Wednesday, October 9, 2013

Người Trung Quốc nhớ gì về Tướng Giáp

Tướng Giáp hồi năm 2002
Nhiều người Trung Quốc coi Tướng Giáp là bạn
"Người lính già không bao giờ chết. Họ chỉ mờ dần đi," một blogger Trung Quốc đã viết như vậy chỉ vài phút sau khi tin ông Võ Nguyên Giáp chết được loan báo ở Trung Quốc.

Một blogger khác viết: "Là một cựu binh Trung Quốc, Võ Nguyên Giáp là nhà lãnh đạo quân đội Việt Nam mà tôi kính trọng nhất."
Blogger này cũng nói rõ rằng ông trích dẫn Tướng Douglas MacArthur để bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với vị tướng huyền thoại của Việt Nam.
Tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều công dân mạng ở Trung Quốc phản ứng nhanh chóng và với sự tôn kính thành thật như thế ngay sau khi có tin về cái chết của nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng nhất của Việt Nam.
Lý do tôi ngạc nhiên có nhiều: cuộc chiến Việt Trung năm 1979 và các căng thẳng kéo dài trong thập niên sau đó giữa hai nước; tranh chấp lãnh hải gần đây ở Biển Đông vốn đã khiến nhiều blogger Trung Quốc đòi hỏi và mong đợi chính quyền của họ phải phô trương sức mạnh và cho Việt Nam "bài học mới"; và cáo buộc Việt Nam về hùa với Hoa Kỳ để "kiềm chế" Trung Quốc.
Nhưng những blogger này không thương tiếc nhầm. Nhiều người tin rằng họ hiểu biết đủ về "con hổ Điện Biên Phủ". Một trong số họ nói:
"Là một vị khai quốc công thần của nền độc lập ở Việt Nam, Tướng Giáp là bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc nhưng bị phe Lê Duẩn tấn công.
"Ông phản đối các chính sách bài Trung Quốc và vì thế đã bị loại bỏ hồi năm 1980. Trong năm 1990, ông đã có những nỗ lực cuối cùng để cải thiện quan hệ Việt - Trung, vốn đã mở đường cho bình thường hóa quan hệ hồi năm 1991."

Thân Trung Quốc?

Nhiều blogger khác đã liệt kê thêm các lý do mà ông Giáp được coi là "bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc":
- được đào tạo tại Học viện Quân sự Vân Nam
"Ngoài các bloggers, truyền thông chính thống cũng đưa tin với những phụ đề thể hiện cái nhìn từ Trung Quốc, chẳng hạn "Võ Nguyên Giáp qua đời-ông đã từng bị cho ra rìa vì thân Trung Quốc""
- sống lưu vong và tổ chức các hoạt động cách mạng ở miền nam Trung Quốc hồi đầu Thế Chiến II.
- làm việc bên cạnh các cố vấn Trung Quốc trong trận Điện Biên Phủ và nhiều người tin rằng ông được người Trung Quốc "dạy dỗ"
- là người thân Trung Quốc lâu năm trong giới lãnh đạo Việt Nam và bất đồng với "phe Lê Duẩn" về chính sách nhất biên đảo phụ thuộc vào Moscow và quay lưng lại với Bắc Kinh sau khi thống nhất.

- thông cảm với người gốc Hoa ở Việt Nam sau thống nhất khi họ bị coi là "những nhà tư bản" và chỉ trích chính sách của Lê Duẩn đối với Trung Quốc.
- phản đối xâm lược Campuchia - khi đó là đồng minh của Trung Quốc - và sau đó bi quan về hậu quả của việc can thiệp quân sự.
- không có vai trò quyết đoán trong cuộc chiến 1979 với Trung Quốc và vì thế bị Lê Duẩn đẩy đi vào năm 1982.
- và cuối cùng, ông ủng hộ chính sách bình thường hóa quan hệ Việt - Trung sau khi Lê Duẩn qua đời và khi Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư Đảng. Hồi năm 1990, ông đã đại diện chính phủ Việt Nam tham dự Á Vận hội ở Bắc Kinh. Đối với nhiều người Trung Quốc, ông là người thích hợp nhất để thăm Bắc Kinh vào thời điểm đó. Trong chuyến thăm, ông đã gặp nhiều nhà lãnh đạo quan trọng của Trung Quốc, kể cả các lãnh đạo đã nghỉ hưu trong cố gắng bình thường hóa quan hệ.
Ngoài các blogger, truyền thông chính thống cũng đưa tin với những phụ đề thể hiện cái nhìn từ Trung Quốc, chẳng hạn "Võ Nguyên Giáp qua đời-ông đã từng bị cho ra rìa vì thân Trung Quốc".

Nạn nhân cộng sản

Nhưng nhiều blogger cũng như một bộ phần truyền thông chính thống khác đã có quan điểm trái ngược và nói người ta đã ngây thơ khi tin ông Giáp hoàn toàn vô tội khi Việt Nam quay sang đối đầu với Trung Quốc hồi cuối thập niên 1970. Họ cũng nói gần đây ông Giáp đã ngăn cản Trung Quốc tiếp cận tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam.
Dẫn chứng được đưa ra là chuyện ông Giáp đã phản đối dự án khai thác nhôm có sự tham gia của Tập đoàn Nhôm Trung Quốc (Chinalco) ở Tây Nguyên. Một số blogger và truyền thông đại chúng dẫn tin mà Tân Hoa Xã đưa từ hồi năm 2009 với tựa "Dự án của Chinalco ở Việt Nam vấp phải sự kháng cự: Ông Võ Nguyên Giáp 98 tuổi dẫn đầu cuộc chống đối!".
Khai thác bauxite ở Tây Nguyên
Tướng Giáp phản đối khai thác bauxite ở Tây Nguyên
Trong khi một số người Trung Quốc coi quan điểm phản đối quyết liệt dự án là "chống Trung Quốc", một số trí thức trung lập đã tìm hiểu thêm về những gì Tướng Giáp viết trong các thư phản đối.
Một trong số họ đã tìm ra các thư của ông Giáp và dịch những điểm chính sang tiếng Hoa. Người này tin rằng những lo ngại của vị tướng là chính đáng nhìn từ quan điểm môi trường cũng như quan điểm dân tộc chủ nghĩa.
Chính vì thế nên phản đối của ông Giáp không đồng nghĩa với việc chống Trung Quốc.
Đọc những tranh luận này tôi nhận thấy câu hỏi "Ông Võ Nguyên Giáp 'thân' hay 'chống' Trung Quốc" là dạng méo mó của câu hỏi hợp lý hơn là "Có phải Võ Nguyên Giáp là nạn nhân của quan hệ đau thương giữa Trung Quốc và Việt Nam dưới chế độ cộng sản, cũng giống như nhân dân của hai nước?".
Đáng tiếc là chúng ta không có lý do gì để tin là cái chết của ông sẽ chấm dứt lịch sử bi thương này.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả Trình Ánh Hồng (Yinghong Cheng) một sử gia người Mỹ gốc Hoa tại Đại học Delaware State, Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment