Mái ấm cho loài hoa dại
Trong chuyến đi Thái Lan vừa qua, Holly đã đến thăm một cơ sở từ thiện chuyên giúp đỡ những cô gái vị thành niên lỡ mang thai cho nên khi sanh nở được mẹ tròn con vuông. Các cô gái được ở lại giúp đỡ nuôi con và được học chữ, học nghề, học Anh văn, học trồng cây xanh, chăn nuôi, học cách chăm sóc em bé. Holly đã được anh Michael Thái Bình, người đến từ Houston , dành cho một buổi nói chuyện thân tình và thích thú. Holly cảm thấy thích vùng quê yên tĩnh và không khí trong lành của nơi này được mệnh danh là “Mái ấm cho loài hoa dại”. Chỉ có 24 tiếng đồng hồ ở đây đã để lại cho Holly một niềm lưu luyến và thương mến mấy đứa em gái sanh con khi còn rất trẻ dại. Holly đã được chị Elizabeth, bà xã người Mỹ của anh Michael, dành cho những tiếp đãi rất nồng hậu. Chị bình dân, dễ thương như một người bạn Việt Nam của tôi. Ba đứa con của anh thật dễ thương, và hòa mình với đời sống người dân quê thôn dã ở Thái. Ở đây không còn khoảng cách giữa người Âu Mỹ và người dân châu Á nữa. Tôi cũng thấy có nhiều thiện nguyện viên đến từ Đức, và các nước châu Âu khác, đến để giúp xây dựng cơ sở ‘Mái Ấm’ này.
Xin mời đọc buổi nói chuyện của Holly với anh Michael.
Holly: Thưa anh, Holly ở đây cũng được 2 ngày rồi. Holly rất là thích phong cảnh ở đây, như miền quê của Việt Nam, như Bến Tre qua cầu khỉ này kia. Anh có thể cho Holly biết những hoạt động của Wildflowers Home này ? Ý tưởng này anh bắt đầu từ bao giờ và thành công đến như thế nào rồi, và làm sao nhiều người biết đến chỗ này để mà giúp đỡ anh?
Michael : Trước tiên, Michael có ý tưởng thành lập cái trung tâm Wildflower, tiếng Việt dịch ra là " Mái ấm cho loài hoa dại". Cái đầu tiên mà khi Michael với bà xã và gia đình tới Thailand khoảng trong 6 tháng đầu phải học ngôn ngữ. Và sau 6 tháng thì có chương trình đi thăm những cái trung tâm khác họ làm việc từ thiện, để coi xem mình có thể hợp được cái gì. Và trong vòng khoảng chừng 3 tháng sau đó, thì Michael với bà xã có đi tham quan nhiều nơi trên cái đất Thailand này. Thì Michael cảm thấy, không phải cảm thấy mà nhìn thấy sự thiếu ở đây là về vấn đề giúp cho những em bé bị có thai, mang thai vì bất cứ cái lý do gì giống như là bị hãm hiếp hoặc tại vì hoàn cảnh gia đình nghèo, hoặc bị đánh đập, bị phụ bạc, hoặc những người phụ nữ bị buôn bán, người ta gửi tới rồi có thai. Trong thời gian đó thì 2 vợ chồng có đi thăm cái trung tâm gọi là IDC, tức là cái nơi development và human development control. Nói cho chính xác từ đó ra là một trong những công việc của họ làm là công việc phá thai hợp pháp ở Thailand. Khi mà Michael với bà xã nói chuyện với ông giám đốc thì ông ta cho biết là cái xã hội Thái này những em mà dưới tuổi vị thành niên còn đang đi học, nếu mà chẳng may có thai thì bị gia đình họ không có muốn, các em có thể bị tống ra khỏi gia đình, ở trường học không có cho học. Tuy là chính quyền Thái họ có cái luật là không có được đuổi các em nhưng mà luật pháp giống như là "phép vua thua lệ làng" đó chị, nên các trường học địa phương họ cũng không chấp nhận các em. Thường thường các em phải phá thai, có nhiều em thì không có muốn. Trong khi ông giám đốc nói chuyện với bà xã thì giống như chị ngồi đây nói chuyện với Michael, ở cái cửa kính đằng sau thì đó là lối vô, thì Michael gặp 1 em bé khoảng chừng 16 - 17 tuổi gì đó thôi, còn