Tôi hoan nghênh Liên Hội Người Việt Canada đã vận động thành công cho buổi điều trần về nhân quyền hôm nay trước Quốc Hội Canada. Đây là thành quả của 2 năm vận động. Cách đây 2 năm, khi Liên Hội bắt đầu vận động cho buổi điều trần này, cũng như khi cách đây 3 năm chúng tôi bắt đầu vận động để đẩy lùi Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP, cho Việt Nam, thì đâu ai có thể ngờ trước được biến động vừa xảy ra ở Biển Đông. Biến động này đang cho chúng ta một cơ hội vàng để đẩy nhanh hơn cuộc tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ và vẹn toàn lãnh thổ cho Việt Nam.
Tôi xin trình bày về cơ hội vàng này, về 3 bước để đem dân chủ đến cho Việt Nam, và một ví dụ về cách huy động sức mạnh tổng hợp của tất cả người Việt ở hải ngoại.
Từ giờ đến cuối năm chúng ta đang có cơ hội vàng để đòi hỏi những nhượng bộ về nhân quyền từ chính quyền Việt Nam. Trước khi xảy ra việc Trung Cộng cắm giàn khoan vào sâu trong vùng biển của Việt Nam, cuộc vận động chính giới Hoa Kỳ gặp nhiều cam go vì khuynh hướng lấy nhân quyền làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại với Việt Nam chỉ là khuynh hướng thiểu số. Đa số những nhà làm chính sách Hoa Kỳ tin hoặc biện luận rằng, mạnh tay về nhân quyền và dân chủ thì e sẽ đẩy Hà Nội ngả thêm về phía Trung Cộng. Đó là tình trạng cách đây 4 tuần. Bây giờ lý lẽ này không còn cơ sở. Chính quyền Việt Nam chắc chắn sẽ cảm nhận được thái độ cứng rắn hơn từ phía Hoa Kỳ trong thời gian trước mắt. Chưa bao giờ chúng ta có thuận lợi như bây giờ.
Chưa bao giờ chế độ độc tài ở Việt Nam lại ở thế kẹt như lúc này. Họ đang rất cần sự yểm trợ của Hoa Kỳ và cùng với Hoa Kỳ là cả khối các quốc gia tự do dân chủ, trong đó có Canada, về an ninh lẫn kinh tế. Kinh tế Việt Nam đang tụt dốc và, do ảnh hưởng của các biến động hiện quanh vụ giàn khoan, có thể đi vào khủng hoảng. Họ kẹt về an ninh nhưng chết về kinh tế. Việt Nam đang cầu cạnh TPP như một chiếc phao cứu sống. Và chính lúc này là lúc chúng ta phải tổng vận động để đòi hỏi những cải thiện nhân quyền cụ thể và cơ bản, làm điều kiện tiên quyết nếu Việt Nam muốn tham gia TPP.
Và chúng ta có xác suất thành công cao. Để chặn không cho Việt Nam vào TPP, chúng ta chỉ cần hoặc có đa số phiếu ở Hạ Viện, hoặc một vị thượng nghị sĩ quyết liệt chống đối ở Thượng Viện Hoa Kỳ. Chúng ta đang có cả hai yếu tố này. Chúng ta phải duy trì được vị thế này cho đến cuối năm. Sau đó là cuộc tranh cử tổng thống bắt đầu; không đảng nào muốn mất phiếu của những khối dân chúng chống TPP. Nghĩa là triển vọng cho Việt Nam vào TPP sẽ lại càng giảm đi. Chúng ta sẽ tiếp tục chặn TPP cho đến khi Việt Nam bắt đầu tiến trình dân chủ hoá đất nước.
Năm 2005 chúng tôi bắt đầu kế hoạch đem dân chủ đến cho Việt Nam, mà có thể tóm tắt một cách đơn giản hoá bằng 3 bước.
Bước thứ nhất là cộng đồng người Việt ở mỗi quốc gia định cư phải phát triển nội lực để ảnh hưởng chính trị đối với chính quyền nơi mình sinh sống, như hôm nay Quý Vị đang làm ở Quốc Hội Canada một cách hiệu quả. Cứ hình dung chúng ta đang là Bách Việt: Canada-Việt, Mỹ-Việt, Pháp-Việt, Anh-Việt, Nhật-Việt, Úc-Việt, Hàn-Việt, Na Uy-Việt… Ngàn xưa khi một chi của Bách Việt bị lâm nguy thì các chi khác quây lại bảo vệ. Cũng vậy, ngày hôm nay tổ quốc lâm nguy thì tất cả chúng ta người Việt ở khắp 5 châu quây vào để giải nguy. Nhưng trước hết chúng ta phải biến mình thành Bách Việt ở những quốc gia dân chủ, tự do và phú cường.
