SGTT.VN - Dự án thuỷ điện Dăk Rin được triển khai trên hai địa bàn là huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum và huyện Sơn Tây tỉnh Quảng Ngãi. Riêng tại Sơn Tây, nhiều người dân bị mất đất cho thuỷ điện tuy được đền bù tiền tỉ nhưng vẫn trắng tay bởi sự mưu mẹo của những người biết trước chủ trương.
Công an huyện phải huy động lực lượng để bảo vệ người dân khi họ nhận tiền đền bù, trước UBND huyện Sơn Tây.
|
Một cán bộ xã Sơn Liên (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) chỉ tay vào ngọn núi và nói: “Nếu nhà báo trèo giỏi thì vô đó sẽ rõ”.
Mất đất, mất cả tiền
Thôn Nước Doa và thôn Tu Mít không điện, chưa làm đường. Đồng bào quanh năm sống với núi rừng. Anh Đinh Văn Ghành, trưởng khu dân cư là người có học thức nhất làng đón chúng tôi bên triền núi. Kể chuyện Nhà nước bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, anh Ghành nổi giận: “Cả núi rừng này là của Đ.T. Đ.T. nó lấy hết rồi. Nhà kia nhận một tỉ đồng, nó lấy hết, nhà kia mấy trăm triệu đồng nó cũng lấy hết. Bà H. – vợ cán bộ huyện cũng lấy hết đất của dân…” Trong danh sách những người đến thâu tóm đất của dân còn có các tên: V., U., cán bộ L. làm ở huyện...
Bà H. mà người dân đề cập là vợ của cán bộ Đ.D. Dư luận cho rằng, ông Đ.D. liên kết với người em của mình là Đ.T. gom phần lớn đất của dân nghèo. Ông Đinh Văn Đía ở thôn Tu Mít nhận được số tiền hơn 1 tỉ đồng. Một nửa tiền ông Đía được vận động gởi vào ngân hàng. Còn 500 triệu đồng ông Đía nói “đã giao cho bà H. vợ cán bộ huyện – người đã mua đất của ông cách đây hai năm”.
Được biết, năm 2007, dự án xây dựng thuỷ điện Dăk Rin được triển khai. Thông tin về việc các hộ dân nằm trong vùng lòng hồ sẽ được nhận tiền đền bù đất, chuyển đổi nghề nghiệp được cán bộ huyện nắm đầu tiên. Rất nhanh chân, một số cán bộ và người nhà đã săm soi bản đồ rồi mua hầu hết những thửa đất nằm ở vùng nước ngập với giá rẻ mạt.
Trong ngôi nhà nằm giữa xóm Nghèo thôn Nước Vương, ông Đinh Văn Rót, 80 tuổi nằm liệt dưới sàn nhà. Thỉnh thoảng ông nhét một tí thuốc bột màu nâu vào miệng và rên hừ hừ. Gia đình được bồi thường và hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng. Nhưng giờ nằm liệt, ông không có đồng nào để mua thuốc uống. Trước đó, vào năm 1981, ông Rót và một số người dân ở Sơn Mùa đến xóm Nghèo định cư. Ông Rót khai phá được nhiều ruộng, rẫy, nhưng người con rể là Đinh Văn Nuôi nghe lời người ta lần lượt bán hết. Nuôi cho biết: “Mình nhận được 1,2 tỉ, nhưng mà cái sổ tiết kiệm đã bị vợ chồng Đ.T. nó giật rồi, mình buồn lắm. Nó cho lại mình 100 triệu đồng, mình trả nợ hết, giờ chỉ còn 2 triệu đồng”.