trẻ lắm, em đứng núp ở đằng sau cái cây và em lưỡng lự không có vô. Thì khoảng chừng vài phút sau có 1 anh chàng, Michael nghĩ là hoặc là bồ hoặc là người thân gì đó đẩy em vô và em khóc, Michael chỉ có thấy là em nước mắt chảy xuống thôi chứ không có nghe tiếng vì đang ngồi trong phòng, cho nên Michael nghĩ rằng liên kết với lời ông giám đốc nói thì có lẽ em là một trong những trường hợp không muốn phá thai, nhưng mà vì ép buộc, vì xã hội, vì gia đình, cho nên Michael mới nghĩ. Tối về nói chuyện với lại bà xã ước mơ phải chi mình có 1 cái nơi để mà giúp cho những em mà không có cái chỗ, không có giải quyết nào khác cho nên có cái chỗ để mà giúp các em. Và sau đó Michael có đi thăm những nơi khác thì chỉ có ở Chiang Mai, cái vùng Bắc của Thailand này nó chỉ có một trung tâm của chính quyền, không có cái tư nhân nào giúp, chỉ có chính quyền mà chỉ có cho những em mà tới đó mang thai, sanh xong tối đa 3 tháng ở lại rồi đi ra ngoài, các em không có được dạy cái gì hết. Rồi Michael đi thăm văn phòng vô gặp ngài giám mục, người mà coi nguyên cái vùng phía Bắc này về tôn giáo, thì địa phận của Chiang Mai cũng chưa có 1 nơi nào giúp các em. Những trường hợp khẩn cấp thì họ gửi về cho các Sơ ở Bangkok, cho nên rất là ít. Vì lẽ đó Michael mới trở về quyết định là mình giúp mở một cái nhà để giúp các em nào cần có nơi nương tựa. Sau đó Michael gặp hai vợ chồng, người vợ thì mang thai khoảng chừng 6, 7 tháng rồi mà không có giấy tờ bị bắt. Khi mà vô IDC đó thì chính quyền họ bắt phạt, thì Michael tới toà án trả tiền cho cô ta, và sở di trú họ chuyển cô ta về lại Miến Điện, nhưng mà cô ta nằm trongcái list bị black list, cô ta rất là sợ nên không thể trở về bên Miến Điện; cho nên Michael trả tiền cho người cảnh sát, thay vì đem qua bên kia biên giới thì họ để phía bên này và trao trả lại cho một người khác và cái người đó đem cô ta về. Thì khoảng chừng 9 giờ đêm, cô ta ở trong nhà thờ gọi cho Michael, nói là "anh có thể giúp tôi được không?", thì tối đó Michael ra chở cô ta về. Và ngày hôm sau Michael dẫn cô ta đi mướn nhà, vì Michael có cái passport legal thì mướn được. Nhưng mà tới khi họ biết được là cái cô này có thai cho nên không có ai cho mướn hết. Bởi vì họ có cái niềm tin là những cô gái có thai mang cái xui xẻo đến cho họ, cho nên họ không có cho mướn. Sau cùng Michael phải để cô ta ở nhà. Vì cô ta không có giấy tờ hợp pháp gì hết nên Michael dẫn cô ta tới nhà thương cho cô ta sanh. Từ lúc đó trở đi Michael nghĩ mình có thể giúp được những cái gì cho những con người có số phận này, không có số phận may mắn như những người khác.Cái thứ hai là làm sao có được một cái chương trình giúp cho họ, có lẽ là cái phần chính là vì họ nghèo đói cho nên không có giáo dục; xin lỗi là không có kiến thức. Và không có tiền, vì nghèo không có đủ sống cho nên họ gặp đủ thứ chuyện không có may cho họ. Michael thành lập một trung tâm, nơi mà dạy các em học, đa số những em ở đây là những em nghèo không có học, rồi dạy cho các em nghề nghiệp. Thì như chị thấy đấy, ở đây cái trung tâm của Michael có lớp học, có cái nơi mà dạy cho các em làm thủ công nghệ, học nghề hoặc là đi kêu những người của chính quyền có cái program của chính quyền xin họ tới dạy hoặc mình gửi họ ra ngoài để học để họ có cái kiến thức có cái nghề nghiệp, để các em đủ khả năng ra ngoài kiếm tiền.
