Cô Phạm Thanh Nghiên, người tù lương tâm vừa mãn hạn cách đây chừng nửa tháng, tiếp tục bị chính quyền địa phương và cơ quan an ninh gây khó khăn, sách nhiễu.
Sách nhiễu liên tục
Gia Minh có cuộc nói chuyện với cô Phạm Thanh Nghiên vào chiều ngày 4 tháng 10, và được cô cho biết:
Phạm Thanh Nghiên: “Như quí vị đã biết tình trạng sức khỏe, không phải của cá nhân tôi mà của tất cả những người tù nhân lương tâm khi trở về, đều rất yếu và mang một số bệnh tật trong người khi bước chân ra khỏi trại giam. Vì thời gian tù đày không phải ngắn - người ba năm, người bốn năm, người sáu năm; do đó việc giảm sút về mặt sức khỏe là đương nhiên; mặc dù về tinh thần có lẽ không cần phải bàn nữa.
Khi trở về, tôi cũng có một số hướng đi thăm khám, chữa bệnh vì khẳng định rằng trong người mình không ổn về mặt sức khỏe. Tuy nhiên, tôi đã bị chính quyền địa phương, không những không tạo điều kiện cho tôi, mặc dù họ nói như vậy; mà họ có những hành xử, việc làm mà tôi cho hoàn toàn phi pháp. Họ đang chà đạp lên nhân quyền chính tôi, một người đang hoạt động nhân quyền. Cụ thể đỉnh điểm của việc đó là vào ngày hôm qua, lúc 23 giờ đêm, họ đến nhà tôi sách nhiễu bằng cách kiểm tra hộ khẩu. Họ nói với tôi nếu muốn đi chữa bệnh xa phải có sự cho phép từ cấp quận. Mấy hôm nay khi tôi ra khỏi nhà để đi chợ, đi siêu thị họ đều theo sát tôi. Hiện lúc này có một số an ninh đang đi lại trước nhà tôi, có người đứng cách vài ngôi nhà; tức họ đang đặt một chốt canh gác.”
Gia Minh: Khi họ đến kiểm tra hộ khẩu, và ‘tiếp xúc’ thì cô nói với họ thế nào?
Họ đến nhà tôi sách nhiễu bằng cách kiểm tra hộ khẩu. Họ nói với tôi nếu muốn đi chữa bệnh xa phải có sự cho phép từ cấp quận.Cô Phạm Thanh Nghiên
Phạm Thanh Nghiên: “Tôi nói việc đến kiểm tra hộ khẩu vào lúc 23 giờ đêm là hoàn toàn vi phạm pháp luật. Tôi nói họ không được làm như thế và tôi nhắc đi nhắc lại mời họ ra khỏi nhà không dưới 10 lần. Tuy nhiên họ vẫn ngồi lì và đưa các văn bản ra.
Tôi và mẹ tôi không cho họ kiểm tra sổ hộ khẩu vì làm như thế là tiếp tay cho họ phạm pháp, và tạo cớ cho họ để họ gây áp lực với mình. Tôi nhất quyết không cho họ xem hộ khẩu. Họ nói nếu không sẽ làm biên bản. Tôi trả lời dù có làm biên bản, chúng tôi cũng không ký. Hai công an lập biên bản và họ đưa cho một ‘trưởng xóm’ ký vào dù rằng chủ hộ không ký. Sau một hồi phản đối, họ nói họ hoàn toàn làm theo pháp luật phải tuân thủ. Tôi nói chỉ tuân thủ những điều hợp lý còn những điều bất hợp lý tôi sẵn sàng phá vỡ. Tôi chỉ phụng sự cho lợi ích quốc gia - dân tộc chứ tôi không phụng sự cho Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Nhà Nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam; vì vậy không thể nhân danh Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam để bắt tôi làm điều này hay điều kia .
Mẹ tôi hôm qua có trạng thái tâm lý mà tôi chưa thấy bao giờ là bà rất hoảng loạn và bất bình trước việc gần 12 giờ đêm họ vẫn đến sách nhiễu.”
Gia Minh: Ngoài vấn đề cá nhân và gia đình như vậy, việc liên lạc với những người cùng chia sẻ các hoạt động đấu tranh cho dân chủ nhân quyền ra sao?
Phạm Thanh Nghiên: “Tôi không có cuộc gặp trực tiếp nào, nhưng qua điện thoại tôi có trao đổi với một vài anh em, chú bác ở quốc nội cũng như bên ngoài. Trước tiên để hỏi thăm sức khỏe vì sau bố năm xa cách.Thứ hai trao đổi một số vấn đề về diễn tiến tình hình trong nước. Tôi thấy đây là một việc làm hoàn toàn bình thường và cần thiết không chỉ đối với một người đấu tranh dân chủ, mà đối với một người phải xa mọi người trong một thời gian đằng đẳng bốn năm trời. Tôi không hiểu sao qua bốn năm mà phía công an vẫn không có những đầy đủ nhận thức, mà vẫn hành xử theo kiểu mà tôi cho không thể chấp nhận được.”
Gia Minh: Sau khi ra khỏi tù và được tiếp xúc với nguồn thông tin bên ngoài, cô có đánh giá gì về tình hình hiện nay?
Phạm Thanh Nghiên: “Tôi phải nói là thực sự xấu hổ khi việc cập nhật thông tin của tôi cho đến nay đã nửa tháng rồi, tôi trước hết chưa bắt nhịp kịp cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày trong gia đình. Thứ nữa tôi chưa cập nhật được nhiều thông tin do khó khăn về nối mạng Internet. Mấy hôm nay, tôi có xem qua báo, nhưng chưa đủ lượng thông tin cần thiết để có thể đưa ra một nhận định chính xác, khách quan về tình hình quốc nội hay ở ngoài - nói chung là vấn đề dân chủ hay xã hội; nên có thể tôi chưa thể đưa ra điều đó như mong muốn của tôi hay của quí vị. Tuy nhiên có động thái mà tôi nhìn thấy là phía nhà cầm quyền đang càng ngày càng gay gắt hơn trong việc khủng bố, bắt bớ, cũng như siết chặt tất cả những người hoạt động nhân quyền trong quốc nội và chúng tôi đang gặp phải những khó khăn vô cùng to lớn trong công cuộc đấu tranh, đóng góp cho xã hội Việt Nam để có một xã hội tự do, công bằng, dân chủ và tiến trình dân chủ hóa của đất nước.”
Gia Minh: Chân thành cám ơn cô Phạm Thanh Nghiên.
No comments:
Post a Comment