Nuôi trình bày: “Mình đã bán mười mấy đám rẫy cho vợ chồng Đ.T. Giá mỗi đám chỉ ngang với vài con gà, vài ché rượu, có cái 1 triệu đồng, có cái 3 triệu đồng”. Còn tại thôn Tu Mít, đồng bào thật thà kể lại: “Khi bà con trong làng uống rượu say thì ông Đ.T. nói mua. Có khi mua một đám, nhưng hôm sau ông Đ.T. chỉ tay nói tao mua hai đám rồi, cả cái rẫy này là của tao hết. Còn nhiều người khác nói là mua trồng keo, nhưng không thấy keo đâu hết”.
Đ.T. là người nơi khác đến định cư tại xã Sơn Liên. Trong bản tổng hợp kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thuỷ điện Dăk Rin, hạng mục lòng hồ xã Sơn Liên, Đ.T. nhận được số tiền gần 2,8 tỉ đồng, là người nhận được nhiều tiền nhất. Đó mới là tiền theo sổ sách.
Già làng Đinh Văn Sỏ ở xóm Nghèo, thôn Nước Vương lắc đầu: “Tiếc lắm, mình với bà con không biết có dự án nên bán đất cho cán bộ huyện”. Già Sỏ là “địa chỉ vàng”, bởi là già làng thì không bao giờ dám nuốt lời khi đã bán đất. Ông Sỏ trình bày đã bán rẫy cho cán bộ L. công tác ở huyện Sơn Tây với giá hơn 10 triệu đồng. Khi nhận tiền đền bù cách đây nửa tháng, già làng đã trả cho ông L. 240 triệu đồng. Đi khắp các thôn Tu Mít, Nước Doa, cái tên “cán bộ L. mua đất của mình…” được người dân nhắc đến khá nhiều. Và khi hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Sơn Tây tổ chức chi trả tiền đợt 1 vào ngày 25.6, những người xưng là chủ nợ xuất hiện. Lúc đó người ta mới nhận rõ mặt ai là người nhà cán bộ.
Nợ 6kg mỡ heo giá 10 triệu đồng
Mới đây, vào ngày 8.7.2013, tại trụ sở UBND huyện Sơn Tây, hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Sơn Tây tổ chức chi trả tiền bồi thường đất và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đợt 2 cho người dân xã Sơn Liên. Chỉ còn 14 hộ nhận số tiền hơn 9,1 tỉ đồng, nhưng công an huyện phải huy động hơn mười cán bộ đến chốt trước cổng. Nhưng, nếu trong cổng là nơi có trật tự thì bên ngoài cổng hoàn toàn ngược lại.
Với những hộ dân nhận tiền, nhân viên ngân hàng lập tức đặt vấn đề gởi tiết kiệm, ít nhất cũng phải 50%, số còn lại mang về làm nhà, trang trải nợ nần. Nếu mang hết tiền ra khỏi cổng uỷ ban thì có nguy cơ bị cướp giật, bởi nhiều đối tượng tự xưng là chủ nợ đang nhăm nhăm đứng chờ bên ngoài vì cho rằng “họ thiếu nợ chúng tôi lâu rồi, bây giờ phải trả”. Đúng như vậy, khi anh Đinh Văn Non ôm cục tiền bước ra khỏi cổng UBND huyện thì cả chục người xông vào. Một cục tiền văng ra khỏi đám đông và rơi xuống đất, lập tức một đối tượng nhào tới nhặt rồi bỏ chạy. Con anh Non ôm lại được một bọc tiền trong bụng cắm đầu lao vào cổng UBND huyện khóc tức tưởi: “Gia đình tôi nghèo nhất xã. Hôm vừa rồi chỉ mới mua một con dao, hai con gà và 6kg mỡ heo. Nhưng bây giờ họ chặn đường và đòi 10 triệu đồng”.
