Cuộc vận động chính trị hiện nay của những người Việt yêu nước ở hải ngoại và trong nước không đơn thuần là cuộc vận động dân chủ mà còn là cuộc vận động để mở đường cho dân tôc phát triển và phục hưng. Tình trạng lạc hậu của đất nước thôi thúc mọi người Việt yêu nước phải quan tâm và đóng góp vào việc tìm biện pháp giúp đất nước phát triển toàn diện, nhanh chóng và bền vững. Chúng ta vận động cho dân chủ vì chúng ta tin rằng chỉ có tự do dân chủ thì mọi thành phần dân tộc mới có cơ hội để phát huy tiềm năng của mình, đạt được một đời sống ấm no hạnh phúc, và dân tộc chúng ta mới hội nhập được vào dòng tiến hoá chung của nhân loại. Đất nước có phát triển thì dân tộc mới có được vị thế xứng đáng với bề dầy lịch sử và tiềm năng của người dân Việt. Dân tộc và dân chủ, do đó, là hai mặt của cuôc vận động lịch sử hiện nay.
Dân Chủ Trong Cuộc Đấu Tranh Giải Phóng Dân Tộc
Trước hết, dân chủ không phải là vấn đề mới lạ trên chính trường Việt Nam trong gần một thế kỷ qua. Ngay từ những thập niên 1920, 1930, khi cả dân tộc còn đang phải đấu tranh quyết liệt và sắt máu để giành lại độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp, lý tưởng dân chủ đã được những nhà cách mạng quốc gia đề ra trong các cương lĩnh của họ, chẳng hạn như trong đường lối Tam Dân của Việt Nam Quốc Dân Đảng hay chủ nghĩa Duy Dân của Lý Đông A. Khi đảng Cộng Sản, qua phong trào Việt Minh, giành được chính quyền và thiết lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1945, bản Hiến Pháp dân chủ đầu tiên của Viêït Nam đã ra đời với các điều khoản cần có của một chế độ dân chủ, dù ngay sau đó, những điều khoản này cùng với cả chế độ dân chủ đã bị ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản của ông cố tình “bỏ quên”.
Rồi khi đất nước bị chia đôi, nước Việt Nam Cộng Hòa ra đời ở miền Nam, chế độ cộng hoà được thành lập, với một bản Hiến Pháp dân chủ khá hoàn chỉnh, các cơ chế tam quyền phân lập rỏ nét. Nhưng rồi, vì nhiều lý do khác nhau –từ giới lãnh đạo độc tài, đến các chính đảng non trẻ, đến trình độ dân trí thấp, và nhất là vì tình trạng chiến tranh– nền dân chủ cũng lại không có cơ hội để thử thách và phát huy tác dụng tích cực để ổn định và phát triển đất nước. Cuối cùng, từ 1975 đến nay, chế độ cộng sản đã, và còn đang cố, “bóp chết” dân chủ và tự do bằng mọi biện pháp. Vào thời điểm của năm 2004 này ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang phải tự điều chỉnh để tồn tại –từ độc tài toàn trị chuyển sang độc tài pháp quyền, mà họ gọi là “dân chủ pháp quyền” (“pháp quyền” chứ không phải “pháp trị”, vì pháp trị không thể đi với độc tài, cũng như pháp quyền không đương nhiên đi với dân chủ). Họ cũng đưa thêm danh từ “dân chủ” vào khẩu hiệu mị dân: “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Nhưng dù có đổi mới và tự điều chỉnh thế nào đi nữa, từ năm 1975 đến nay, ban lãnh đạo cộng sản đã chính thức “khai tử” những cuộc thử nghiệm “dân chủ hóa” nước Việt trước đó, những cuộc thử nghiệm chưa có đủ thời gian và điều kiện để thành công. Họ đã khai tử nền dân chủ còn non trẻ khi đất nước đã “sạch bóng quân xâm lược”, đã “hoà bình thống nhất”, nghĩa là vào đúng lúc mà dân chủ tự do đáng lẽ đã phải có được cơ hội và điều kiện thuận lợi nhất để tồn tại và phát triển.