Bước thứ hai là với ảnh hưởng của mình, người Việt ở hải ngoại dùng quốc tế vận để buộc chế độ độc tài phải tháo gỡ các công cụ bạo lực mà họ dùng để đàn áp và khống chế người dân. Các công cụ này là Nghị Định 72; Nghị Định 92; Điều 88, Điều 258, Điều 79 Bộ Luật Hình Sự; các biện pháp tra tấn; các hành vi bạo lực của công an… Tháo gỡ các công cụ đàn áp này là tạo điều kiện cho đồng bào trong nước thực thi 3 quyền căn bản cho tiến trình dân chủ hoá: tự do ngôn luận, tự do biểu tình ôn hoà và tự do thành lập các tổ chức xã hội dân sự và đảng chính trị.
Trong khi các công cụ đàn áp chưa hoàn toàn được tháo gỡ, chúng ta dùng các mũi nhọn nhân quyền để mở ra các “hành lang an toàn” mà trong đó người dân trong nước có thể thực thi các quyền tự do này. Tôi dùng chữ “hành lang an toàn” vì sự quan tâm theo dõi của quốc tế chính là bức tường che chắn, bảo vệ. Các mũi nhọn nhân quyền ấy là chống buôn người, chống tra tấn, bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ quyền lao động, bảo vệ tù nhân lương tâm, v.v. mà chúng tôi đã tuần tự mở ra trong nhiều năm qua.
Bước thứ ba là hỗ trợ và bảo vệ cho người dân ở trong nước thực thi quyền phát biểu những quan điểm có thể khác với quan điểm của nhà nước, đến với nhau để biểu lộ quan điểm một cách ôn hoà, và thành lập các tổ chức hay đảng chính trị để thúc đẩy cho quan điểm của mình. Những điều này chính là nền móng cho tiến trình dân chủ hoá.
Năm 2010, tôi bắt đầu chuyến “du thuyết” ở Hoa Kỳ và Canada, và đã đến Ottawa này, để kêu gọi những người có lòng với đất nước cùng nhau bắt tay thực hiện kế hoạch 3 bước này. Tôi gọi đó là “Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm” và có viết một quyển sách cùng tên để phổ biến đến những nơi chưa đến được.
Muốn thực hiện các điều trên, chúng ta cần vận dụng được sức mạnh tổng hợp của Bách Việt ở hải ngoại. Tôi xin đưa ra một ví dụ về cách tạo sức mạnh tổng hợp.
Hồi nãy trong bàn ăn có vị cho biết ý định gây quỹ để giúp vài nhà đấu tranh dân chủ hay tù nhân lương tâm. Đây là việc làm chính đáng nhưng sẽ chỉ manh mún và hời hợt nếu không nằm trong một kế hoạch lớn để tạo nên những thay đổi cơ bản như kể trên. Thay vì mạnh ai nấy làm, tốt hơn chúng ta nên gom tài nguyên lại để tài trợ cho một người làm việc toàn thời gian. Người này sẽ vừa xin các nguồn tài trợ quốc tế cho các nhà tranh đấu đang lâm nguy hay bị tù đày, mà kết quả chắc chắn sẽ nhiều lần hơn số tiền đầu tư cho người ấy, vừa vận động quốc tế bảo vệ và can thiệp cho họ. Muốn tạo sức mạnh tổng hợp, mỗi người phải làm việc nhỏ trong một kế hoạch lớn, chứ đừng chỉ làm việc nhỏ trong những kế hoạch nhỏ.
Cũng trong tinh thần tạo sức mạnh tổng hợp, ngày 16 tháng 7 tới đây chúng tôi tổ chức cuộc tổng vận động ở Hoa Thịnh Đốn. Dự kiến sẽ có một nghìn người tham gia để vừa lên án hành động xâm lấn của Trung Quốc, vừa đẩy lùi TPP cho Việt Nam. Chúng tôi đang kêu gọi các cộng đồng bạn: Tây Tạng, Phi Luật Tân, Nhật, Mã Lai, và những người Trung Hoa dân chủ cùng tham gia. Xin mời quý vị ở Canada cử phái đoàn nhập cuộc. Đến tháng 9, khi Quốc Hội Canada nghỉ hè xong, chúng tôi từ Hoa Kỳ sẽ lại kéo qua đây để yểm trợ cuộc tổng vận động ở Canada trong thế liên hoàn.
Với sự có mặt ở đây của BS. Bùi Trong Cường từ Úc đến, tôi mong rằng sẽ có sự phối hợp đồng bộ giữa những nỗ lực vận động ở Hoa Kỳ, ở Canada với các nỗ lực của người Việt ở Úc, và rồi sẽ lan đến các quốc gia Âu châu và Á châu.
Lần nữa xin hoan nghênh cộng đồng người Việt ở Canada đã tổ chức buổi điều trần thành công ở Quốc Hội.
No comments:
Post a Comment