Thursday, November 14, 2013

Nô lệ thời nay

 Kỳ 1: Nô lệ Việt Nam trên thế giới

Các nạn nhân của lừa đảo lao động tại các quốc gia như malaisia,taiwan,Russia....

Theo Chỉ Số Nô Lệ toàn cầu 2013 của Tổ Chức Đi Tự Do (Walk Free), vẫn còn 29.8 triệu người nô lệ trên thế giới (ước tính trong số 162 quốc gia). Con số này khá nhỏ nhoi so với tổng số dân trên thế giới hiện nay vào khoảng 7 tỷ người, một tỷ lệ 0.4%. Riêng Việt Nam có 248,705 người được xem là nô lệ, tỷ lệ 0.28% dân số.

Chỉ số mới này mang 2 ý nghĩa tích cực. Thứ nhất, tỷ lệ 0.4% toàn cầu tự nó không phải là đáng kể. Thứ nhì, định nghĩa về nô lệ thời nay đã mở rộng rất nhiều hơn định nghĩa hạn hẹp của ngày xưa. Nô lệ thời nay bao gồm những nô lệ hoàn toàn được xem là tài sản của chủ, và những người bị cưỡng bách lao động và bị bóc lột cách này hay cách khác. Thông thường nhất là những người bị bắt cóc, bị buôn lậu từ nơi này qua nơi khác, buộc phải phục vụ lao động hoặc tình dục, nhưng cũng bao gồm hôn nhân cưỡng bách, và những người bị lấy mất cơ quan nội tạng.


Việt Nam xếp hạng 64 trong số 162 nước, tức là dưới trung bình. Tính riêng về châu Á, Việt Nam đứng thứ 9 trong 25 nước, cũng dưới trung bình. Nô lệ Việt Nam mới có mặt ở nhiều nước ngoại quốc, trong vùng châu Á cũng như trên thế giới, thậm chí cả những nước có chỉ số nô lệ thời nay thấp nhất (tốt nhất) như Anh và Phần Lan.

Định nghĩa nô lệ thời nay rất khác định nghĩa thông thường vì nô lệ ngày nay có thể bắt đầu bằng sự tự nguyện của người nô lệ. Phần lớn có thể được xem là nạn nhân của lừa gạt nhiều hơn là bị bắt buộc theo nghĩa không còn lựa chọn nào khác, chẳng hạn như con cái của nô lệ đương nhiên là nô lệ theo luật ngày xưa. Ngày nay, đa số con người sinh ra tự do, nhưng có thể biến thành nô lệ vì hoàn cảnh và/hoặc bị lừa gạt.

Một ví dụ tiêu biểu cho loại nô lệ bắt đầu bằng tự nguyện ở Việt Nam là những người bị du vào hoàn cảnh nô lệ vì muốn tìm một tương lai tốt đẹp hơn ở một xứ sở khác. Từ 1975, người Việt đã chạy trốn chế độ Cộng Sản và tình trạng kinh tế thấp kém bằng nhiều cách vượt biên khác nhau. Trước là bằng thuyền, bằng đường bộ, rồi bằng giấy tờ giả để xuất cảnh bán chính thức và chính thức, rồi bằng cách kết hôn với người ngoại quốc và buôn lậu. Những người vượt biên bằng đường bộ và thủy đã từng bị cướp bóc và bắt để buôn bán thành nô lệ ở những nước trong vùng như Thái Lan, nhưng những người khác vẫn tiếp tục chấp nhận nguy cơ và liều lĩnh để thử thời vận.

