Tuesday, July 23, 2013

6 nguy cơ của "Lục địa đen" trong 2013

(Kienthuc.net.vn) - Năm 2013, châu Phi có thể vẫn duy trì được đà tăng trưởng kinh tế không dưới 5% nhưng vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn trong năm 2013. 
Đây là dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng phát triển châu Phi (AFDB).

Tiềm ẩn nhiều bất ổn nội tại
Một là, tình hình chính trị rối ren. Tình hình tại Cộng hòa Kenia có thể sẽ tiếp tục căng thẳng khi hai ứng cử viên tổng thống của nước này đều đang bị Tòa án hình sự quốc tế (ICC) cáo buộc đồng lõa với các hành động gây nên các cuộc xung đột đẫm máu sau cuộc tổng tuyển cử năm 2007. Bất ổn tại Kenia sẽ tác động tiêu cực đến các nước vùng Đông Phi, một trong những trung tâm phát triển nhanh nhất ở châu lục này. Cộng hòa Dimbabue cũng đang đứng trước nguy cơ bất ổn sau hai cuộc bầu cử gây tranh cãi trong thập kỷ qua, với hậu quả là sự ra đời một chính phủ có quyền lực bị chia sẻ cho hai phe đối lập nhau và đang bị quốc tế trừng phạt. Bạo lực ở Dimbabue sẽ gây bất ổn cho miền Nam châu Phi. 
Hai là, tình trạng bất bình đẳng xã hội đã lên tới mức gay gắt và thất nghiệp tăng cao. Đặc biệt, các cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị và các tầng lớp thượng lưu có khả năng sẽ gia tăng tại Nigieria, Nam Phi, Gana, Senegal, Nam Sudan, Uganda, Ai Cập và Tunisia. Trong khi đó, báo cáo về triển vọng kinh tế châu Phi cho thấy, có tới 70% dân số châu Phi ở độ tuổi dưới 30, trong đó trên 60% số người thất nghiệp là những người trẻ tuổi. 
Ba là, xung đột và nội chiến sẽ bùng phát dữ dội hơn. Ngày 20/12/2012, Hội đồng bảo an LHQ đã ra Nghị quyết cho phép can thiệp quân sự vào Mali để giúp nước này giành lại phần lãnh thổ phía bắc bị các nhóm vũ trang Hồi giáo chiếm giữ từ cuối năm 2012. Chiến sự tại quốc gia Tây Phi này có thể lan rộng sang các nước láng giềng. 
Cuộc xung đột ở miền Đông Conggo bùng phát trong năm 2012 có khả năng sẽ tiếp tục leo thang. Các nước Tây Phi, như Guiné-Bissau cũng có thể rơi vào nội chiến, chủ yếu do quốc gia này trở thành một trung tâm lớn cho hoạt động buôn bán ma túy quốc tế. 
Quân đội nước ngoài đang sẵn sàng can thiệp vào châu Phi. 

Những mối nguy từ bên ngoài
Bốn là, mất cân bằng thương mại với Trung Quốc và các nước vùng Vịnh. Hiện tại, kim ngạch trao đổi thương mại giữa các nước châu Phi với Trung Quốc đã tăng từ mức 9 tỷ USD năm 2000 lên trên 200 tỷ USD trong năm 2012. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma bày tỏ lo ngại về tính "không bền vững" trong quan hệ thương mại lâu dài với Trung Quốc. Trong khi đó, theo Ngân hàng Standard Chartered, thương mại của châu Phi với các nước Vùng Vịnh tập trung chủ yếu vào lương thực và tiếp cận đất canh tác, đã tăng từ 10 tỷ USD năm 2002 lên 49 tỷ USD trong năm 2011. Tuy nhiên, việc các nước Vùng Vịnh đặt trọng tâm vào lĩnh vực nông nghiệp có thể dẫn tới cuộc "chạy đua chiếm đất" châu Phi.  
Năm là, quan hệ giữa các nước châu Phi với phương Tây về cải cách chính phủ vẫn tiếp tục căng thẳng. Các nhà lãnh đạo châu Phi ngày càng có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm đối tác đầu tư và thương mại trong bối cảnh khi chính phủ các nước ở châu lục này và phương Tây đang bất đồng về cách thức cải cách quản lý và điều hành đất nước. Đặc biệt là khi các nước phương Tây cũng đang phải "tự cứu lấy mình" trước tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 
Sáu là, bệnh tật, thuốc giả và quyền tiếp cận nước sạch. Với tỷ lệ nhiễm HIV, lao, sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác ở mức rất cao, cộng với chứng "bệnh nhà giàu" của tầng lớp trung lưu như cao huyết áp, đột quỵ, béo phì, tiểu đường, ung thư và các bệnh đường hô hấp mãn tính, khiến các nhà hoạch định chính sách y tế châu Phi đang tranh luận về cái gọi là "gánh nặng nhân đôi đối với ngành y tế". Trong năm 2013 châu Phi sẽ phải đối phó với hiểm họa từ nạn buôn bán thuốc giả, khiến hàng ngàn người có nguy cơ tử vong. Ngoài ra, hiện có tới 300 triệu người dân châu Phi vẫn chưa có khả năng tiếp cận nguồn nước sạch.

No comments:

Post a Comment