biết có các công an thuộc cục xuất nhập cảnh Việt Nam đã vào trại để lấy lý lịch và lời khai của các thuyền nhân trong trại. Việc này đã gây hoang mang lo sợ cho các thuyền nhân.
Bắt đầu ngày thứ tư tuần qua, người Việt trong trại giam giữ di trú Yongah Hill (Northam) đã được gọi lên để gặp nhân viên của cục xuất nhập cảnh Việt Nam, theo lời kể của trại viên, trong vòng 3 ngày, đã có hơn 100 người Việt gặp 3 nhân viên của cơ quan công an CP A18 thuộc cục xuất nhập cảnh Việt Nam. Mục tiêu cuộc tiếp xúc là để lấy lời khai về lý lịch cũng như lý do xin tị nạn của thuyền nhân. Tuy nhiên, những câu hỏi của nhân viên cục xuất nhập cảnh đã làm cho nhiều người lo sợ và hoang mang. Một trại viên tên Yên Bình cho biết nội dung của cuộc gặp kéo dài 7 phút đó như sau:
“Sáng hôm thứ tư tuần rồi, bọn em 30 người được gọi lên; bên di trú có nói rằng: đây là cơ quan chính quyền Việt Nam, chúng tôi mời sang để xác minh lý lịch của các bạn. Vào đó thì họ hỏi tên,địa chỉ, quê quán, ngày tháng năm sinh, họ tên Cha Mẹ, anh chị em như một bản lý lịch trích ngang và có 1 câu là: Nếu trở về Việt Nam thì bạn sẽ trở về địa chỉ nào và câu tôi xin cam đoan những lời khai trên đây là sự thật, nếu sai trái tôi xin cam đoan hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam và phải ký tên xác nhận vào đó. Thật ra thì mọi người có thắc mắc là tại sao bọn em bỏ đất nước ra đi rồi, sang đây rồi mà lại đưa cơ quan chính quyền Việt Nam sang đây để tra xét bọn em thì bọn em rất là thắc mắc, không hiểu họ làm cái nội dung gì.”
Tại sao bọn em bỏ đất nước ra đi rồi, sang đây rồi mà lại đưa cơ quan chính quyền Việt Nam sang đây để tra xét bọn em?
-Anh Yên Bình
Ngày đầu, mọi người nhận được giấy mời lên để gặp nhân viên cục xuất nhập cảnh, nhưng sau đó, có một số người phản đối không lên, họ đã xuống tận phòng đển gọi từng người lên lấy lời khai. Anh Bảo Long, dù đã bị trả hồ sơ ngày 15/8 vừa qua, vẫn bị gọi lên, anh cho biết sự bất bình trước thái độ quan liêu của nhân viên cục xuất nhập cảnh mà anh đã làm việc trong vòng 20 phút như sau:
“Ông này không có một thái độ nào tiếp khách hết. Em vào thì ông ấy chỉ lo xử dụng điện thoại để nhắn tin. Sau đó khoảng 1 phút thì ông ấy hỏi em họ tên, quê quán, ngày sinh ở đâu. Ông ấy không xưng tên và với thái độ làm việc không nhiệt tình, thái độ làm việc rất là quan liêu. Họ tự xưng họ là người của cục Xuất nhập cảnh Việt Nam và bọn em tìm hiểu là cục xuất nhập cảnh này còn có tên viết tắt là CP A18, gọi là công an A18 Việt Nam. Họ hỏi em với nhiều câu hỏi, cụ thể là họ tên, gia đình, quê quán, Cha Mẹ và vợ con. Hỏi đường đi như thế nào, đi từ đâu đến đâu.Và có câu hỏi là: giờ thích gì, em trả lời là thích được chính phủ Úc chấp nhận đơn tị nạn, ông ấy hỏi tiếp là: có cái gì để xin tị nạn. Theo lời bộ Di trú Úc dặn là chỉ khai về thân nhân, về lý lịch hồ sơ, còn những gì liên quan đến xin tị nạn thì không khai và ông nhấn mạnh câu này với em hai lần là: có những cái gì để xin tị nạn thì em trả lời là có giấy tờ bản thân.
Thì những giấy tờ liên quan đến chính quyền Việt Nam thí dụ như là những cáo trạng hay là những giấy tờ mà chính quyền đã kết án nhưng mà kết án sai, thí dụ như tụi em đi biểu tình thì họ kết án em là gây rối trật tự công cộng và bị đánh đập thương tích trên người và những giấy quấy rối, triệu tập rất nhiều lần trong cuộc sống, trong 10 ngày mà họ triệu tập đến 3-4 lần và lần cuối thì áp tải đến cơ quan huyện và điện thoại của xã hội đen đến để đe dọa mình không được tham gia các tổ chức, các sinh hoạt tôn giáo hay là các cuộc biểu tình mình tham gia đòi quyền lợi gì cho dân cả.”