Kiểm điểm lại lịch sử như thế để thấy rằng cuộc vận động dân chủ hiện nay ở hải ngoại cũng như ở trong nước chính là để tiếp nối những vận động đã được tiến hành và còn dang dở cả trước và sau thời kỳ quốc-cộng, ở cả hai miền Nam-Bắc, trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Nhìn từ góc độ lịch sử dân tộc còn giúp ta hiểu được tại sao cuộc vận động cho dân chủ tại Việt Nam lại có thể cuốn hút cả những người cộng sản, suốt đời hy sinh cho chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa coi “dân chủ” chỉ là sản phẩm chính trị của chế độ kinh tế tư bản bóc lột. Tự do và dân chủ, nếu bóc bỏ hết đi cái vỏ “tranh quyền”, thì chính là “khát vọng ngàn đời” của dân tộc Việt, cũng như mọi dân tộc khác, muốn vươn mình lên cùng chung hưởng tự do, hạnh phúc với toàn thể nhân loại. Nếu nhìn từ góc độ dân tộc, và không qua lăng kính “đảng tranh, tranh quyền” thì vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền phải, và trong thực tế hiện đang, là cuộc vận động của mọi thành phần dân tộc, bất kể trước đây và hiện nay đang đứng trong hàng ngũ và quan điểm chính trị nào. Một tập hợp toàn dân tộc vì nền dân chủ có thể và đã đến lúc phải ra đời để cùng vận động cho một nước Việt Nam dân chủ và phú cường trong thiên niên kỷ thứ ba này.
Dân Tộc Trong Cuộc Vận Động Dân Chủ
Dân tộc như thế phải là thế đứng của cuộc vận động dân chủ hiện nay. Dân tộc là thế đứng bởi một lẽ đơn giản là, dù trong thời đại toàn cầu, hay nói cho đúng hơn, chính vì trong thời đại toàn cầu, toàn nhân loại, mà mỗi quốc gia đều phải quay về với bản vị dân tộc, vừa để bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của người dân, vừa để phát huy bản sắc dân tộc, đóng góp vào vườn hoa văn hóa nhân loại. Dân chủ sẽ chẳng có ý nghĩa và chẳng đáng được vận động nếu không đem lại ấm no hạnh phúc cho toàn dân, hưng thịnh cho dân tộc, mà biến quốc gia, dân tộc thành một thị trường tiêu thụ cho doanh nhân quốc tế, thành một thuộc quốc của thiên hạ đại cường.
Dân tộc do đó cũng phải là động cơ và mục đích của cuộc vận động dân chủ bởi vì mọi chế độ chính trị xã hội cũng như kinh tế đều chỉ là những phương tiện để đem lại ấm no hạnh phúc cho toàn dân, hưng thịnh cho dân tộc. Nếu kinh tế chỉ huy mà đạt được mục đích này thì chẳng cần phải quay sang kinh tế thị trường –và đã có một thời ban lãnh đạo cộng sản “duy ý chí” đã nghĩ và làm như thế, với bao hậu quả tai hại lâu dài cho cả tinh thần lẫn vật thể của dân tộc. Nếu chính trị độc tài mà đạt được mục đích này thì cũng không cần khổ nhọc vận động cho dân chủ. Và hiện nay ban lãnh đạo cộng sản tại VN vẫn “kiên trì” với quan điểm “duy ý chí” đó, viện dẫn những mô hình phát triển đã lỗi thời hoặc đang bị khủng hoảng.
Thực tế cho thấy lịch sử thế giới không đứng về phía chế độ độc tài, dù độc tài dưới hình thức nào và vì lý do nào. Liên Xô, mẫu mực của chế độ độc tài toàn trị, không những không phát triển được (trừ sức mạnh quân sự và khả năng khống chế các nước đàn em), mà ngược lại cuối cùng đã sụp đổ sau hơn 70 năm tồn tại, sụp đổ tự bên trong cơ chế độc tài đó. Singapore thường được nêu ra như là một trường hợp kiểu mẫu, phát triển kinh tế thành công mà không cần đến chế độ chính trị dân chủ. Nhưng Singapore đã phát triển kinh tế một phần nhờ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhờ vào việc sửa chữa các tầu chiến của Mỹ. Hơn nữa, Singapore đã phát triển vào thời gian 40 năm trước đây khi chưa có hiện tựơng toàn cầu hóa, chưa có thương mại tự do, chưa có internet, nghĩa là chưa có một thế giới và khu vực với biên giới quốc gia mở, với hơn 60% các quốc gia trên thế giới có nền kinh tế thị trường, văn hoá thông tin tự do và chế độ dân chủ như ngày nay.
