Thursday, November 15, 2012

Nhân quyền bị tước đoạt và Phạm Thị Hoài: Thông điệp của chính quyền


Nhân quyền bị tước đoạt

000_Hkg7530199-250.jpg
Công an ngăn cản những người biểu tình hô to khẩu hiệu chống Trung Quốc khi họ diễu hành về phía Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 01 tháng 7 năm 2012. AFP photo
Có lẽ bối cảnh như vừa nói khiến tác giả Hoa Quỳnh không khỏi hình dung ra rằng “VN: Nhà tù lớn, lãnh đạo: Những tên cai tù”. Qua bài tựa đề như vừa nói, tác giả lưu ý tới tình trạng giới cầm quyền “bắt giữ người trái phép, bỏ tù những người yêu nước, bất đồng chính kiến một cách vô tội vạ bằng những bản án khắt khe, vô nhân đạo”, và rồi đưa họ vào “nhà tù nhỏ biệt giam trong một nhà tù lớn của xã hội VN”. Tác giả Hoa Quỳnh nhận xét:
Tất cả người Việt Nam, ngoại trừ những tên cai ngục là những kẻ đang nắm chính quyền trong Đảng Cộng Sản, đều là những tù nhân trong một nhà tù vĩ đại của thế kỷ 21. Gần 87 triệu người VN đã nhận ra rằng họ là những tù nhân ngay trên chính quê hương mình. Họ là những tù nhân đích thực vì họ đã bị tước đoạt tất cả những quyền căn bản tối thiểu của một công dân, họ bị cướp đi quyền tự do để sống như một con người: không được nói, không được nghe, không được suy nghĩ, không được bày tỏ quan điểm của mình, không được đi lại tự do, đi đâu làm gì cũng bị theo dõi rình rập, đàn áp, bắt giữ như một tội phạm. Khi những người công dân bị bắt giữ tùy tiện, trái phép thì chẳng có ai bênh vực họ, vì họ đã mất cái quyền làm người công dân của họ từ lâu rồi.
Trong khi tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, như vừa nêu, nhắc tới chuyện TQ xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải của VN khiến “làm sao ngăn được tinh thần yêu nước của nhân dân VN ?”, và “ai là người yêu nước lại không phẫn nộ, chống Trung Quốc?”, thì tác giả Hạ Đình Nguyên lưu ý đến “những lời nói dối thật là hoành tráng” của giới cầm quyền trong nước qua bài tựa đề “Hãnh tiến trên sự nói dối hoành tráng”.
Tác giả mở đầu rằng hiện nay người dân Việt rất căm giận khi Bắc Kinh tiến quân đánh VN, tiếp tục chiếm đóng biển đảo của VN và hàng ngày đe doạ chủ quyền của quê hương ta. Tác giả đặc biệt đề cập tới sự phẫn nộ bội phần khi “giới lãnh đạo VN tỏ ra thân thiện với cách ứng xử giống như là nhu nhược trước nhà cầm quyền Bắc Kinh”. Trong khi đó, người dân Việt không hề biết những gì đã và đang diễn ra trong cuộc tiếp xúc giữa hai bên trong bối cảnh quê hương VN bị phương Bắc xâm lấn ngày càng đáng ngại, nhưng được che đậy dưới chiêu bài “hợp tác chiến lược, toàn diện”, trên nền tảng “ chủ nghĩa xã hội”, “đảng CS” qua những cuộc tiếp xúc liên tục của giới lãnh đạo 2 nước, kể cả việc mới đây nhất phía VN chấp nhận hợp tác báo chí với đảng CSTQ để tuyên truyền, “giáo dục” nhân dân VN, “chống lại những luận điệu tuyên truyền, sai trái, phá hoại sự nghiệp cách mạng của mỗi nước”…Tác giả Hạ Đình Nguyên thắc mắc:
Khi những người công dân bị bắt giữ tùy tiện, trái phép thì chẳng có ai bênh vực họ, vì họ đã mất cái quyền làm người công dân của họ từ lâu rồi.
