Friday, August 9, 2013

Kẻ phá đường không ai ngờ tới: Những “cỗ máy” phá đường đến từ bên kia biên giới

VOV.VN - Phóng sự điều tra với nhiều tình tiết bất ngờ sẽ làm lộ diện những kẻ phá đường lâu nay vẫn “âm thầm trong bóng tối”...


Từ thông tin tố giác của bạn đọc, VOV phát hiện một “qui trình” nhập khẩu xe tải hạng nặng với thùng xe “khủng” bất chấp Thông tư 31, 32 của Bộ GT-VT, ngày đêm phá nát các tuyến đường giao thông nội địa. 
Xe quá khổ ào ạt... qua biên

Nhằm chấm dứt tình trạng xe quá khổ được nhập về phá nát đường nội địa, ngày 9/8/2012, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng ký ban hành Thông tư 32 qui định cụ thể kích thước giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ..., giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam thực thi. Sau 45 ngày, Thông tư 32 bắt đầu có hiệu lực, hoạt động nhập khẩu xe tải hạng nặng đột nhiên “im ắng”. Nhưng chỉ là sự “im ắng” tạm thời, để rồi không lâu sau đó, xe tải tự đổ có kích thước thùng “khủng” bất chấp Thông tư 32 lại tấp nập nhập về. Nhìn vào biểu đồ nhập khẩu của cơ quan hải quan và cơ quan đăng kiểm có thể thấy rõ sự tăng đột biến xe tải tự đổ từ tháng 5/2013. Cụ thể, nếu tháng 10/2012, tháng trước thời điểm Thông tư 32 bắt đầu có hiệu lực, số xe tải tự đổ nhập về là 149 xe, thì cả 5 tháng sau đó (từ tháng 12/2012 đến tháng 4/2013) tụt xuống chỉ còn 45 xe, trong đó có 35 xe quá khổ; rồi tháng 5/2013, lại vọt lên 145 xe, trong đó có 24 xe quá khổ.
Xe khẩu xe tải hạng nặng với thùng xe “khủng” bất chấp Thông tư 31, 32 của Bộ GT-VT qua cửa khẩu Hữu Nghị
Cũng vào thời điểm đó, trên đường phố Thủ đô, cũng như nhiều tuyến quốc lộ, một thực tế dễ nhận là các "hung thần" xe quá tải ngang nhiên phá nát đường phố trước bức xúc của người dân và sự “bất lực” của các cơ quan chức năng. Một lần nữa, quy trình kiểm soát xe tải nhập khẩu nhằm hạn chế tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu hành trong nội địa lại thủng một lỗ to tướng.
Trong vai doanh nghiệp có nhu cầu mua số lượng lớn xe Dongfeng, Howo có xuất xứ từ Trung Quốc, phóng viên VOV đã tìm tới kho hàng KeLen của Cty TNHH KeLen Việt Nam, có địa chỉ tại Km 18 + 500 Quốc lộ 5. Kho hàng và bãi xe Kalen rộng hơn 1ha, bày bán xe Dongfeng, Howo. Toàn bộ thùng xe đã được tháo khung xe. Ông Nghiêm Đức Tiến, Phụ trách kinh doanh của Cty này khẳng định, hiện các doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện nghiêm Thông tư 32 nên không nhập xe có thùng to nữa. Nhưng ông Tiến lại “bật mí”: “Các anh nên mua xe ở đây, bởi giá tốt. Muốn có thùng to không khó…”.
Tại Cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, trái với lời khẳng định của ông Nghiêm Đức Tiến, phóng viên VOV tận mắt chứng kiến những xe tải hạng nặng Dongfeng, Howo có thùng ben kích thước “khủng”  vẫn được nhập khẩu về Việt Nam. Dù là xe 2 chân, 3 chân, 4 chân… chúng đều có đặc điểm chung là thùng xe có chiều cao khoảng 2m, giống hệt chiều cao của các xe đã nhập về trước thời điểm Thông tư 32 có hiệu lực. Tuy nhiên, điểm khác biệt là thành thùng xe cũ thì kết cấu liền một mảnh cao 2m, còn thành thùng xe mới thì được thiết kế thành hai tầng 700 + 1.300, ghép lại với nhau cũng vươn tới độ cao... 2m! Với loại 4 chân, có trọng lượng bản thân 20,25 tấn, thùng xe có kích thước: Dài x rộng x chiều cao là 7.800 x 2.300 x 2.000.
Sau nhiều ngày “mật phục” ở Cửa khẩu Hữu Nghị, phóng viên VOV phát hiện một “dòng chảy” xe nhập khẩu có thùng xe kích thước “khủng” như sau: Mỗi lô xe khoảng 10 -15 chiếc nối đuôi nhau qua Cửa khẩu Hữu Nghị, chạy thêm khoảng 500m nữa liền vào bãi tập kết của Hải quan Hữu Nghị, nằm cạnh Bưu điện Hữu Nghị. Sau đó, những chiếc xe này lại nối đuôi nhau đi ra khỏi bãi tập kết, chạy thẳng vào nội địa mà không gặp phải bất cứ sự ngăn chặn nào của các cơ quan chức năng mặc dù có kích thước vi phạm quy định của Thông tư 32. Tại sao?
Biến thùng to thành... thùng nhỏ 

