Saturday, June 30, 2012

Một “Nó” ở Bangkok




Tin một cựu tù chính trị bị Cao ủy Liên Hiệp quốc từ chối cấp quy chế tỵ nạn đã lan ra, đang gây ngạt thở cộng đồng người Việt lưu vong trên đất Thái mấy ngày nay. Được làm người tỵ nạn sao khó quá. Giữa những căn phòng trọ tạm bợ, bữa đói bữa no, thân phận những kẻ đào thoát quả còn lắm bấp bênh.

Không phải là lý thuyết ảo, dân chủ là một thực sống. Trong những nỗ lực để làm người, dưới gầm trời này, anh ấy và vợ con cần được sống tự do. Ở bước đường cùng bị lũ ma sói cộng sản truy đuổi, anh ấy có quyền tỵ nạn vì quan điểm chính trị. Bằng chứng khách quan bị đàn áp ư ? Chính là tấm thân tàn ma dại vẫn lê lết theo tiếng gọi của lương tâm mà đứng lên vào năm 1999. Là ánh mắt u uất của kẻ đã bị cướp 20 năm thanh xuân tươi trẻ trong chốn âm binh lao tù. Là thằng bé thất học bên người phụ nữ gầy guộc cùng bao lo toan trước mắt quý vị. Ai đó, sao nỡ khép lòng mình lại mà bỏ qua sự thật này ?! Lòng trắc ẩn tha nhân hãy vượt qua các cổng giáo đường mà bước xuống cùng đời đang lắm oan khiên. Nhân loại văn minh của thế kỷ XXI, có quyền chưa thừa nhận nhiều uẩn khúc nhưng một chính nghĩa dân chủ thì không nên bị từ chối.

Bên bờ sông Chao Phraya, xen lẫn trong tiếng chuông chùa chiều nay, theo gió vọng lại nghe đâu là:

Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo
Ngày nó sống kiếp lang thang
Ngẩn ngơ như chim xa đàn
Nghĩ mình tủi thân muôn vàn




Tượng Phật giữa trời như hơn 5.000 năm trước, vẫn từ bi xót thương với chúng sinh đang oằn oại trong bể khổ. Tàu vẫn xuôi dòng tải khách cập bến Pratu Nam. Ừ, thì một “Nó” và gia đình đang âm thầm lạc trong một ngõ nhỏ Bangkok. “Nó” của nhạc sỹ Lê Minh Bằng năm xưa lại trở về… “Nó” là cựu tù chính trị Trần Văn Long, vừa bị Cao ủy Liên Hiệp quốc từ chối cấp quy chế tỵ nạn…

Cuộc chinh chiến điêu linh đã ngưng, song những “Nó” hôm nay vẫn còn đâu đó. Chìm khuất trong dòng thời gian đêm đêm, nhiều thân phận tỵ nạn côi cút không nhà trôi dạt trên đất Thái Lan và Mã Lai thì vẫn còn. 19 tuổi đầu chưa kịp biết đời là gì, sa cơ vào chốn lao tù cộng sản. “Nó” bị bắt vào những năm cuối thập niên 70 đầy máu lửa thế kỷ trước. Đang bình dị giữa chốn dân gian, Tổ quốc lâm nguy - tụ hàng xung lính. Cao xanh chẳng chiều lòng người, anh hùng tử chí anh hùng bất tử. Tổ chức Dân Quân Phục quốc ngày đó, người bị xử bắn, kẻ rục xương trong tù. Đoàn dân quân oai hùng năm xưa chỉ còn sót lại những ký ức bi tráng. Không còn mấy nhân chứng, dăm nấm mộ hoang ngoài thung lũng Tử thần A20 Xuân Phước chẳng thể xác nhận nhân thân cho anh Trần Văn Long.

Một phần cuộc đời của cựu tù chính trị này đã hiến dâng cho tự do dân tộc. Mặc dù ngày toàn thắng còn ở phía trước, nhưng những người trong số họ  không đáng bị từ chối. Giữa những rối rắm của chợ đời Bangkok, anh như thằng bé mồ côi. Bị trả về Việt Nam là bản án tử hình đối với 3 sinh linh. Người tù chung thân bể án năm xưa có thể chịu đựng được, song vợ và con anh có tội tình gì… Bị trả về Việt Nam, cái gia đình khốn khổ ấy làm sao có thể chịu được những đòn thù rực lửa của cộng sản đang đón chờ. Còng số 8 đang đợi anh Long và vợ tại sân bay Tân Sơn Nhất; tuy nhiên, hy vọng không có còng số 3 hay số 4 gì đó cho thằng nhóc con của anh ấy. Ai đó đang cười nhòa mắt vậy… Trường hợp anh Vũ Quang Thuận, người chủ xướng Phong trào Chấn Hưng Nước Việt, bị trả về từ Malaysia hồi tháng 6/2009 đã chứng minh điều này. Bị trả về Việt Nam là chắc chết… chết chắc.

Vì một nền dân chủ và tự do chính trị chân chính nước nhà, nhiều tấm lòng ái quốc vẫn đang nỗ lực từng ngày. Có lúc thăng lúc trầm, anh chị em ta dọc hai bờ Thái Bình dương chưa xuôi tay nản chí. Hai tiếng “đồng bào” lúc nào cũng đáng trân trọng. Vì biến cố chung nên nhiều đời phiêu bạt, ráng giữ một cố quốc trong lòng cũng là điều cần thiết. Nếu chẳng quá khó, nên chăng, làm thêm một điều gì đó cho người mình ?

Lang thang đất khách quê người, bùn lắm người ơi. Ai sẽ nghe được lời kêu cứu của anh Trần Văn Long, một khi chỉ biết phát ra bằng tiếng Việt. Tiếng chuông chùa đã ngưng, song tiếng hát ai đó vẫn cứ văng vẳng:

Việt Nam điêu tàn nên đời nó khổ
Một chén cơm chiều nên lòng chưa no
Nhiều lúc nó khóc trong mơ
Mẹ ơi ! Con yêu mong chờ
Bao giờ cho đến bao giờ…

Bangkok, ngày 28.05.2012
Huỳnh Cứu Quốc

Xin vui lòng đọc thêm:

No comments:

Post a Comment