Tác giả Hoa Quỳnh 
Tôi nghĩ đây là cách tuyên truyền của phía Trung Quốc nhưng nhà nước Việt Nam không hiểu tại sao lại để ảnh hưởng một cách kỳ lạ như vậy? Tự nhiên lại đi mời người ta về để giáo dục nhân dân mình thì quá lạ. Còn nói về chuyện liên kết Chủ nghĩa xã hội thì cũng kỳ luôn vì chẳng có nước nào giống nước nào hết mà lại đi hợp tác giáo dục thì cả một sự nghịch lý, nghịch cả truyền thống. Tại sao lại để họ sang giáo dục mình? Khi nhà nước Việt Nam ra luật biển thì họ đã bảo rằng là một trò hề lố bịch. Nhà nước mình không nói gì lại hết. Tờ báo Hoàn cầu bằng tiếng Anh của Trung Quốc cũng đã chửi bới Việt Nam vậy thì mình làm gì để giáo dục được bên kia?
Tác giả đặc biệt lưu ý tới quyền tự do báo chí của người dân, được ghi trong chính Hiến pháp VN, thì không được thực thi, mà lại “chính thức đưa cái quyền tuyên truyền và giáo dục của đảng CSTQ vào để cùng giáo dục nhân dân VN”.
Tác giả Hạ Đình Nguyên khẳng định rằng “Nhân dân VN có thể học tập ở bất cứ ai, nhưng không chấp nhận sự giáo dục của bất kỳ ai. Lòng yêu nước thuần khiết của nhân dân VN là có sẵn. Nhân dân VN không cho phép kẻ khác đứng ra bẻ ghi cho lòng yêu nước của mình theo “màu sắc” của họ. Lãnh đạo của hai đảng cộng sản VN và TQ muốn có một tiếng nói chung, là tiếng nói chung nào ? VN,TQ là hai quốc gia riêng biệt, có sinh mệnh riêng của mỗi quốc gia, có quyền bình đẳng, cùng trong cộng đồng thế giới”, và “Trung quốc là một quốc gia ‘XHCN’ giả danh, điển hình đầy đủ các mặt…với màu sắc Trung quốc.
Đó không phải là mô hình của Việt nam, không phải là giấc mơ của nhân dân Việt nam. Việt Nam có sinh mệnh riêng của mình và đi con đường của mình…Nhưng tiếc thay tất cả… đang được thêu dệt từ những lời nói dối thật là hoành tráng”.
Vẫn theo tác giả Hạ Đình Nguyên, thì “Chúng ta đang ở trong một vùng trũng ngập ngụa những điều bất cập, mà ở đó lá cờ “liên kết” XHCN, kiêu hãnh một cách đáng tiếc, cứ thế tung bay”.


Phạm Thị Hoài: Thông điệp của chính quyền

Năm 2011, chính quyền Việt Nam kết án tổng cộng 95,5 năm tù trong 10 vụ án cho 21 nhà hoạt động hoạt động xã hội, dân chủ, nhân quyền và tôn giáo[1]. Năm nay cho đến thời điểm này, 18 người trong 9 vụ án đã bị kết án tổng cộng 118,5 năm tù[2]. Nếu đến cuối năm, 11 thanh niên Công giáo bị bắt từ giữa năm ngoái[3] và 22 người bị coi là thuộc Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn bị bắt đầu năm nay bị đưa ra xét xử thì số người bị kết án sẽ lên đến trên 50 người với tổng cộng ít nhất 200 năm tù. Năm 2011 chỉ có một bản án nặng (11 năm), năm 2012 có tới 3 bản án nặng (12 năm, 11 năm và 10 năm).
