Wednesday, October 10, 2012

Một nữ phóng viên Cuba tố cáo công an gây áp lực bỉ ổi

Nhà báo - blogger nổi tiếng Cuba Yoani Sanchez.

Nhà báo - blogger nổi tiếng Cuba Yoani Sanchez.
AFP

Một blogger Cuba, thông tín viên của báo El Pais của Tây Ban Nha, bị công an Cuba bắt giam 30 tiếng đồng hồ. Khi được tự do, nữ phóng viên trẻ tuổi này đã thuật lại kinh nghiệm bản thân với kết luận tại sao không nên tin vào thiện chí của công an điều tra.

« Họ bắt tôi cởi quần áo. Tôi chống cự lại và phải trả giá ». Trên đây là một trong những lời tố cáo của nữ phóng viên Yoani Sanchez trên mạng của báo El Pais, sau 30 giờ trong nhà giam của công an Cuba.
Thứ Năm vừa qua, blogger phóng viên này đến Bayamo, đông nam Cuba, theo dõi phiên tòa xử Angel Carromero, một thanh niên Tây Ban Nha 27 tuổi, người cầm lái xe chở nhà ly khai Oswaldo Paya hôm 22/07/2012 bị tai nạn. Ông Oswaldo Paya tử thương, chính quyền quy cho tài xế tội « ngộ sát » trong khi giới ly khai và gia đình nạn nhân tố cáo an ninh gây tai nạn lưu thông để thủ tiêu đối lập.

Yoani Sanchez không tới được phiên tòa. Bà kể, chiếc xe chở đoàn ly khai bị công an chận bắt như bắt « một băng đảng buôn lậu ma túy hoặc kẻ giết người hàng loạt ». Tại trụ sở công an Cuba, Yoani Sanchez bị đưa vào một căn phòng. Ba nữ công an đồng phục tìm cách cởi quần áo của bà, nhưng bà chống cự lại với hậu quả « là phải trả giá ». Nữ phóng viên không nói rõ là cái giá đó như thế nào, nhưng nhấn mạnh là « rất căng thẳng ». Bà thuật tiếp, sau « màn căng thẳng », một công an tìm cách « đối thoại », tìm một lời nói sơ hở nào đó để hãm hại bà, như họ đã làm với Angel Carromero, người thanh niên Tây Ban Nha lái xe cho nhà ly khai Oswaldo Paya. Tuy nhiên, cũng theo lời kể của Yoani Sanchez, thủ đoạn của công an Cuba quá quen thuộc, nên bà không bị đánh lừa. Bà dự đoán là công an Cuba cũng dùng đòn phép áp lực, đe dọa này với Angel Carromero, khiến cho nạn nhân khó chống cự lâu dài.
Chiến thuật của nữ blogger Yoani Sanchez là « kháng cự và tự vệ » đòi cho được quyền điện thoại cho thân nhân. Sau khi công an nhượng bộ để bà điện thoại cho cha, bà tiến hành giai đoạn hai, đặt tên là « trú đông » : Tuyệt thực, không ăn , không uống, không cho bác sĩ xem xét tình trạng sức khỏe.
Trong suốt 30 giờ bị giam, nữ phóng viên can đảm này cho biết thêm là luôn luôn bị quay phim và bị nhiều hình thức khủng bố tinh thần khác mà bà gọi là « thử thách không có tra tấn hay đánh đập ».Kinh nghiệm này giúp cho bà hiểu ra rằng, khi vào đồn công an thì « phải thận trọng đừng cả tin vào bất cứ một ai ».
Trên chiếc xe bị nạn hôm 22/07/2012 có 4 người : Hai người ngồi ghế sau là nhà ky khai Oswaldo Payal, giải thưởng nhân quyền Sakharov, lãnh đạo phong trào Thiên chúa giáo giải phóng, và nhà đối lập Harold Cepero, cả hai tử vong. Người lái xe là Angel Carromero, lãnh đạo đoàn thanh niên đảng Bình dân của Tây Ban Nha và người ngồi bên cạnh là Jens Aron Modig, thành viên đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo Thụy Điển, bị thương nhẹ. Modig đã âm thầm về nước, trong khi Carrero ra tòa về tội ngộ sát. Thân nhân nhà ly khai Oswaldo Payal không chấp nhận lý giải của chính quyền là « tài xế tự đâm vào gốc cây ». Họ khẳng định là có một chiếc xe thứ hai liên can với « tai nạn ». Cả hai người sống sót cũng « khai với công an » là không có chiếc xe nào khác.
Tú Anh


Mỹ bật đèn xanh cho Hàn Quốc nâng tầm bắn tên lửa

Mô hình tên lửa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên tại bảo tàng chiến tranh Triều Tiên, Séoul, 12/03/2009
Mô hình tên lửa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên tại bảo tàng chiến tranh Triều Tiên, Séoul, 12/03/2009
AFP

Chính quyền Seoul vào hôm nay, 07/10/2012, loan báo đã đạt được thỏa thuận với Washington về việc mở rộng tầm bắn hệ thống tên lửa của Hàn Quốc từ 300km lên thành 800km. Điều này có nghĩa là tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc có thể bắn tới các mục tiêu trên toàn bộ lãnh thổ Bắc Triều Tiên và một phần lãnh thổ Trung Quốc hay Nhật Bản.

Phát biểu với báo chí, cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chun Yung Woo xác nhận : « Mục tiêu chủ yếu của sự kiện này là kiềm chế các hành động khiêu khích quân sự của Bắc Triều Tiên ».
Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận với Mỹ vào năm 2001, theo đó, Seoul chấp nhận hạn chế tầm bắn tên lửa của mình trong phạm vi 300km, để đánh đổi lấy việc được Washington bảo vệ bằng « chiếc ô hạt nhân » và 28.500 quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, sẵn sàng chống lại mọi cuộc tấn công từ bên ngoài.
Tuy nhiên, sau khi Bắc Triều Tiên ngày càng tỏ rõ tham vọng nâng cấp chương trình tên lửa đạn đạo và trang bị vũ khí nguyên tử, Hàn Quốc đã yêu cầu Mỹ cho phép mở rộng tầm bắn tên lửa của mình để tự vệ tốt hơn.
Đàm phán song phương Mỹ - Hàn về hồ sơ này thoạt đầu chỉ diễn ra từ từ, nhưng đã tăng tốc hẳn lên từ tháng Tư vừa qua, sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm không thành một tên lửa, gọi là để phóng vệ tinh dân sự lên quỹ đạo, nhưng bị quốc tế xem là một vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa trá hình.

No comments:

Post a Comment