Holly: Thì ở đây các em có thể học nghề gì hở anh?
Michael : Đầu tiên các em học may, học cắt tóc, và làm thiệp. Còn các em ra ngoài thì học khác. Còn có em ra ngoài học muốn học thêm, như ở đây có em mới 15 tuổi, học xong lớp 9, em ở đây tới 5 năm, sanh con xong, em đi học cho hết trung học, bây giờ em đang năm thứ 3 ở trên Đại học, em muốn làm cô giáo dạy Anh văn.
Holly: Thì ở đây có dạy Anh văn nữa phải không?
Michael : Ở đây có dạy Anh văn, thì thường thường đối với cái xã hội bây giờ, những em có cái căn bản hoặc có 1 chút kiến thức về Anh văn thì các em có thể kiếm được việc làm dễ dàng hơn.
Holly : Nhưng mà anh có nguồn tài trợ nào hoặc có cái quỹ nào để giúp cho các em không ạ?
Michael: Gần 2 năm đầu thì Michael được một ông tài trợ; cái chương trình này thực sự là hồi xưa đó là tổ chức chung với một foundation khác. Ông ta là 1 triệu phú của Mỹ, ông ta tới đây giúp. Thì khi mà Michael tách ra khỏi cái program của ông ta, vì cái chương trình của mình làm nó không có giống cái chương trình của ông ta. Cho nên Michael thành lập 1 cái foundation riêng. Cái đầu tiên phải công nhận thành thực mà nói là do bạn bè gia đình. Hồi xưa Michael thường thường cứ mỗi 3 tháng viết thư về thăm bạn bè báo cáo cho các bạn bè biết những cái công việc ở đây Michael đang làm, thì cái phần chính là do bạn bè đa số là bên Mỹ, gia đình cũng rất là support, đã giúp đỡ cho Michael rất nhiều. Và sau này khi thành lập cái foundation này, chính quyền Thái chấp nhận cho mình là foundation rồi, thì có những cái foundation khác, mình viết các bản kế hoạch để gửi cho họ.
Holly : Holly thấy còn có nhiều khu đất chưa có xây cất xong đó, thì anh nghĩ rằng trong vòng bao lâu mình sẽ xây cất xong cái khu này?
Michael : Cái vấn đề xây cất thì cũng còn rất là nhiều, nếu mà Michael ở lại có lẽ còn nhiều cái dự án khác nhưng mà về cái cơ sở hạ tầng thì Michael nghĩ rằng tới tháng 4/2013 thì sẽ xong những cái vấn đề chính. Và hy vọng là sẽ gửi lại cho mấy sơ dòng ......thì mấy sơ là những người mà đã có chạy những cái chương trình rất là vững chắc, hy vọng mấy sơ vẫn sẽ tiếp tục.
Holly : Hiện nay đang có khoản bao nhiêu cô đang ở trong cái khu nhà có mẹ con, Holly thấy khoảng chừng 5, 7 cô mà không biết có nhiều không?
Michael : Hiện tại ở trong trung tâm này thời gian dài là có 7 em, và khoảng chừng 11 em bé, nhưng mà thường thường trong 1 năm, như năm nay thì tụi em có khoảng trên 100 em rồi. Họ tới, họ sanh, xong họ đi, rồi có nhiều em thì chỉ tới trong vòng ngắn hạn. Những em này thì có cái kế hoạch ở lâu dài hơn, có những em ở hơn 3 năm nay rồi, cho nên là nó rất là tùy, Từ ngày mà thành lập cho đến giờ là gần 300 em rồi.
Holly : Holly đi vòng vòng chung quanh thì Holly có thấy là nuôi gà, nuôi vịt, nuôi heo, rồi trồng rau xanh này kia, có lẽ là những cái dự án mà anh muốn dạy cho các em chăn nuôi hay là sao ạ?