Singapore gần như là một trường hợp duy nhất. Mô hình Singapore không thấy tái xuất hiện thành công ở nơi nào khác trên thế giới từ đó đến nay. Ngược lại, chúng ta thấy các chế độ độc tài, độc đảng thi nhau sụp đổ, từ Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu, đến Đài Loan, Nam Triều Tiên….Mà tất cả đều sụp đổ từ bên trong, hoặc bằng “diễn biến hoà bình” (Đài Loan, Liên Xô), hoặc qua bạo loạn (Nam Triều Tiên, Indonesia…). Và không hề xẩy ra trường hợp ngược lại, thí dụ như chế độ dân chủ khi phát triển lại trở nên độc tài, hoặc phát triển kinh tế cao nhưng không trở thành dân chủ. Chính Singapore ngày nay đã bắt đầu có đảng đối lập, dù còn non trẻ. Ngay cả Trung quốc cũng đang phải dò dẫm tìm một mô hình dân chủ, sau khi đã phải chấp nhận nền kinh tế thị trường, và đang làm cuộc thử nghiệm chính trị “một nước Trung Hoa hai chế độ”, cùng nhiều thí điểm cải cách chính trị khác.
Sự thật đơn giản là tiến trình tự do hóa xã hội, dân chủ hóa chính quyền, đi đôi với nền kinh tế thị trường tự do, là một tiến trình không thể đảo ngược ở mọi quốc gia trên thế giới từ sau đệ nhị thế chiến đến nay. Tiến trình này chỉ khác nhau ở tốc độ, chậm hay mau, và ở phương thức, hòa bình hay qua bạo loạn, và khác nhau ở những tiểu tiết thực hiện, tùy hoàn cảnh và khả năng của nhân dân và giới lãnh đạo ở mỗi nước. Trong thời đại tri thức điện tử hiện nay, chậm và qua bạo loạn tất nhiên không phải là con đường lưạ chọn tối ưu cho bất cứ dân tộc nào, nhất là cho dân tộc Việt, vì Việt Nam đã chậm tiến quá lâu rồi, người dân Việt đã mất mát, thua thiệt quá nhiều rồi.
Dân Tộc và Dân Chủ
Cuộc vận động dân chủ hiện nay do đó là một cuộc vận động cần thiết và thích hợp với dân tộc và thời đại. Cuộc vận động này có hai mục tiêu gắn liền với nhau: thiết lập chế độ dân chủ, và mở đường phục hưng dân tộc và phát triển đất nước. Hai mục tiêu này là một nhưng chia thành hai giai đoạn, ngắn hạn để xây dựng dân chủ và dài hạn để phát triển và phục hưng dân tộc. Tuy ngắn hạn nhưng thiết lập chế độ dân chủ là điều kiện cần có để phát triển bền vững; tuy dài hạn nhưng mục tiêu phục hưng dân tộc đem lại chính nghĩa và cơ sở vững chắc cho cuộc vận động dân chủ. Dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động cơ của cuộc vận động dân chủ, đồng thời, dân chủ là môi trường và điều kiện phải có mới phát triển bền vững và phục hưng dân tộc được.
Về mặt tổ chức và chiến lược-chiến thuật, thế đứng dân tộc bảo đảm đuợc tính ”toàn dân và toàn diện” của cuộc vận động dân chủ, giúp tập hợp được mọi thành phần dân tộc khác nhau trong một trận tuyến chung, trận tuyến dân tộc, tránh được xung đột về chính kiến và đoàn thể. Đồng thời, qua cuộc vận động dân chủ toàn dân và toàn diện mà tạo điều kiện và môi trường cho cuộc phục hưng và phục hoạt dân tộc một cách toàn diện, nhanh chóng và bền vững. Dân tộc không thể phát triển nếu các thành phần dân chúng, trong mọi ngành hoạt động của xã hội không có cơ hội phát triển, và nếu toàn dân Việt không có cơ hội hoà nhập vào dòng tiến hoá chung của nhân loại và thời đại.
Bằng thế đứng dân tộc trong cuộc vận động dân chủ, chúng ta vượt qua và không bị xa lầy trong cuộc tranh chấp và chia rẽ hiện nay trong đại gia đình dân tộc. Dân tộc còn chia rẽ thì không thể có tự do, dân chủ chân chính cho tất cả mọi người Việt, mà cũng không thể phát triển và phục hưng dân tộc được. Nếu dân tộc bao gồm mọi thành phần thực hữu khác nhau thì không thể chỉ dân chủ với một thành phần dân tộc này mà không dân chủ với thành phần dân tộc khác. Toàn thể dân tộc phải cùng được hưởng thành quả của môi trường và cơ chế tự do dân chủ. Thế đứng dân tộc là thế đứng toàn dân. Trận tuyến dân tộc là trận tuyến của toàn dân trong-ngoài nước đối kháng lại tập đoàn độc tài, trước mắt là độc tài của ban lãnh đạo cộng sản đương quyền. Cuộc vận động trên thế đứng và trong trận tuyến dân tộc là cuộc vận động của toàn dân vì nền dân chủ. Chúng ta tin rằng chỉ đứng từ vị thế “toàn dân vì nền dân chủ” mới mở đường cho sự tái thống nhất dân tộc để từ đó vận động hữu hiệu cho lộ trình dân chủ hóa và phát triển đất nước, mang lại phúc lợi cho mọi người Việt.