Lọt qua cửa khẩu, những chiếc xe có thùng kích thước khủng Dongfeng, Howo chạy sâu vào nội địa, tập kết tại các showroom, kho hàng… của các công ty nhập khẩu. Theo qui định tại Thông tư 31, ngày 16/4/2011, sau khi nộp bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra, cá nhân và doanh nghiệp nhập khẩu sẽ thống nhất với cơ quan đăng kiểm thời gian và địa điểm kiểm tra để được cấp Chứng chỉ chất lượng xe nhập khẩu. Chính vì vậy, doanh nghiệp nhập khẩu đã “vô tư” vi vu xe vào nội địa và có điều kiện “phù phép” cho thùng xe có kích thước phù hợp với quy định của Thông tư 32. Họ đã làm như thế nào?
Nối thêm phần sát-xi, thùng xe có chiều dài 10,8m. Thể tích thùng xe "khủng" đạt 78,89m3
Đối với xe có thành thùng liền, họ cho tháo toàn bộ thùng xe, đem giấu đi; đối với xe có thành thùng xe có kết cấu 2 miếng, tháo miếng ghép phía trên khiến chiều cao của thành thùng xe được hạ xuống, đạt chuẩn 0,65 - 0,7m.
Để chứng kiến trò gian của công ty nhập khẩu xe, phóng viên VOV tìm cách tiếp cận các lô xe mới được nhập về và ghi được những bằng chứng sống động.
Ngày 11/5/2013, trong vai người mua hàng, phóng viên VOV đã đến showroom Khang Thịnh, tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi, Km14, Quốc lộ 1A, Ngọc Hồi (Hà Nội). Người bảo vệ ở đây cho biết, nhân viên kinh doanh đi vắng nên anh không biết giá cả. Theo quan sát của phóng viên, khuôn viên của showroom không được rộng rãi nên toàn bộ số xe mới nhập phải đưa ra phía ngoài để tháo rời thùng xe, tháo bỏ miếng ghép phía trên của thành thùng xe. Cụ thể: Toàn bộ xe 3 chân, 4 chân màu xanh dương đã được tháo rời thùng xe. Có 4 chiếc xe 2 chân Dongfeng màu vàng có thùng to đang được các công nhân mặc áo xanh tháo bỏ miếng ghép phía trên của thành thùng xe. Miếng ghép được tháo rời, các công nhân tiếp tục khiêng những miếng ghép này sang ô đất trống bên cạnh Showroom Khang Thịnh. Có một chiếc xe 2 chân Dongfeng có thùng xe kích thước “khủng”, nằm sát biển thương hiệu Khang Thịnh COLTD, miếng ghép phía trên của thành thùng xe chưa được tháo bỏ. Tuy nhiên, quay trở lại vào ngày hôm sau, phóng viên VOV đã thấy thùng xe của chiếc xe này đã được “phù phép” từ kích thước “khủng” thành kích thước “hiền lành”.
Cũng tương tự, ngày  17/5/2013, tại Kho hàng KeLen nằm trên Quốc lộ 5, thùng xe của tất cả các xe 3 chân, 4 chân đều đã được tháo khỏi thân xe.
Biến quá khổ thành... “khủng long”