Về nhân thân, 3 trong số 39 người bị kết án là cựu đảng viên cộng sản[4]. Ngoài một người là giáo viên trung học, tất cả đều làm nghề tự do, không thuộc diện cán bộ, công chức hay nhân viên ăn lương nhà nước[5]. 8 người sống ở các tỉnh miền Bắc, 8 người ở miền Trung – đặc biệt tập trung ở Nghệ An, và nhiều nhất ở miền Nam: 23 người. Năm 2011, người trẻ nhất bị kết án 25 tuổi, người cao tuổi nhất 71, tuổi trung bình 48. Có 2 người dưới 30 tuổi. Năm 2012 người trẻ nhất 23, người cao tuổi nhất 63, tuổi trung bình 41. Có 5 người dưới 30 tuổi.
Mười chín vụ án đã xét xử trong hai năm qua cho thấy một số đặc điểm:
Điều 88
Ngoài một vụ truy tố theo điều 258 BLHS (tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân), một vụ theo điều 226 (tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet), một vụ theo điều 87 (tội phá hoại chính sách đoàn kết), ba vụ theo điều 79 (tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,) còn lại mười ba vụ đều theo điều 88 (tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam).
Chiến công rực rỡ nhất trong sứ mệnh trấn áp những người bất đồng chính kiến của Bộ Luật Hình sự Việt Nam như vậy thuộc về điều 88, biểu tượng hai chiếc còng, như thể khi soạn thảo và đánh số người ta đã tiên liệu rằng số tù nhân dự khuyết theo điều luật này ở Việt Nam có thể lên tới hàng triệu. Điều 88 của Việt Nam đứng trong một hệ gia phả quốc tế khét tiếng, với những điều luật như điều 58 khoản 10 của Liên Xô trước đây (tội vận động và tuyên truyền chống chính quyền Xô-viết) và điều 102 của Trung Quốc hiện tại (tội vận động và tuyên truyền phản cách mạng). Những điều luật như thế tồn tại là để khóa trái cửa tự do ngôn luận, vì bất kể một phát ngôn nào không trùng khít với lập trường chính thống cũng cấu thành tội phạm, trừ khi người ta nói thầm với hai đầu gối của mình. Nhưng trong thực tế, việc ai lúc nào sẽ rời danh sách dự khuyết để chính thức trở thành một tội phạm được quyết định bởi những yếu tố khác[6].
Bóng ma tổ chức
Trừ ngoại lệ duy nhất là nhà bất đồng chính kiến độc lập Cù Huy Hà Vũ mà sự nổi tiếng và lòng quả cảm khiến ông có tầm ảnh hưởng vượt khỏi phạm vi cá nhân, tất cả những người còn lại đều bị cáo buộc đã tham gia hay có liên hệ với một tổ chức. Đó là những Khối 8406, Đảng Thăng Tiến, Đảng Tự do Dân chủ Việt Nam, Đảng Vì dân, Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, Diễn đàn “Việt Nam và những vấn đề hôm nay”…, gần đây nhất là Nhóm Tuổi trẻ Yêu nước, và nổi bật là Đảng Việt Tân – được nhà nước Việt Nam xếp đầu bảng, ở hạng “tổ chức khủng bố”.
Tôi cho đây là thông điệp căn bản của chính quyền.
