Vàng
Cái gì quý người ta thường ví như vàng. Đây là kiểu ví von truyền thống đã thành một thành ngữ của Việt Nam, và không chỉ của riêng Việt Nam, mà còn là chung của thế giới. Thậm chí ví von nghĩa bóng người ta cũng dùng đến vàng, như nguyên tắc vàng, ông bạn vàng, khu đất vàng, thời điểm vàng, đám cưới vàng ..v..v.. Còn ở Việt Nam hiện nay vấn đề gì nổi trội vì sự khó khăn, khó đoán biết, liên tục thay đổi thì người ta nói là “nóng như thị trường vàng” hoặc “điên như giá vàng”. Răng lại có cớ sự như rứa ở cái đất nước Việt Nam nghèo nàn lạc hậu này ?
Từ khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam quyết định mở cửa và cởi trói cho nền kinh tế từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước sau gần nửa thế kỷ vừa đóng cửa vừa lấy còng số 8 trói chặt nền kinh tế để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa thì các nhà lãnh đạo vĩ đại của cộng sản hơi choáng váng vì thấy dân vẫn cất giấu được khá nhiều vàng. Lãnh đạo cộng sản tưởng rằng sau những vụ cướp vĩ đại mà họ đã làm như vụ Cải cách ruộng đất, Cải tạo tư sản, Cải tạo công thương nghiệp – là những vụ lớn, và vô vàn những vụ nhỏ mang tính chất thường xuyên mà các cấp địa phương, cấp nhỏ hơn đến nay vẫn làm hàng tháng, hàng ngày để cống nạp lên cấp to hơn, thì tưởng rằng vàng trong dân đã được moi gần cạn hết rồi. Ấy vậy mà đến cuối mùa hè năm 2008 khi lạm phát phi mã bộc lộ và thấm thía đến từng người dân để mở đầu cho thời kỳ suy thoái kéo dài đến tận bây giờ thì giá vàng tăng đến 60% chỉ trong vòng 2 tháng từ khoảng 1,8 triệu đồng/chỉ tăng vọt lên 2,9 triệu đồng/chỉ. Thành ngữ “điên như giá vàng” phổ biến từ đấy.
Ngộ nhất là mùa hè năm ấy ở trong tù, tù nhân khố rách chúng tôi cũng bàn tán xôn xao và theo dõi sát sao giá vàng từ sáng mở mắt dậy đến tận đêm có kẻng báo ngủ gõ đinh tai nhức óc, thì giá vàng hôm nay thế nào, lên bao nhiêu rồi cứ gắn chặt vào mồm vào miệng để hỏi nhau, kể cho nhau, buôn dưa lê với nhau. Đến bản tin tài chính trên tivi thì cả phòng im phăng phắc, các đôi tai lừa ve vẩy lắng nghe tin. Tự khắc mà chăm chú tập trung hết chỗ nói!