Những người dùng cách buôn lậu (người) có thể chấp nhận tình trạng nô lệ ngay từ đầu như là điều kiện tiến đến một tương lai khá hơn: để trả chi phí cho chuyến buôn người, họ có thể chấp nhận một số nợ và hứa sẽ làm việc để hoàn lại. Đến đây, giao dịch chưa phải là cưỡng bách hoặc nô lệ. Nhưng thường khi đến nơi họ muốn, họ không được tự do kiếm việc khác mà bị buộc phải làm việc cho chính tổ chức buôn lậu, và số nợ của họ có thể không bao giờ dứt trong tình trạng lương thấp cộng với lãi cao. Tuy rằng nhập cư lậu có nghĩa là họ khó kiếm ra việc làm, hoặc việc làm đủ trả nợ, tình trạng bị bắt buộc làm việc (thường là bất hợp pháp) để trả nợ, và bị cột chặt vào nợ với mức lãi cao đã biến họ thành nô lệ thời nay.

Tương tự, nhưng người phụ nữ tìm cách kết hôn với người ngoại quốc để được xuất cảnh chính thức hoặc qua nạn buôn người cũng đã vào cuộc một cách tự nguyện. Một số may mắn đã có cuộc hôn nhân khá bình thường cho dù có đạt được tương lai tốt đẹp hơn như họ mong muốn hay không. Một số khác đã sa chân vào những hoàn cảnh nô lệ, bị cưỡng bách phục vụ lao động và tình dục cho ông chồng (hiếp dâm trong hôn nhân), hoặc bị bán thẳng vào động mãi dâm.

Cảnh nô lệ thời nay cũng có thể xảy ra cho những người xuất cảnh theo chương trình lao động ở nước ngoài. Tuy xuất cảnh hợp pháp, họ vẫn không tránh được cảnh bị bóc lột như nô lệ: làm việc 14 tiếng mỗi ngày, ăn cháo hoặc cơm và canh rau trường kỳ, thời gian còn lại thì bị nhốt tại chỗ làm. Nạn nhân thường thuộc thành phần kém học vấn, xuất thân từ nông thôn.

Không nhất thiết phải mơ ước tương lai tốt đẹp hơn ở một nước khác, mong một tương lai tốt đẹp hơn ở một vùng khác của Việt Nam cũng là nguyên nhân nhiều người rơi vào cảnh nô lệ thời nay. Đa số những vụ này là do gạt gẫm, hứa tìm việc ở một địa điểm ở Việt Nam nhưng lại lừa bán đi ngoại quốc.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến những trẻ em bị buôn bán qua lại, thường là nạn nhân của gia đình và người thân trước khi là nạn nhân buôn người và chịu cảnh nô lệ. Đây là ví dụ gần gũi nhất của loại nô lệ truyền thống, nơi con người không hề có quyền tự chủ. Trẻ sơ sinh bị bán để cho người ngoại quốc nhận nuôi, lớn hơn thì để bóc lột lao động và tình dục, và lớn lên trong cảnh nô lệ có thể dẫn đến nô lệ trong tư tưởng, có nghĩa là không có mong muốn và không tìm cách thoát ra cảnh nô lệ.


- Kỳ 2: Nô lệ nội địa


Một phụ nữ băng qua đường rầy ở Nha Trang.

Vài con số liên quan trực tiếp đến vấn nạn nô lệ thời nay ở Việt Nam là những thống kê của chính phủ. Theo trang mạng của những tờ báo và tạp chí Công An Việt Nam, có 22 ngàn phụ nữ và trẻ em mất tích lâu ngày ở Việt Nam. Con số này chưa tính đến 80 ngàn phụ nữ xuất cảnh với những phương tiện hợp pháp cũng như bất hợp pháp, và 20 ngàn trẻ em được nhận nuôi ở ngoại quốc. Đa số 22 ngàn trẻ em và phụ nữ mất tích, và nhiều em trong số 20 ngàn em được nhận nuôi ở ngoại quốc cũng như nhiều phụ nữ xuất cảnh hợp pháp, có thể đã là nạn nhân của tệ nạn buôn người và trở thành nô lệ ở ngoại quốc. Nhưng tổng cộng hết những con số này, vẫn còn khoảng 125 ngàn người nô lệ thời nay ngay tại Việt Nam.
Chỉ có vài tờ báo Việt Nam loan tin về Chỉ Số Nô Lệ Toàn Cầu 2013 của tổ chức Đi Tự do (Walk Free), nhưng không hề nhắc đến những chỉ số của Việt Nam. Tin tức về nô lệ thời nay ở ngoại quốc thì có, nhưng không có tin về nô lệ thời nay ở Việt Nam. Chuyện này dĩ nhiên không có gì lạ. Tổ chức Walk Free đã cố tình mạ lỵ, hoặc đã sai lầm, vì với sự lãnh đạo ưu việt của Đảng, Việt Nam không thể có nô lệ thời nay! Chỉ buồn cười là những tờ báo trích báo cáo Chỉ Số như là đáng tin, thậm chí những thông tin về Trung Quốc đàn anh, mặc nhiên đã ngầm công nhận luôn những con số lượng định về Việt Nam.