Trong ý nghĩa đó thì, nói một cách nôm na, hình tượng, mục tiêu của chúng ta là “tạo một sân chơi chung (dân chủ) với luật chơi chung (pháp trị)” cho mọi “đội chơi” (tổ chức, đoàn thể) và trong mọi “trò chơi” (kinh tế, văn hóa, chính trị). Tức là cuộc vận động dân chủ toàn dân và toàn diện nhằm tạo cơ chế, môi trường và điều kiện tự do dân chủ để mọi tài năng của người Việt được phát huy. Vận động dân chủ khởi đi từ bệ phóng dân tộc, từ thế đứng toàn dân, để đạt đến điểm đích là toàn dân hạnh phúc và dân tộc hưng thịnh.
Quan Điểm Và Nguyên Tắc
Để tiến hành được cuộc vận động dân chủ với thế đứng và động lực dân tộc đó, chúng ta cần làm sáng tỏ một số quan điểm về cuộc vận động chính trị hiện nay.
Trước hết, chúng ta tin rằng Việt Nam phải và có thể nhanh chóng chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ phát triển một nước Việt của thế kỷ 21. Việt Nam thế kỷ 21 phải là một Việt Nam của mọi người Việt và cho mọi người Việt không phân biệt đối xử vì những khác biệt tư tưởng, chính kiến, tôn giáo, địa phương, chủng tộc. Mọi hình thức đàn áp, tinh thần và thân thể, vì các lý do này, do bất cứ ai và nhân danh bất cứ gì, đều là bất hợp pháp và phải bị luật pháp trừng phạt. Việt Nam thế kỷ 21 phải tạo môi trường và cơ hội phát triển không giới hạn năng lực đặc thù của mọi ngưòi Việt. Chúng ta tin rằng một nước Việt như thế sẽ khai phóng tiềm năng, nhanh chóng nâng cao mức sống, gia tăng hiểu biết, và mở rộng phạm vi phát triển cho mỗi cá nhân và mọi thành phần dân chúng. Với một nước Việt như thế, dân tộc ta sẽ dễ dàng hội nhập trào lưu tiến hóa chung của nhân loại. Chúng ta cũng tin rằng một nước Việt như thế là điều mong mỏi của mọi người Việt, đồng thời người dân Việt hiện nay có khả năng và nhất là có quyền được hưởng một cuộc sống mới trong một môi trường sống xứng đáng với mọi con người và với một dân tộc đã mất mát nhiều như dân tộc Việt. Một nước Việt như thế có thể ra đời được trong giai đoạn lịch sử hiện nay của dân tộc và của thế giới.
Nhưng để một nước Việt như thế ra đời được, cần có một phong trào dấn thân mới ở trong nước, và cả ở hải ngoại, tương xứng với nhu cầu và nhiệm vụ của giai đoạn lịch sử hiện nay. Phong trào dấn thân này không chỉ là một phong trào thuần túy chính trị. Nó phải bao gồm mọi lãnh vực hoạt động cần thiết để tạo được môi trường và điều kiện khai phóng sức sống và tiềm năng đa dạng, phong phú của mọi thành phần dân tộc với mọi xu hướng và khả năng khác nhau. Trong phong trào dấn thân mới này, các lãnh vực kinh tế, thương mại, xã hội, và văn hóa thông tin, giáo dục chiếm vị thế quan trọng ngang với, nếu không nói là hơn cả, chính trị khi mà nước ta còn quá nghèo, trình độ kiến thức và tinh thần của dân ta còn quá thấp, và trong bối cảnh thời đại mà tri thức đã trở thành yếu tố quyết định mọi tiến bộ.