“Qui trình” biến xe thùng to thành thùng nhỏ kể trên được thực hiện để qua mặt cơ quan đăng kiểm, đảm bảo xe được cấp Chứng chỉ chất lượng và bảo vệ môi trường. Còn khi bán xe cho khách hàng, các doanh nghiệp nhập khẩu lại làm “qui trình” ngược lại để hấp dẫn khách hàng. Có nghĩa là, xe nhập khẩu nhập về đã có kích thước thùng xe nguyên bản vượt quá qui định của Thông tư 32, lại được tiếp tục “gia cố” “khủng” hơn để chở được nhiều hàng.
Xưởng chế thùng xe "khủng"
Trở lại Kho hàng KeLen, chúng tôi ngỏ lời mua một đội xe gồm 5 chiếc Dongfeng 4 chân nhưng với điều kiện là phải có thùng xe thật “khủng”.  Ông Nghiêm Đức Tiến cho biết: Mỗi chiếc Dongfeng 4 chân không có thùng xe có giá 1,17 tỷ đồng, “còn các anh muốn có thùng xe “khủng”, tùy từng loại, chỉ cần đầu tư thêm 150 - 200 triệu là có thùng xe ưng ý…”. Vờ ưng thuận phương án này, chúng tôi cùng ông Tiến rời bãi xe KeLen, đi thêm 5km nữa tới xưởng đóng thùng xe của Công ty TNHH DVTN & Vận tải Hải Việt tại xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tại đây, trước yêu cầu muốn có một thùng xe “khủng” của chúng tôi, một nhân viên phụ trách kỹ thuật sau một hồi tính toán đã đưa ra con số 200 triệu đồng. Dẫn chúng tôi ra sân, kỹ thuật viên này cho chúng tôi “mục sở thị” một chiếc xe Dongfeng 3 chân đã được xưởng đóng thùng xe kích thước “khủng” theo yêu cầu của một chủ xe ở Thanh Hóa. Anh kỹ thuật viên còn hào hứng cho biết: “Chúng tôi còn phải đóng thêm 5 chiếc nữa theo yêu cầu của chủ xe”.
 Cũng theo lời giới thiệu của anh kỹ thuật viên, chiếc xe Dongfeng 3 chân trước mắt chúng tôi có chiều dài thùng 9,8m, khi chở hàng sẽ nối thêm sát-xi nữa thì dài thành 10,8m; chiều cao của thùng xe “ngất ngưởng” 3,5m; chiều rộng vào khoảng 2,3m. Tính ra, thùng xe “khủng long” này có thể tích tới 78,89m3.  Chúng tôi thật sự “choáng” và không thể không đặt câu hỏi về độ an toàn khi cho “khủng long” tham gia giao thông, nhất là phần sát-xi nối thêm có thể bị gãy. Anh nhân viên kỹ thuật cười cười: “Đúng là thùng xe dài, khi chở hàng nặng và chuyển hướng lái xe sẽ có cảm giác hơi bị trẹo tay, xe bị văng. Nhưng về độ bền của sát-xi thì bảo đảm có chở đến 50 - 70 tấn hàng cũng không bị gãy…”. Nghe vậy, chúng tôi lặng im và nghĩ tới những tuyến đường, cây cầu sẽ quằn quại như thế nào vì những chiếc xe này. Tưởng chúng tôi đang lo nghĩ tới vấn đề kiểm định thường kỳ, nhân viên kỹ thuật liền tận tình hướng dẫn chúng tôi cách “qua mặt” Cục Đăng kiểm Việt Nam, rằng: “khi đưa xe đi kiểm định, các anh chỉ cần tháo sát-xi và tháo bớt chiều cao của thùng xe là xong…”.
Theo khảo sát của chúng tôi, nhu cầu của thị trường về xe 2 chân, 3 chân, 4 chân Dongfeng, Howo là khá lớn. Tùy từng sản phẩm, giá một chiếc xe tải hạng nặng dao động từ 670 triệu  đến 1,4 tỷ đồng. Sau khi trừ đi thuế, chi phí khác, mỗi doanh nghiệp có thể bỏ túi 200 - 300 triệu đồng/xe. Đấy là chưa kể lợi nhuận mà các doanh nghiệp tiếp tục thu được sau khi thực hiện “dịch vụ” đóng cho thùng xe “khủng” hơn.
Cũng theo điều tra của chúng tôi, các doanh nghiệp nhập khẩu buộc phải mua xe Dongfeng, Howo vì loại xe này hấp dẫn chính ở thùng to, chở được nhiều hàng; với doanh nghiệp chuyên san lấp mặt bằng thì thực sự là sự lựa chọn số 1. Một doanh nghiệp đề nghị giấu tên cho hay: "Nếu thực hiện đúng luật, chở đúng tải thì chỉ có ăn cám! Đội xe trị giá cả tỷ đồng có nguy cơ thành đống sắt vụn. Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đang cạnh tranh nhau gay gắt khiến giá thành vận tải đang bị đưa xuống thấp quá mức. Do đó, không còn cách nào khác, chủ xe buộc phải chỉ đạo lái xe chở quá tải để tiết kiệm chi phí. Điều này lý giải vì sao đội xe Dongfeng, Howo đang ngày càng đông, chiếm số lượng áp đảo trên thị trường…”.
Đến đây, bất kỳ ai quan tâm đến “cuộc chiến” chống xe quá khổ, quá tải đang ngày đêm phá nát hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam, không thể không đặt câu hỏi: Vì sao những chiếc xe “khủng long” lại lọt qua sự kiểm soát của các cơ quan chức năng và hoành hành trên các tuyến đường?./.