Không có điều tra chính thức hay bán chính thức, nên không thể biết chắc con số, thành phần và nguyên do của những nô lệ thời nay ở Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể suy đoán ra những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nô lệ thời nay cho nhiều người.
Nguyên nhân hàng đầu hẳn phải là cái nghèo. Khó khăn kinh tế thường là nguyên nhân đầu tiên đẩy người ta vào những chuyện liều lĩnh và thiếu lý trí cũng như đạo đức. Có thể cái nghèo của một số người là do chính lựa chọn cuộc sống và những tật xấu của họ, như những bà mẹ bán con để son phấn, sơn móng tay và ngồi sòng bạc, nhưng với đa số, cái nghèo là thứ họ không thể thoát ra được, trừ phi có phép lạ, hoặc một hành động bất chấp hậu quả.
Nguyên nhân thứ nhì, là nền văn hóa còn hủ lậu của Việt Nam. Cha mẹ xem con cái như công cụ lao động và tài sản có thể biến thành tiền bạc, chồng xem vợ như vật sở hữu, một thứ nàng hầu vừa làm việc vừa cung ứng tình dục, vui thì yêu chiều, bực lên thì đánh đập. Nạn chồng đánh vợ, khi say xỉn cũng như tỉnh táo, lúc có tiền cũng như túng thiếu, đánh để biểu thị và củng cố quyền lực, để trấn áp và đè nén vị thế phụ nữ, đã khởi đi từ ảnh hưởng phong kiến Khổng Mạnh, không hề bị lay chuyển với những tuyên truyền bình quyền phụ nữ sáo rỗng và bất lực từ chính phủ, nặng nề thêm vì vai trò ngày càng quan trọng hơn của người vợ trong kinh tế gia đình, đến nay vẫn còn là chuyện thông thường ở Việt Nam. Hỗ trợ cho thái độ đàn ông tối thượng, những người phụ nữ Việt Nam vẫn còn tin những giá trị Nho giáo và không đủ tự tin vào giá trị của chính mình. Cộng vào đó, là nhu cầu “có chồng” từ sức ép xã hội, khiến phụ nữ phải dằn mình nhẫn nhịn từ tính tình vũ phu đến những lần lăng nhăng của ông chồng, cho dù họ là nguồn thu nhập chính của gia đình chăng nữa.
Nguyên nhân thứ ba, là giáo dục. Có hai hướng giáo dục, một liên hệ đến văn hóa và cách sống, một là học vấn và kiến thức. Giáo dục về văn hóa cần biến chuyển của cả xã hội, sự biến chuyển tư tưởng của mỗi con người, như thế cha mẹ và thầy cô sẽ dạy con trai phải biết tôn trọng phụ nữ và dạy con gái phải tự tin. Việt Nam hiện nay có thể đã bắt đầu quá trình này, phần lớn nhờ những người phụ nữ tiên phong, thành công trong sự nghiệp và mạnh dạn tự tin trong cuộc sống riêng, nhưng sức trì trệ của lề thói lạc hậu cũng không phải là nhỏ. Trang mạng Gia Đình ở Việt Nam còn gọi phụ nữ độc thân là “gái ế”, trang VnExpress thì có lời khuyên những lời nên tránh nói với phụ nữ độc thân..., tất cả đều dựa trên nguyên tắc không lập gia đình là không được, với hàm ý “ế”. Đây cũng là tình trạng chung trên thế giới, có thể ít hơn nhưng vẫn tồn tại ở những nước tiên tiến nhất.
Nô lệ thời nay thường là những người thiếu học vấn và kiến thức, và chính vì thế họ trở thành những con mồi ngon cho những chủ nô thời đại. Thiếu học vấn, họ không thể nhận định hoặc hiểu những bản hợp đồng họ ký, hay dễ bị lừa đảo. Khi biết ra mình là nạn nhân, thiếu học vấn và kiến thức, họ khó thể tìm cách thoát ra, nhất là khi ở xứ sở ngoại quốc xa lạ về mọi mặt. Nguyên nhân của việc thiếu học vấn có nhiều lý do, nhưng hẳn phần lớn cũng liên hệ đến hai lý do đầu tiên, khó khăn kinh tế và văn hóa. Phải lo kiếm sống thì trẻ em không thể chuyên tâm học hành, hoặc những trẻ bị bán vào tình trạng nô lệ từ nhỏ dĩ nhiên không có cơ hội học hành, hoặc các trẻ em gái không được khuyến khích học.