Có thể nói cuộc vận động văn hóa và xã hội có tác dụng quyết định đột phá để tạo ra được một nước Việt tiến bộ, và ngay trước mắt, một phong trào dấn thân mới. Nó phải đi trước một bước để gây nên một cao trào tư tưởng mới, một tư trào mớùi. Tư trào này đề ra được một viễn ảnh mới cho một nước Việt mới. Nó cũng phải tạo ra được một công luận mới, một cao trào quan tâm và thảo luân công khai, nghiêm chỉnh, tự do và hoà ái về mọi vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân, gia đình, đến thực trạng và tương lai của đất nước và của dân tộc. Nó có tham vọng gây ra được một cao trào ý thức và quan tâm xã hội mới, nhất là trong giới trẻ, đề ra được một cách nhìn và cách tiếp cận mới về mọi khía cạnh của vấn đề Việt Nam, từ cá nhân đến tập thể –cách nhìn và tiếp cận mang tính chất toàn diện, dung hóa (bao dung và thâu hóa) và luôn đề cao sáng kiến và khuyến khích mọi sáng tạo. Tư trào mới cổ võ cho việc đi tìm một tầm nhìn Việt Nam mới, tầm nhìn Việt Nam trong thế kỷ XXI, một tầm nhìn tương xứng với khát vọng và tiềm năng của toàn dân Việt, với thực tế và triển vọng phát triển của thế giới. Tầm nhìn mới phải mở ra một chân trời phát triển không giới hạn cho mọi người Việt cũng như cho toàn thể dân tộc, tạo ra một niềm tin tưởng và lạc quan mới, để từ đó tích cực dấn thân vì tương lai của mỗi người và của toàn xã hội. Tầm nhìn mới phải tạo nên một Giấc Mơ Việt Nam cho mọi thanh niên Việt. Có ước mơ lớn mới có rung động lớn và dấn thân lớn.
Sự dấn thân mới này là một sự dấn thân chính trị nhưng với một phương hướng chính trị dân tộc, vượt ra khỏi những định kiến tư tưởng và cơ chế chính trị hạn hẹp và độc đoán hiện đang trói buộc sức vươn lên của toàn dân. Phương hướng chính trị dân tộc đặt căn bản lý luận và hành động trên lập trường tiến bộ vàdân tộc. Tiến bộ vì hội nhâp vào trào lưu tiến hóa chung của toàn nhân loại, đồng thời làm phong phú thêm nền văn hóa nhân loại. Dân tộc vì không coi những khác biệt chính kiến, tôn giáo, địa phương, nhân chủng như những yếu tố xung khắc mâu thuẫn hủy diệt nhau, mà chỉ là những thành tố đa dạng, làm phong phú thêm cho đại gia đình dân tộc. Những thành tố này phải được cùng tồn tại trong tinh thần cạnh tranh trong sáng, tự do và bình đẳng.
Phương hướng chính trị dân tộc tiến bộ phát huy tinh thần nhân bản và hòa ái dân tộc, và tâm thức “cùng mọi người cùng sống và cùng tiến”. Phương hướng này nhằm vào mục tiêu xây dựng một xã hội trong đó mọi người Việt thuộc mọi thành phần dân tộc và xã hội khác nhau đều có cơ hội phát huy và đóng góp khả năng của mình vào việc thăng tiến đời sống riêng và phát triển đời sống chung.
Để tạo được phong trào dấn thân với một phương hướng chính trị dân tộc tiến bộ như thế, những người tham gia cuộc vận động dân chủ cần có một chủ trương bao dung, cởi mở, chấp nhận mọi khác biệt, tạo môi trường đối thoại chân tình giữa những người Việt yêu nước thuộc mọi thành phần dân tộc và mọi quan điểm chính trị tư tưởng khác nhau. Chúng ta cần luôn luôn đặt tiền đồ dân tộc và quyền lợi toàn dân lên trên hết, luôn có cái nhìn Việt Nam trên mọi cái nhìn riêng tư. Chúng ta tin rằng tạo được một tầm nhìn hoà ái dân tộc và toàn dân như thế sẽ hóa giải được mâu thuẫn và bế tắc hiện nay của đất nước, khơi dậy được sức sống tiềm tàng của toàn dân Việt trong-ngoài nước, thực hiện được dân chủ và mở đường cho dân tộc phục hưng trong thế kỷ 21.
Trước mắt, tầm nhìn dân tộc và toàn dân giúp tạo nhận thức và hành động thực sự do dân và vì dân để đẩy nhanh tiến trình dân chủ hóa đất nước. Hơn thế nữa, trước nguy cơ xâm lược hiện nay của Đại Hán mới, tầm nhìn dân tộc và toàn dân tạo môi trường và điều kiện văn hóa-chính trị để thống nhất và đoàn kết toàn dân đánh bại mọi mưu toan xâm lược của Bắc Kinh.
Đoàn Viết Hoạt
(Trích bài viết “Thề Đứng Dân Tộc Trong Cuộc Vận Động Dân Chủ Hiện Nay”, 3.2004 (*)- có thêm câu kết “Trước mắt...” cho phù hợp tình hình hiện nay – 9/6/2014)
(*) Hành Trình Dân Tộc Trong Thời Đại Toàn Cầu Hóa: http://doanviethoat.org/ indexVN.htm
No comments:
Post a Comment