Kẻ phá đường không ai ngờ tới:

“Thượng phương bảo kiếm” chém vào… hư vô!

VOV.VN -Nhiều xe vi phạm vẫn được nhập khẩu vô tư thì đại diện Đăng Kiểm và Hải quan tỏ ra… không hay biết!
Chịu trách nhiệm kiểm soát việc nhập khẩu xe là hai cơ quan: Đăng kiểm và Hải quan. Tuy nhiên, khi phóng viên VOV phản ánh thông tin nhiều xe vi phạm vẫn được nhập khẩu vô tư thì đại diện cả hai đơn vị tỏ ra… không hay biết! Cục Đăng kiểm Việt Nam ngay sau đó đã có công văn gửi VOV đề nghị được cung cấp thông tin để có căn cứ xử lý (Công văn số 1553/ĐKVN-VAQ ngày 17/7/2013 do Cục trưởng Trịnh Ngọc Giao ký)...
Hàng rào pháp lý
Bằng cách nào những chiếc xe tải hạng nặng, to như con voi, lại lọt qua sự kiểm tra của cả Cục Đăng kiểm lẫn Hải quan để tung hoành trong nội địa? Quy định của văn bản pháp luật còn lỏng lẻo hay cơ quan chức năng đã làm ngơ, tiếp tay cho doanh nghiệp (DN)?
Hải quan Lạng Sơn: "Chúng tôi không có trách nhiệm thực thi Thông tư 32"
Để có câu trả lời, ngày 2/7/2013, phóng viên VOV có buổi làm việc với đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, gồm các ông: Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới; Ngô Xuân Trường, Tổ phó Tổ ô tô; Nguyễn Tô An, Đội trưởng Đội kiểm tra chất lượng xe khu vực I. Tại buổi làm việc, phóng viên VOV đã đưa ra những bức ảnh chụp xe tải hạng nặng có thùng kích thước “khủng”.
Cầm tấm ảnh trên tay, ông Nguyễn Tô An, Đội trưởng Đội kiểm tra chất lượng xe cơ giới Khu vực I nói ngay: “Kích cỡ thùng xe như trong ảnh là vi phạm Thông tư 32”.
Để làm rõ hơn, phóng viên yêu cầu kiểm tra thông tin về chiếc xe tải được chụp trong ảnh, có số khung: LZZ5EXSD7DN809259.
Sau một hồi rà soát thông tin, ông An cho biết: Xe này của Công ty Cổ phần Thu Ngân, đã hoàn tất việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Tại thời điểm xuất trình phương tiện để cơ quan đăng kiểm kiểm tra, kích thước thùng xe đều đạt tiêu chuẩn của Thông tư 32. Đến thời điểm này, xe đã được bán cho một DN vận tải ở Bắc Giang.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, để kiểm tra xe cơ giới nhập khẩu, cơ quan đăng kiểm thực hiện theo qui định tại Thông tư 31 và Thông tư 32.
Thông tư 31 có tên “Qui định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu” do Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng ký ngày 15/4/2011, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2011, gồm 4 chương, 14 điều, qui định rất chi tiết, cụ thể quá trình kiểm tra.
Kèm theo Thông tư dày 14 trang này là các phụ lục với các tờ mẫu viết cả tiếng Việt và tiếng Anh về: Giấy đăng ký chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; Bản kê chi tiết xe; Bản đăng ký thay đổi thời gian và địa điểm kiểm tra; Bản đăng ký Thông số kỹ thuật xe; Thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; Thông báo không đạt chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu; và Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Thông tư 32 có tên “Quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ, rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc tải tự đổ, ô tô xi-téc, rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc xi-téc tham gia giao thông đường bộ” do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký ngày 9/8/2012, có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, gồm 5 điều, trong đó qui định cụ thể về kích thước thùng chở hàng của xe tự đổ và xe xi-téc.