Những người cộng sản đang cầm quyền hiểu rõ hơn ai hết vai trò của tổ chức và sức mạnh của công tác vận động quần chúng. Họ đã thành công, dù ở thời họ còn phải hoạt động bí mật, dân trí, ý thức xã hội, năng lực và phương tiện liên kết của người Việt Nam so với ngày nay chắc chắn thấp hơn nhiều bậc. Không có điều gì khiến nhà cầm quyền ở các chế độ độc tài lo ngại hơn việc các công dân bé nhỏ và rời rạc bỗng có tổ chức, bỗng biết tổ chức và biết nhân sức mạnh của mình qua tổ chức, tất nhiên là tổ chức độc lập với chính quyền. Tổ chức là hai chữ cấm kị triệt để nhất, vẫn còn nguyên hiệu lực của nó trong một đất nước Việt Nam đã mở ra khá nhiều cánh cửa trước kia vốn khép kín, sau một phần tư thế kỉ tuyên bố chính sách đổi mới và hòa nhập với thế giới. Tổ chức, nếu không phải là công cụ của chính quyền thì bất kì lúc nào cũng có thể bị quy về cái mẫu số chung hắc ám là chống đối và lật đổ. Danh hiệu “có móc nối với các tổ chức phản động” hay do các tổ chức này “hậu thuẫn, giật dây, lợi dụng” bất kì lúc nào cũng có thể được đem ra phân phát không cần bình bầu. Các tổ chức bị xếp loại thù địch này thường ở nước ngoài, tất nhiên với não trạng đầy hận thù và túi đầy những đồng tiền bẩn thỉu, trước kia thế nào cũng phải mang hình thù gớm ghiếc của CIA, bây giờ thế nào cũng phải thấp thoáng bóng ngôi sao đen Việt Tân, Lời văn mở đầu nổi tiếng trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản 1848 có thể viết lại như sau: “Một bóng ma đang ám ảnh toàn cõi nước CHXHCN Việt Nam: Bóng ma tổ chức“.
Liên minh thần thánh của Hà Nội để trừ khử bóng ma ấy không ở đâu xa. Là liên minh với chính nỗi sợ bóng ma này trong phần lớn chúng ta. Khi chúng ta bênh vực quyền biểu lộ lòng yêu nước của những Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha… nhưng né tránh quyền đứng trong một tổ chức chính trị của họ, ái ngại cho sự “dại dột” của họ và tìm cách minh oan cho họ, như thể những người đầu xanh tuổi trẻ ấy thừa bồng bột mà thiếu trí khôn. Khi chúng ta với tất cả trí khôn của mình phó thác toàn bộ vận mệnh mình cho một tổ chức duy nhất, Đảng Cộng sản, và chấp nhận việc nó thẳng tay đàn áp mọi tổ chức khác từ trong trứng nước như một định mệnh không thể thay đổi. Khi ngay cả những người vốn sáng suốt và không dễ sợ bóng sợ gió, hễ thấy mùi của một tổ chức nào đó là lập tức đeo khẩu trang. Khi những người giầu khí phách, có thể kiêu hãnh chọc trời khuấy nước, cũng luôn chỉ muốn là những anh hùng cá nhân, không ràng buộc, không tổ chức. Bản thân tôi, người viết những dòng này, đã nhiều lần tự hỏi, liệu lí do khiến mình cho đến nay không gia nhập một tổ chức nào có thật sự chỉ là để bảo vệ chỗ đứng độc lập của người cầm bút?
Đối thủ tôn giáo
17 trong số 39 người bị kết án là người theo tôn giáo: Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo và Pháp Luân công, trong đó khối Công giáo được chiếu cố hơn cả.
