Đòn bẩy thì phải có điểm tựa. Dùng thế quốc tế vận thì phải tựa vào “vấn đề cửa ngõ”. Một vấn đề được xem là “cửa ngõ” khi hội đủ hai yếu tố: (1) phù hợp với quyền lợi hay trách nhiệm của đối tượng vận động để mở “cửa” cho chúng ta đến với họ; (2) là con “ngõ” giúp chúng ta lôi kéo họ cùng chúng ta đồng hành đến tận gốc của vấn nạn.
Hãy lấy làm ví dụ vấn đề đang nóng sốt trong cộng đồng người Việt ở Houston: Phái đoàn của chính quyền Việt Nam vừa thăm viếng một số giới chức thành phố để bàn việc kết nghĩa chị em và buôn bán giữa Houston và Đà Nẵng. Chúng ta có hai cách: khoẻ thì dùng lực để đẩy lùi chính sách; yếu thì dùng thế để chuyển hướng chính sách.
Nếu dùng thế, chúng ta phải chọn một số vấn đề “cửa ngõ” mà các vị dân cử của thành phố phải quan tâm vì bổn phận, và nếu không quan tâm thì sẽ bất lợi cho cử tri, cho thành phố, và cho chính sự nghiệp chính trị của họ. Những vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo chung chung không phải là điều thiết tha cật ruột và nằm ngoài thẩm quyền của họ, rất dễ để họ thoái thác và “đẩy cây”, một cách chính đáng, rằng đó là lãnh vực của chính phủ Liên Bang.
Sau đây là một số ví dụ về vấn đề cửa ngõ ứng dụng cho chính quyền Houston.
(1) Chính quyền Việt Nam đã tra tấn những người mà nay là cư dân Houston: Nhiều cuộc nghiên cứu của các đại học nổi tiếng đã xác nhận di hại của các biện pháp tra tấn đối với tù cải tạo, và thân nhân của họ cũng bị ảnh hưởng gián tiếp. Các cuộc nghiên cứu này cho thấy rằng những sự kiện “gợi nhớ” sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng tinh thần của nạn nhân. Ở Houston có hàng ngàn người trong thành phần này.
(2) Chính quyền Việt Nam quịt nợ của cư dân Houston: Năm 2001 toà án American Samoa xử chính quyền Việt Nam phải bồi thường 3.5 triệu Mỹ kim cho các nạn nhân Việt bị buôn lao động sang đảo American Samoa, một lãnh thổ Hoa Kỳ. Nhiều chục nạn nhân này hiện cư ngụ ở Houston. Hơn mười năm sau chính quyền Việt Nam vẫn chưa trả một xu nào.
(3) Chính quyền Việt Nam hãm hại thân nhân của cư dân Houston: Năm 2010 trong vụ cướp đất của Xứ Đạo Cồn Dầu, giới công lực Đã Nẵng, thành phố mà Bà Thị Trưởng Houston định kết nghĩa, đã tra tấn đến chết anh Nguyễn Thành Năm, mà người anh ruột là cư dân Houston. Chính quyền Việt Nam hăm doạ cô Vũ Phương Anh, nạn nhân của đường dây buôn người do chính quyền Việt Nam tổ chức, đến độ dân biểu liên bang Al Green của Houston phải đề nghị FBI cử người bảo vệ; mẹ của cô Phương Anh gần đây đã bị đâm trọng thương ở Việt Nam.
(4) Chính quyền Việt Nam cướp trắng tài sản của rất nhiều cư dân Houston: Luật đất năm 1993 và 2003 đã quốc hữu hoá tài sản “vắng chủ” của nhiều cư dân Houston mà không bồi thường.
Chúng ta nên tổ chức một phái đoàn gặp Bà Thị Trưởng và từng Nghị Viên Thành Phố để:
(1) Hoan nghênh chính quyền Houston phấn đấu cho quyền lợi của cư dân, nhưng khi đã quan tâm đến các doanh nghiệp thì cũng phải quan tâm đến quyền lợi của các dân cư khác, như những thành phần kể trên.
(2) Nhắc nhở rằng khi chính quyền Việt Nam quịt nợ, tuỳ tiện cướp trắng tài sản của cư dân Houston, hăm doạ cư dân Houston nào lên tiếng tố giác, và bất chấp án lệnh của Hoa Kỳ -- toàn là những dấu hiệu không tốt cho việc bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp Hoa Kỳ khi làm ăn với Việt Nam.
(3) Tổ chức buổi điều trần về ảnh hưởng của việc kết nghĩa giữa Houston và Đà Nẵng để lắng nghe nạn nhân cũng như các chuyên gia về các chính sách tra tấn, buôn người, cuớp đoạt tài sản, đàn áp và bách hại nhân chứng… của chính quyền Việt Nam. Chẳng hạn việc kết nghĩa ấy có thể sẽ gây thiệt hại về sức khoẻ tâm thần cho hàng ngàn cư dân Houston lên đến nhiều trăm triệu Mỹ kim, mà chính quyền Houston sẽ liên đới chịu trách nhiệm.
(4) Sắp xếp để phái đoàn chính quyền Viêt Nam, nhất là Thành Uỷ Đà Nẵng, đến Houston đối thoại với các cư dân Houston đại diện cho: các nạn nhân của sự tra tấn, tù đày, cướp tài sản, đàn áp tôn giáo ở Cồn Dầu và thân nhân của họ; các nạn nhân buôn người trong chương trình xuất khẩu lạo động của chính quyền Việt Nam; những cư dân Houston bị cướp trắng tài sản.
Đây là những đề nghị mà Bà Thị Trưởng và các Nghị Viên Hội Đồng Thành Phố Houston khó thoái thác vì chúng vừa tích cực và hợp lý, vừa dễ dàng tranh thủ được hậu thuẫn của dư luận Hoa Kỳ, vừa nằm trong phạm vi trách nhiệm của các vị dân cử.
Nếu biết dùng thế qua các vấn đề cửa ngõ, chúng ta có thể chuyển từ đối đầu sang đồng thuận và đồng hành. Và cách làm ấy đã được thực hiện thành công cách đây vài tháng trong một hoàn cảnh tương tự ở thành phố Louisville, Kentucky nơi mà Ông Thị Trưởng với dự tính kết nghĩa với Hải Phòng, Việt Nam thoạt đầu ngỏ ý chống “nghị quyết cờ vàng”.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 30 tháng 11, 2012
No comments:
Post a Comment