Trước đó, vào ngày 25.6, ban bồi thường tổ chức chi trả tiền tại trụ sở UBND xã Sơn Liên (Sơn Tây), cảnh tượng diễn ra cũng hết sức hỗn loạn. 63 hộ sẽ được nhận hơn 32,3 tỉ đồng, nhưng đối tượng xưng là chủ nợ lên đến cả trăm người. UBND xã tổ chức chi trả tại tầng 2, lực lượng công an bảo vệ từ tầng 1 và khu vực trước sân. Nhưng khi nhiều người dân vừa cầm tiền ra khỏi cổng thì đã bị giật. Trong đó có đối tượng biết trước chủ trương làm thuỷ điện đã phỉnh mua đất của người dân giờ đến lấy tiền đền bù từ tay những người mất đất.
Cướp cả sổ ngân hàng
Ông Đinh Văn Trí, phó bí thư Đảng uỷ xã Sơn Liên vui mừng cho biết, người dân đã gởi 18,6 tỉ đồng vào ngân hàng. Ngân hàng được xem như lôcốt để bảo vệ tiền. Khi nhận được tiền, cán bộ ngân hàng có mặt và làm thủ tục ký gởi tại chỗ.
Nhưng, khi người dân cầm sổ ngân hàng ra khỏi trụ sở thì đã bị giật mất. Đinh Văn Lê là một trong nhiều nạn nhân. Vợ chồng Lê di dời từ xóm Nghèo ra khu tái định cư ở xã Sơn Liên. Nhà của cặp vợ chồng này rất giống chuồng gà. “Tiền của mày đâu, nhận được bao nhiêu?” Nghe hỏi, Lê nói với giọng buồn buồn: “Bữa sáng sớm đó nó xuống chở mình lên thị trấn, cho mình ăn một tô bún, mua cho vợ mình một bộ quần áo, cho mình vay 15 triệu đồng để về mua bò, mua một cái màn hình rộng. Nó chở mình tới chỗ nhận tiền rồi nó giật sổ ngân hàng của mình rồi. Khi nó giật sổ ngân hàng, mình chạy về làng khóc và nói với con là ba nhận tiền rồi nhưng không có nổi hai ngàn đồng để mua kẹo cho con”. Hỏi người giật tiền của Lê là người tốt hay xấu, Lê gật đầu khẳng định: “Nó là bạn mình, nó cho mình uống hai lần rồi, mỗi lần hai lon bia”. Lê trình bày được nhận hai ba trăm triệu đồng gì đó, nhưng thực ra, số tiền Lê được nhận là 882 triệu đồng, bà Rót vợ Lê là 543 triệu đồng. Nhiều người cho biết, Lê uống rượu suốt ngày nên chỉ cần ai cho chai rượu thì xin gì cũng dễ.
Còn anh Đinh Văn Sơn ở thôn Nước Doa, xã Sơn Liên đến giờ vẫn ngơ ngác và cho biết không biết báo cáo việc của mình cho ai. Theo anh Sơn, “Khi nhận tiền đền bù 369 triệu đồng, thì gởi ngân hàng một nửa, còn một nửa mang về. Nhưng vừa xuống tầng 1 của UBND xã thì đã bị giật mất sổ ngân hàng và lấy hết tiền. Mình không thiếu nợ ai hết, mà cũng không biết ai giật sổ của mình”. Anh Đinh Văn Ghành ở thôn Tu Mít nhận được 365 triệu đồng. Khi bước ra khỏi cổng, lập tức có đối tượng kè theo để “tính sổ chuyện mày thiếu tao”. Đối tượng tên Đ.T. đã lấy toàn bộ số tiền trên vì đã lừa được Ghành bán đất cách đây gần hai năm với giá 5 triệu đồng. Ghành là người có học, cán bộ khu dân cư của Tà Mít. Tuy nhiên, Ghành và nhiều người dân hoàn toàn mù tịt chuyện Nhà nước xây dựng thuỷ điện nên đất có giá trị.
Đi và gặp nhiều nhân chứng, chúng tôi ghi nhận rất nhiều người là nạn nhân như vậy. Tuy nhiên, sự can thiệp của lực lượng chức năng cũng chỉ mức độ.
BÀI VÀ ẢNH: HÀ ANH
No comments:
Post a Comment