Có lẽ nhà thờ ở Việt Nam mong duy trì một hiệp ước bất khả xâm phạm với chính quyền, thành quả của nhiều thập kỉ nỗ lực và chịu đựng, hơn là đóng một vai trò chủ động và thậm chí tiên phong trong công cuộc phản kháng chế độ độc tài như ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây. Nhưng cộng đồng sáu triệu tín đồ Công giáo Việt Nam chắc chắn sở hữu hai phẩm chất quan trọng mà những người cộng sản từng có, từng coi là bảo bối cho sự nghiệp được coi là bách chiến bách thắng của mình và nay đã đánh mất: thứ nhất, sức mạnh của đức tin, hay nói theo ngôn ngữ đời là sức mạnh của niềm tin, lí tưởng và thứ hai, sức mạnh của đoàn kết. Đó là chưa kể sức mạnh của nhánh hiệp thông thứ ba: hiệp thông với các tổ chức và cộng đồng Thiên chúa giáo thế giới, điều tương tự mà những người cộng sản cũng đã đánh mất với sự phá sản của phong trào cộng sản quốc tế. Nếu những quan sát của tôi không nhầm thì ngoài ra cộng đồng thiểu số này còn chứng tỏ những ưu thế khác so với xã hội bao quanh nó mà đa số là một hỗn hợp của vô thần và mê tín. Nền tảng đạo đức trong giáo dân dường như vững chắc hơn và ý thức xã hội cao hơn mặt bằng chung, trong khi những người lãnh đạo họ dường như thua xa giới lãnh đạo xã hội bên ngoài về thành tích dốt nát, tham nhũng và lộng quyền. Điểm yếu của nhà thờ, xuất phát từ một giai đoạn quá khứ từng tháp tùng chủ nghĩa thực dân, là chỗ đứng tương đối chênh vênh của nó trong tình tự dân tộc. Song nếu có một tổ chức đối lập thật sự đáng gờm cho độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản với gần bốn triệu đảng viên thì đó chính là nhà thờ Công giáo với sáu triệu tín đồ. Cuộc đối đầu tiềm năng giữa hai bên là mã số của nhiều vụ án không chỉ trong hai năm qua.
Những nội dung nhạy cảm
Bốn nội dung chính xuất hiện trong các vụ án kể trên, theo thứ tự tần suất từ cao nhất trở xuống, là:
1) đòi hỏi dân chủ và nhân quyền, đòi hỏi thay đổi hệ thống và mô hình chính trị, chống độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản;
2) bảo vệ quyền lợi của dân oan và chống tham nhũng;
3) đòi hỏi tự do và bình đẳng tôn giáo, tín ngưỡng;
4) bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo.
Nội dung thứ nhất xuyên suốt phần lớn các vụ và rõ ràng đóng vai trò quyết định.
Trái với không ít người, tôi cho rằng phẫn nộ về việc Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải bị tổng cộng 26 năm tù chỉ vì đã tham gia biểu tình chống Trung Quốc, Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang bị tổng cộng 10 năm tù chỉ vì mấy bản nhạc yêu nước, hay Nguyễn Phương Uyên bị bắt chỉ vì một bài thơ ghét Tàu là một thái độ vừa không đủ khách quan vừa né tránh sự thật và có phần vô hại hóa hoặc thậm chí tầm thường hóa sự dấn thân của họ.
Họ đã đi xa hơn. Bất chấp thông điệp hà khắc của chính quyền.
© 2012 pro&contra

[1] Theo thứ tự thời gian, những người bị kết án là Vi Đức Hồi, Cù Huy Hà Vũ, Cao Văn Tỉnh, Dương Kim Khải, Nguyễn Chí Thành, Nguyễn Thành Tâm, Phạm Ngọc Hoa, Phạm Văn Thông, Trần Thị Thúy, Phạm Minh Hoàng, Lư Văn Bảy, Phạm Thị Phượng, Nguyễn Ngọc Cường, Nguyễn Ngọc Tường Thy, Phạm Thị Bích Chi, Vũ Đức Trung, Lê Văn Thành, Nguyễn Văn Lía, Trần Hoài Ân, Hồ Thị Bích Khương và Nguyễn Trung Tôn.
[2] Đó là Nguyễn Văn Thanh, Võ Thị Thu Thủy, Nguyễn Công Chính, Chu Mạnh Sơn, Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức, Trần Hoàng Phong, Phan Ngọc Tuấn, Đinh Văn Nhượng, Đỗ Văn Hoa, Nguyễn Kim Nhàn, Đinh Đăng Định, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, Trần Vũ Anh Bình, Võ Minh Trí (Việt Khang).
[3] Đó là: Nguyễn Đình Cương, Lê Văn Sơn, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Văn Duyệt, Nông Hùng Anh, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, Trần Minh Nhật và Thái Văn Dung.