Tìm hiểu nội dung của 2 Thông tư kể trên, một cán bộ trong ngành giao thông mà chúng tôi tham vấn cho rằng, nếu thực thi nghiêm túc, khó có thể có chiếc xe vi phạm nào “lọt lưới”, “con voi không thể chui lọt lỗ kim”!..
Vì sao vẫn... “lọt”!
Cũng trong buổi làm việc với các đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, câu chuyện “lọt qua mắt lưới” được diễn giải như sau: Theo quy định của Thông tư 31, khi DN nhập khẩu ô tô thì phải nộp cho Cục Đăng kiểm một bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra lô hàng.
Trên cơ sở này, Cục Đăng kiểm sẽ xem xét, đối chiếu hồ sơ đăng ký kiểm tra với các quy định hiện hành liên quan đến xe cơ giới và xử lý như sau: Nếu hồ sơ đăng ký kiểm tra chưa đầy đủ theo quy định thì cơ quan kiểm tra sẽ hướng dẫn tổ chức, cá nhân nhập khẩu bổ sung, hoàn thiện lại; Nếu hồ sơ đăng ký kiểm tra đầy đủ thì cơ quan kiểm tra sẽ xác nhận vào Giấy đăng ký kiểm tra, đồng thời thống nhất với tổ chức, cá nhân nhập khẩu về thời gian và địa điểm kiểm tra… Đến đây, DN gửi cho hải quan bộ hồ sơ đã có xác nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam vào Giấy đăng ký kiểm tra lô hàng để làm thủ tục tạm thời thông quan. Và đương nhiên, toàn bộ số xe ô tô này nghiễm nhiên ra khỏi bãi xe hải quan.
Như vậy, Giấy đăng ký kiểm tra lô hàng có sự xác nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam có giá trị như một chiếc chìa khóa để tạm giải phóng lô hàng. Ở chiều ngược lại, nếu không có sự xác nhận kiểm tra lô hàng của Cục Đăng kiểm thì chắc chắn lô hàng sẽ không thể ra khỏi bãi của hải quan.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tô An, Đội trưởng Đội kiểm soát khu vực I lập luận rằng, cho đến thời điểm cơ quan đăng kiểm chưa cấp chứng chỉ chất lượng thì trách nhiệm chính vẫn thuộc hải quan vì lô hàng mới được tạm thời giải phóng, tạm đưa về kho bãi của DN và chưa hoàn tất thủ tục thông quan.
Còn về trách nhiệm của Cục Đăng kiểm, theo Thông tư 31 quy định, trước tiên chỉ kiểm tra lô hàng thông qua bộ hồ sơ của DN, sau đó mới có kết luận xe đạt yêu cầu hay không khi chính thức tiến hành kiểm tra thực tế xe tại địa điểm đã thống nhất với DN.
Như vậy, có thể thấy, cả một quãng thời gian rất dài, xe di chuyển từ biên giới về đến kho bãi của DN nhưng không có sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan đăng kiểm. Nếu DN cố tình vi phạm thì họ sẽ chủ động đăng ký để có dư thời gian “phù phép” xe Dongfeng, Howo có thùng xe vi phạm thành thùng xe phù hợp với Thông tư 32 mà chúng tôi đã phản ánh ở phần đầu loạt phóng sự điều tra này.
Để “chốt” lại nội dung, chúng tôi nêu câu hỏi: Vì sao Cục Đăng kiểm không cử cán bộ kiểm soát chặt chẽ xe ngay từ biên giới? Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam trả lời: Việc kiểm soát phải thực thi theo đúng quy định của Thông tư 31, chỉ kiểm tra thực tế khi xe đã về kho, bãi của DN...
Việc Thông tư 31 qui định không tiến hành đăng kiểm xe tải hạng nặng ngay tại cửa khẩu như qui trình nhập khẩu xe ô tô du lịch, quả là có tạo “kẽ hở” cho DN cố tình vi phạm “lách luật”. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân. 
Và... chưa “trảm” được ai!
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới, sau gần 9 tháng Thông tư 32 có hiệu lực thi hành, cơ quan đăng kiểm đã lập đủ hồ sơ để xử lý 7 trường hợp thùng xe vi phạm. Tuy nhiên, khi cung cấp hồ sơ cho phóng viên, 7 trường hợp ông Phương nêu lại là xe nhập từ Nhật Bản, không phải xe Dongfeng, Howo như  VOV phản ánh.