Nô lệ thời nay - Kỳ 3: Phòng ngừa nạn buôn người




Một cảnh sát viên Thái Lan đứng xem bích chương chống nạn buôn người ở Bangkok. (Getty Images)

Theo “Báo Cáo Nạn Buôn Người Năm 2013,” được phổ biến trên trang mạng của Bộ Tư Pháp Mỹ, Việt Nam thuộc Hạng 2 (không hoàn toàn tuân thủ Đạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người nhưng có nỗ lực đáng kể trong việc tuân thủ). Theo báo cáo này, Việt Nam cùng hạng hoặc khá hơn đa số các nước trong vùng thường nằm trong danh sách theo dõi của hạng hai (tức có thể bị đẩy xuống hạng 3), còn Trung Quốc thì đã rớt xuống hạng 3 ((không hoàn toàn tuân thủ Đạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người và không có nỗ lực đáng kể trong việc tuân thủ).
Việt Nam thêm đạo luật chống buôn người toàn diện hơn vào tháng 3 năm 2011, tuy thế, những trừng phạt cho đạo luật mới chưa được thành lập, nên đa số những vụ án buôn người vẫn được xử theo những luật cũ. Định nghĩa buôn người trong luật Việt Nam cũng đòi hỏi có thành phần thứ ba và trao đổi tiền, khiến một số vụ án buôn người bị đùn đẩy thành vụ án luật lao động, mà luật lao động thì không có trừng phạt cho nạn buôn lao động. Sự thối nát trong chính quyền, ít nhất là ở mức địa phương, cản trở cả hai phía tố tụng và ngăn chặn vấn đề.
Theo báo cáo của Bộ Tư Pháp, số vụ án buôn người ở Việt Nam tăng đến 232 vụ trong năm 2012 so với 153 trong hai năm 2010 và 2011, số nghi phạm bị kết án tăng đến 490 trong năm 2012 so với khoảng 300 trong hai năm 2010 và 2011. Con số 232 này, so với con số 500 vụ mua bán người theo thống kê của Ban Chỉ Đạo 130 thuộc Bộ Công An (với 3,800 nạn nhân), cho thấy quá nửa các vụ mua bán không thành án buôn người. Những con số này cũng không thấm vào đâu so với số 22 ngàn phụ nữ và trẻ em mất tích, và có thể nhiều vụ hơn nữa được ngụy trang bằng di dân hợp pháp và xuất cảng lao động.