Michael : Dạ thưa chị, cái phần đông của mọi người ở đây là phần đông là các em tới từ những cái làng ở trên núi, hoặc là Miến Điện hoặc là ở Việt Nam tới, các em cần cái sự hiểu biết về cái tự lập được để mà giúp mình. Những cái vấn đề nuôi heo ở đây, trồng rau, làm vườn; cái mục đích là để các em có thể có khả năng tự mình làm được; và cái thứ 2 là các em không có lệ thuộc vô những hổ trợ khác nhiều, khi mà các em đủ cách để mà mình làm, mình sống được đó Ngoài cái đó ra, các em có thể làm cái sản phẩm dầu gội đầu, dầu rửa tay,
Holly: Các sản phẩm về dùng rửa tay , làm ở đây luôn hả anh?
Michael : Dạ, làm ở đây hết. Rồi các em tự trồng rau, những cái thứ bông đó đó chị, rồi các em hái những cái bông đó để mà làm dầu gội đầu. Thì hiện tại năm nay các em có đủ heo; ngày xưa 3 năm trước em gầy dựng bằng nuôi 3 con heo nhỏ, thì đến bây giờ mỗi tháng các em có thể giết heo 1 con, cá có thể mỗi tuần 5 con cá, và 5 con gà, hoặc vịt.
Holly: Giỏi vậy đó !
Michael: Dạ, cho nên cái vấn đề thực phẩm thì hiện tại các em đã ....giảm cái vấn đề thực phẩm hơn 50%, tự mình nuôi lấy. Các em ra ngoài, đi vô mấy quán ăn, đem đồ ăn dư về cái đó miễn phí , đem đồ ăn dư về nuôi heo. Còn bây giờ thì đi mua gạo ở trên núi, thực sự là mua lúa đem về, rồi các em đem ra xay rất là rẻ, rồi lấy cám cho gà hoặc cho heo, rồi lấy tấm cũng cho gà, gạo thì ăn lại; cho nên khỏe, nó đỡ giảm chi phí rất nhiều.
Holly: Dạ, Holly thấy trồng nhiều rau dinh dưỡng, có lý lắm à nha.
Michael : Dạ ở đây cái nước dùng đó ạ, để khi các em tắm rửa, lấy cái nước đó dùng tưới cây lại. Xài tất cả mọi thứ đều là dinh dưỡng hết, cho nó tự nhiên.
Holly : Xin hỏi chút xíu là, anh Michael ở VN, ở thành phố nào mà sao anh rành mấy cái vụ đó quá vậy?
Michael : Dạ thưa chị, Michael ở VN, Michael người Sóc Trăng, nhưng mà lớn lên Cần Thơ, và đi học tại Nha Trang. Nhưng mà vấn đề chăn nuôi hoặc là xây cất này kia là Michael không có biết, thực sự tới đây mới học. Qua Mỹ thì học về kiến trúc sư, nên thiết kế những cái này thì tự design lấy.Chứ không có nhờ kiến trúc sư hoặc engineer, vì mình biết căn bản một ít
Holly : Ồ, vậy thì hay quá, anh chỉ huy những người thợ làm thì anh phải có nghề chứ làm sao không có được. Dạ thưa anh, câu hỏi nhỏ thôi, tại sao anh chọn Thái Lan mà không phải là Việt Nam, quê hương của mình để mà làm những cái công việc này?
Michael : Dạ, cái đó cũng rất là khó chị, khi Michael xin điền cái đơn vô, hồi trước mấy năm đầu đó, thì có đi theo một tổ chức truyền giáo và họ có Việt Nam, Cambodia và Thái Lan này, trong cái vùng Đông Nam Á này; Việt Nam thì họ không có cho visa, họ chỉ cho rất là giới hạn và lúc đó thì đã có rồi, có 1 cặp gia đình ở Hà Nội, cho nên họ không có cho thêm visa. Và Cambodia thì họ đã warning Michael là cái thứ nhất là vấn đề bãi mìn rất nguy hiểm, và cái thứ 2 là người Cambodian họ không có thích người Việt nhiều, cho nên cái community ở Cambodia họ không có muốn Michael và gia đình tới, cho nên chỉ còn có 1 chọn lựa sau cùng là Thái lan. Nhưng mà khi mà Michael nói chuyện với bạn bè đó, thì có rất là nhiều người, những người bạn của Michael đó, đa số cũng là người tỵ nạn và đã bị cướp bóc, khi mà vượt biên đó chị, chính Michael cũng là 1 nạn nhân của cuộc cướp biển; nhưng mà mình nghĩ rằng khi mà mình giúp thì mình không có phân biệt người giống tộc nào hết. Và thực sự cái trung tâm của Michael đây có đủ những người Thái, Miến; nhưng mà thực sự cái số mà của người Thái quốc tịch Thái thì rất là ít, là những người núi; người Mianmar, họ là những người tị nạn, người Việt Nam, người Lào, rồi người Tây Nguyên, rất là đông; cho nên cái số người mà Michael giúp là hầu như dân số của vùng Đông Nam Á họ tới.