Phóng viên VOV nhắc lại câu hỏi: Cục Đăng kiểm đã phát hiện được xe tải hạng nặng Dongfeng, Howo nào nhập từ Trung Quốc có kích thước thùng xe vi phạm Thông tư 32? Ông Phương đành thừa nhận, cho đến nay chưa phát hiện và cũng chưa xử lý được trường hợp nào. Và lý giải thêm: “Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng mới biết thông tin về xe có thùng vi phạm Thông tư 32 vào tháng 3, 4/2013…”.
Thực tế, sự “chậm chạp” của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã giúp lô xe tải hạng nặng có thùng kích thước “khủng” vi phạm Thông tư 32, nhập ngày 14/5/2013 của Cty cổ phần Thu Ngân “lọt lưới”, được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Tuy nhiên, khi được hỏi về trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả ông Phương và ông An đều khẳng định, Cục Đăng kiểm đã hoàn thành trách nhiệm. Phóng viên VOV đề nghị giải thích “hoàn thành trách nhiệm như thế nào khi thực tế các DN vẫn bán xe có thùng khủng vi phạm Thông tư 32, tiếp tay cho chở quá tải, phá nát đường?”. Ông Phương, ông An né câu hỏi và cho rằng, trách nhiệm thuộc quản lý thị trường, cảnh sát giao thông...
Hải quan... đứng ngoài cuộc?
Ngày 5/7/2013, phóng viên VOV có buổi làm việc với Cục Hải quan Lạng Sơn, một trong những cửa khẩu có lượng xe tải vi phạm Thông tư 32 nhập về nhiều nhất.
Phó Cục trưởng Vy Công Tường cho biết, Hải Quan cửa khẩu Lạng Sơn cho đến thời điểm này chưa phát hiện và xử phạt bất kỳ trường hợp xe tải nào nhập về vi phạm Thông tư 32.
Trước những tư liệu của phóng viên VOV đưa ra về những chiếc xe tải vi phạm nối đuôi nhau chạy qua cửa khẩu, thậm chí cả dãy xe đỗ dài tại bãi đậu xe của Hải quan Lạng Sơn, ông Vy Công Tường thừa nhận là có tình trạng xe tải “lách luật” được nhập về và Hải quan Lạng Sơn bị "qua mặt".
Lý giải cho việc bị "qua mặt", ông Vy Công Tường cho rằng, Hải quan chỉ cho thông quan khi lô xe nhập về có đầy đủ giấy tờ của Cục Đăng kiểm và căn cứ theo đó để giải phóng hàng. Hải quan không có nghiệp vụ cũng như đầy đủ thông số để biết xe nào thùng to, thùng nhỏ, xe nào vi phạm Thông tư 32. Vì vậy phải dựa vào đăng kiểm, cứ có giấy của Cục Đăng kiểm là được.
Khi phóng viên VOV đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với xe có kích thước vi phạm Thông tư 32, ông Vy Công Tường khẳng định: Hải quan Lạng Sơn không có trách nhiệm thực thi Thông tư 32, nhưng sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ông Vy Công Tường cảm ơn VOV đã giúp Hải quan Lạng Sơn tư liệu quý về tình trạng doanh nghiệp “lách luật” và cam kết Hải quan Lạng Sơn sẽ phối hợp với báo chí để làm rõ tình trạng này, không để tình trạng này tiếp tục diễn ra. 
Đến đây, đã lộ ra một “lỗ hổng”, mà dù Thông tư 31 rồi Thông tư 32 được ban hành nhưng hiệu lực của nó vẫn không được phát huy, như “bảo kiếm chém vào hư vô”..../.
Sẽ xử lý như thế nào?
Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn:
"Khi doanh nghiệp nhập khẩu thì là xe thùng to nhưng để phù hợp với quy định của pháp luật thì lại biến thành xe thùng nhỏ. Nếu có chứng cứ pháp lý rõ ràng thì doanh nghiệp đã vi phạm Nghị định 97, về việc thay đổi nguyên trạng của hàng hóa...”
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam:
“Trong trường hợp có chứng cứ pháp lý về việc nhập khẩu xe vi phạm Thông tư 32, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ từ chối kiểm tra lô hàng tiếp theo. Trong trường hợp, doanh nghiệp chưa bán xe nhập khẩu vi phạm, Cục Đăng kiểm sẽ thu hồi Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu”.

    No comments:

    Post a Comment