Hơn nửa số bị kết án buôn người có án tù ít hơn 7 năm, một vài người có án 20-30 năm tù. Cho đến nay, tranh chấp lao động được giải quyết bởi chính các công ty đã gây ra tố tụng, và chưa có ai thành công ở tòa án trong việc đòi được bồi thường cho những điều họ phải gánh chịu. Có những nghị định mới hướng dẫn cách nhận dạng và bảo vệ nạn nhân được hoàn tất và phổ biến từ tháng 6, 2012 đến tháng 6 2013, nhưng sự áp dụng và thực thi vẫn còn yếu kém và rời rạc.
Chừng nào đợi luật chống buôn người và bảo vệ nạn nhân buôn người ở Việt Nam có nhiều chi tiết hơn, và việc thực thi luật mạnh mẽ hơn, đó là những câu hỏi hiện nay không có lời đáp. Trong khi đó, đại diện Dự Án Liên Minh các tổ chức Liên Hiệp Quốc về phòng chống tội phạm buôn bán người tại Việt Nam (UNIAP), bà Vũ Thị Thu Phương, nói rằng “ở Việt Nam, buôn bán người diễn ra ở cả nội địa và xuyên biên giới. Mua bán người ở Việt Nam ngày càng tinh vi và nhiều thủ đoạn, có nhiều hình thức buôn bán người mới xảy ra như buôn bán trẻ sơ sinh, buôn bán bào thai, nội tạng và một hình thức buôn bán mới nhất gần đây là đẻ thuê.” Bà cũng nhận rằng Luật phòng chống buôn bán người của Việt Nam vẫn chưa tương ứng với luật pháp quốc tế, nhưng lại nói rằng đấy là vì “do những điều kiện khách quan.” Cũng theo bà, một trong những lý do khách quan này là luật của Việt Nam “chưa có định nghĩa về 'mua bán người' mà chỉ có qui định những hành vi cấm, được thể hiện ở điều 119 và 120 Bộ Luật hình sự,” và “UNIAP đang phối hợp với Bộ Tư pháp sửa đổi bổ sung lại các điều này cho phù hợp với qui định của luật pháp quốc tế,” nhưng không (dám hoặc không thể) nhắc đến điều chủ chốt là thời điểm sửa chữa, cũng như giải thích tại sao luật Việt Nam, sinh sau đẻ muộn hơn luật quốc tế, lại thiếu sót những định nghĩa đã có sẵn, và tại sao các nhà lập pháp Việt Nam đã không tham khảo luật quốc tế trước khi viết luật.
Trong khi chờ đợi luật pháp và guồng máy trị an/công lý hoạt động tốt hơn về nạn buôn người, hiệu quả nhất định trong việc phòng chống nạn buôn người thuộc về những tổ chức không thuộc chính phủ (NGO) và vài tổ chức từ thiện mọc lên từ những cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, chẳng hạn như BPSOS (Cứu Thuyền Nhân) và Tổ Chức Pacific Links (Gạch Nối Thái Bình Dương). Những tổ chức này đã có những chương trình ngừa buôn người (học bổng cho những trẻ em gái) cũng như giúp đỡ nạn nhân buôn người, và họ đã có những thành công nhất định: trong số 883 nạn nhân buôn người Việt Nam được nhận diện trong năm 2012, 119 đã được nhận diện bởi những chính phủ ngoại quốc và NGO (những tổ chức không thuộc về chính phủ).
Về phía những cơ quan chính phủ thì có những chiến dịch truyền thông phòng chống nạn buôn người, hội thảo chống buôn người của những đại diện thanh niên, biểu ngữ chống buôn người trên đường phố, chỉ đạo của Trung tướng Cao Minh Nhạn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công An rằng “các đơn vị cần tập trung thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục từ cấp cơ sở cho phụ nữ và các trẻ em gái gái, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa.” Nhiều kế hoạch, nhiều tuyên truyền, nhưng có kết quả thực sự hay không? Con số các vụ buôn người bị khám phá tiếp tục tăng, điều đó có nghĩa là nỗ lực trị an đã khá hơn, hay chỉ là dấu hiệu tăng trưởng của vấn nạn?

Nguyễn Phương

theo viendongdaily.com

No comments:

Post a Comment