[4] Ông Vi Đức Hồi, ông Đinh Đăng Định và bà Tạ Phong Tần
[5] Ông Phạm Minh Hoàng là giảng viên hợp đồng ở đại học, tức ngoài biên chế nhà nước.
[6] Blogger Người Buôn Gió ghi nhận: “Chúng ta, những người viết blog sẽ có thể bị bắt bất cứ lúc nào khi mà cơ quan an ninh muốn. Không phải ngày hôm nay chúng ta ngừng viết, chúng ta không sờ đến bàn phím nữa, chúng ta sẽ yên lành. Chúng ta đều ở trong rọ, đến thời hạn cần thăng chức, lên lon, xét duyệt, thời điểm cần vụ án chính trị  để phục vụ mục đính chính trị. Người ta thò tay vào rọ và chọn ai đó trong số chúng ta… Chúng ta, những người viết blog ‘lề bên trái’, những người chưa bị bắt chỉ là ‘của để dành’ khi người ta cần lập chiến công nhân dịp xét duyệt phong hàm, chức hay phục vụ quan hệ với một nước nào đó.”
*****
Nguồn:
--  http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/viet-nam-khong-uoc-vao-hoi-ong-nhan.html#more 

Chống Trung Quốc hay chống Nhà nước?

Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-11-12
Dư luận ngày càng xôn xao, bất bình và rồi quan ngại trước tình trạng giới cầm quyền trong nước trở nên mạnh tay hơn trong chiều hướng tuỳ tiện, vô cảm bắt giữ trái pháp luật và bỏ tù những người yêu nước.

AFP photo
Những người biểu tình hô to khẩu hiệu chống Trung Quốc trong khi diễu hành ở Hà Nội hôm 05/8/2012 trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Vô tù vì chống Trung Quốc

Từ những nhà bất đồng chính kiến lão thành cho tới cả nữ sinh viên trường Đại học Công nghệ Thực phẩm Nguyễn Phương Uyên. Hành động ấy khiến công luận, nhất là những người có tâm huyết với vận nước, mạnh mẽ phản đối.
Qua bài “Cần nuôi dưỡng và khuyến khích tinh thần yêu nước”, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhắc lại chuyện TQ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN năm 1974, rồi năm 1979 đưa quân lấn đất ta, và sau đó xúc tiến việc chiếm biển đảo, bắn giết ngư dân Việt, xâm phạm chủ quyền lãnh hải VN. Trước những hành động như vậy của phương Bắc, Tướng Ngyễn Trọng Vĩnh khẳng định là làm sao ngăn được tinh thần yêu nước của nhân dân VN ? ”. Và ông cho biết tiếp:
Ai là người yêu nước lại không phẫn nộ, chống Trung Quốc? Đến một nữ sinh như cháu Phương Uyên mà cũng có hành động thể hiện lòng yêu nước. Đó là một dấu hiệu tốt. Càng nhiều thanh nên có tinh thần yêu nước là may cho Tổ quốc. Thanh niên là tương lai của đất nước mà ! Đất nước thịnh suy, mất còn là ở thế hệ các cháu và sau này. Cần khuyến khích và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của mọi người, nhất là các cháu thanh niên. Cháu Nguyễn Phương Uyên có vi phạm pháp luật đâu. Cháu không chống Đảng, chống Nhà nước. Cháu chỉ chống và tuyên truyền chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nước ta thôi. Sao lại bắt cháu? Bắt cháu Phương Uyên là vô đạo lý, là dập tắt tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ. Hay là cháu vi phạm lệnh cấm của Thiên triều?