Holly: Hôm qua Holly thấy là 3 đứa con của anh Michael, đang ở lứa tuổi đang học trung học, cảm nhận của các em như thế nào khi mà theo ba má qua đây ở cũng lâu năm, đi học trường tiếng Anh, nhưng mà các em sống với những người dân nghèo thế nào, anh có thể cho Holly biết được không ạ?
Michael : Dạ thưa chị, 3 cháu cũng rất là may mắn, Michael phải nói thật là rất là may mắn có được 3 cháu thông cảm cho cái công việc Michael làm, 3 cháu cũng giúp. Cháu lớn năm nay cũng sắp sửa xong trung học, thì cháu lo về cái website và làm về phần kỹ thuật. Còn 2 cháu gái nhỏ thì các em rất là thích tới giúp cho những em cháu nhỏ, hoặc là tới coi mấy em bé, chơi với mấy em bé. Và cháu thứ 2 muốn học thành cô giáo và làm việc xã hội để mà trở lại để giúp cho mấy em ở đây.
Holly : Dạ, thấy anh có vợ Mỹ mà các cháu rất là support những cái công việc làm của anh, và các cháu cũng thấy rất là thương người nghèo, và Holly cũng thấy sao hay quá vậy. Mai mốt anh nhớ truyền kinh nghiệm cho mấy ông Việt Nam chút xíu.
Michael Cái đó khác. Như ông bà mình nói:"Cha mẹ sinh con, trời sinh tính", thì cái đấy Michael cũng cảm thấy rất là may mắn, ơn trên đã giúp cho các con của Michael có cái lòng nhân từ giúp đỡ mấy người khác, nhìn thấy những người nghèo các em cũng chia sẻ. Có cái cháu nhỏ nhất, cháu Thùy Anh đó chị, hồi xưa cháu khoảng chừng 3 tuổi 4 tuổi gì đó đi ra ngoài chơi với lại mấy em bé, và có 1 em thì đi ra ngoài coi mua vịt, và rồi khóc khi mà em làm mất cái đôi dép, rồi về nhà cái Elizabeth mới hỏi "bé Phá còn khóc không", cháu nói "hết khóc rồi". Mẹ hỏi "sao vậy", cháu nói là "con chia cho nó 1 chiếc dép", thế là 2 đứa nó đi về một đứa thì mỗi đứa một chiếc dép, cháu nó nhảy cò cò về.
Holly : Dạ thưa anh, xin cám ơn anh về cái buổi phỏng vấn hôm nay rất là vui. Sau khi tới đây thì Holly cảm thấy hình như cái tình người vẫn còn đâu đó, và đó là cái cảm nhận của Holly mặc dù Holly mới đến đây trong vòng có 24 tiếng đồng hồ thôi. Holly chúc anh cũng như là là chị Elizabeth được nhiều sức khỏe để mà còn có dịp giúp đỡ nhiều người khác nữa. Và hy vọng rằng những em bé được sanh ra ở đây, 20 năm sau - 30 năm sau các em đó sẽ quay lại đây, tìm lại cái người ngày xưa đã cho mình cái mái ấm và sẽ làm những công việc giống như anh đang làm. Cái đó mình gọi là cái phúc đức. Ở Việt Nam mình thường nghĩ như vậy để mà gây dựng lại cái phúc đức cho cái thế hệ trẻ, sau này các em nó lớn lên, thay vì nó bị má nó phá thai hay vì sống nghèo khổ mà bây giờ nó lớn lên có 1 cái sự giáo dục tốt và được cuộc đời ban cho nhiều phước báu, nó sẽ nhớ lại cái nơi mà nó được mình tạm gọi là "nơi chôn nhau cắt rốn" .