Cha, mẹ của Nguyễn Phương Uyên, là ông Nguyễn Duy Linh và bà Nguyễn Thị Nhung ở Bình Thuận đã khẳng định con họ không bao giờ “tuyên truyền chống nhà nước” để “vi phạm Điều 88 Bộ Luật hình sự” như giới cầm quyền gán ghép:
Cái đó là do họ buộc tội sai với pháp luật VN chứ nói thẳng thừng ra con tôi yêu nước, chống TQ…
Nó là một đứa trẻ 20 tuổi chỉ thể hiện lòng yêu nước… cháu Uyên nhà tôi chỉ mang một dòng máu Việt, một quả tim yêu nước, thì dù cháu có thể hiện như thế nào cũng chỉ vì lòng yêu nước mà thôi. Chứ làm sao từ chỗ yêu nước lại trở thành một người bán nước hại dân ?
Blogger Thuỳ Linh lưu ý tới sự thiếu minh bạch ở Điều 88 dành cho tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Qua bài “Quyển Im Lặng”, nhà văn Thuỳ Linh khẳng định rằng “Nếu nêu đích danh, công khai và chia sẻ suy nghĩ về những yếu kém, hạn chế, sự xấu xa, bệ rạc…của chính quyền trong việc điều hành đất nước mà mắc tội tuyên truyền chống phá thì gần như người dân Viêt Nam đều mắc phải tội này”. Tác giả nêu lên câu hỏi rằng đâu là giới hạn để phân biệt tội với những ý kiến phản biện, thậm chí chỉ là lời than phiền, bất mãn do không hài lòng với giới đương quyền ? Blogger Thuỳ Linh nhấn mạnh:
Điều 88 này còn tồn tại sẽ còn là vòng kim cô siết lên đầu bất cứ ai có ý tưởng phản biện, có ý muốn bất mãn, có sự bất bình, phẫn nộ về chính quyền.
Blogger Thuỳ Linh 
Đưa ra một điều luật để khép tội công dân không thể là những khái niệm co dãn, hoặc tùy thuộc vào quan niệm của một người, vài người hay nhóm người, nhất là những người có nhiều quyền lợi gắn với chính quyền. Điều 88 này còn tồn tại sẽ còn là vòng kim cô siết lên đầu bất cứ ai có ý tưởng phản biện, có ý muốn bất mãn, có sự bất bình, phẫn nộ về chính quyền. Và thực tế số người này đang ngày càng gia tăng trước thực trạng đất nước vô cùng bê bối, tê liệt, lụn bại, khủng hoảng, đàn áp vô cớ…
Sự thiếu minh bạch trong điều tra các vụ án, nhất là các vụ án an ninh đều theo một lý lẽ: bảo vệ chế độ. Nếu đây là mục đích tốt đẹp thì việc công khai càng chỉ có lợi cho cơ quan điều tra. Còn nếu cơ sở lý luận mơ hồ, thiếu nền tảng thuyết phục thì nó trở thành cái bẫy giăng khắp nơi khiến ai cũng có thể bị sập… Hiện tại chưa có điều luật nào giúp người ta tránh được “cái bẫy” mà việc kết tội dựa trên tính thiếu minh bạch của một nền pháp luận vừa mơ hồ, vừa đầy tính chủ quan như hiện nay.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh cũng nhấn mạnh tới tính mơ hồ, “không đàng hoàng” của điều luật từng được tận dụng để chụp mũ những người yêu nước:
Riêng Điều 88 Bộ Luật hình sự thì đã có rất nhiều tiếng nói phản ứng, đã có rất nhiều yêu cầu từ trong nước cũng như ngoài nước về quy định gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” này. Đó là điều luật mà người ta cho là không đàng hoàng, rõ ràng, bởi vì như thế nào là tuyên truyền, như thế nào là chống nhà nước? Có tuyên truyền, chống nhà nước hay không, thì đó là điều mà rất nhiều người đã nói đến. Riêng tôi thì tôi thấy rằng nếu để điều luật mơ hồ trong một bộ luật để rồi suy diễn, diễn giải hành động của người dân – dù tốt, dù xấu – như thế nào đó theo ý của giới cầm quyền thì tôi thấy rằng VN chưa thể được gọi là một nhà nước pháp quyền, pháp trị.

No comments:

Post a Comment