Michael: Dạ cám ơn chị nhiều, rất là nhiều. Cũng đặc biệt nếu mà có cái cơ hội cũng phải cám ơn tất cả các đồng bào, đặc biệt là đồng bào hải ngoại, bởi vì chính những người cùng da cùng máu mủ với em đã giúp đỡ em rất là nhiều, nhất là trong cái thời gian đầu tiên mà em tới Thái Lan này. Thì bạn bè, gia đình, những người mà support em đã tới đây mà giúp những cái tháng đầu tiên, những năm đầu tiên, tới một cái xứ mà mình có cái mặc cảm hồi xưa người bị cướp biển, rồi cái thứ hai là cái ngôn ngữ mình cũng không có rành; nhưng mà bạn bè và gia đình giúp nâng đỡ mình, cho nên những cái ơn đó em cũng không bao giờ quên và cũng chính vì những cái động lực đó mà cũng giúp cho gia đình Michael.đã qua cũng hơn 9 năm nay rồi. Đó là cái điều mà em rất là thành thật cám ơn. Khi mà em nghe cái câu nói "khúc ruột nối dài", người ta dùng, chính quyền Việt Nam dùng, em nghĩ em chính là khúc ruột của đồng bào hải ngoại nối dài qua bên này, thì những cái em ở đây, những cái cuộc sống ở đây, cũng đã hơn 100 cái cuộc sống mà đã được bắt đầu sanh ra thì đó là những cái tình thương của đồng bào hải ngoai gửi về đây để mà cho những cái cuộc sống đó được phát triển. Em rất là cảm ơn, cảm tạ.
Holly : Rồi, một câu hỏi ngoài lề chút xíu là nếu sau này, có những người họ đến xin con nuôi đó anh thì mấy bà mẹ nghèo quá, nuôi con không được thì anh có cái option đó không anh? Anh có cho phép nhận con nuôi nếu mà hải ngoại, người ngoại quốc họ muốn đến xin con, anh thấy có được không?
Michael : Ở bên Thái này rất là khó khăn chị, khi mà những người mẹ mà muốn cho con đi, trong trường hợp ở đây trung tâm này cũng có ít ra là 03 - 04 trường hợp rồi, ngay chính Michael cũng không có bảo lãnh được, vì chính quyền bắt buộc phải cho vô cái trung tâm của chính quyền, và những ai muốn bảo lãnh hoặc nuôi con thì phải làm đơn qua chính quyền, cái thời gian nó rất là lâu, ít ra là khoảng 03 năm.
Holly : Dạ xin cám ơn anh nhiều lắm đã cho buổi phỏng vấn rất là hay.
Michael : Dạ rất cám ơn chị
Website: http://www.wildflowerhome.net
Liên lạc: Michael Thái Bình
Thái Lan: 053-386-568
Houston: 832-727-6403
Mọi đóng góp giúp đỡ cho Wildflower home, xin gửi về
Bangkok Bank, Bosang Branch
Account Name: Wildflower Home Foundation
Account Number: 532-0-25140-7
Swift Code: BKKBTHBK
To make U.S. tax deductible donations
, please send to the following address a check payable to San Se (Share), Inc.
P.O. Box 842650
Houston, TX 77284
USAhttp://sanseshare.org/
Xin mời đọc tho từ giã của anh Michael kèm theo đâySan Se, Inc.’s tax code is 37-1567702
https://mail-attachment.googleusercontent.com/attachment/u/0/?ui=2&ik=9aaeabe2db&view=att&th=13f53f7acad2e801&attid=0.1&disp=inline&realattid=f_hi25g7mp0&safe=1&zw&saduie=AG9B_P8IQ9wajKe6jgW4iVWhCyLB&sadet=1374665721123&sads=M3z-FFQBvs4aul6f9IBTn-l6BGA
No comments:
Post a Comment